Niềm mong ước Tà Ôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Du lịch như ngọn lửa bùng cháy trên đại ngàn đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên thung lũng của người Tà Ôi.

Non cao vẫy gọi

Trên thung lũng A Roàng (A Lưới, Thừa Thiên Huế), gặp lại chàng trai Viên Đăng Phú người Tà Ôi khi anh chuẩn bị dẫn đoàn khách quốc tế đi trải nghiệm rừng nguyên sinh A Roàng. Phú đã rắn rỏi hơn, và sự nhiệt thành vẫn thế. Anh vẫn xốc vác hỗ trợ từng người chuẩn bị tư trang hành lý, cùng với từng lời dặn dò bằng ngoại ngữ. Chỉ ba năm gặp lại, Phú đã chuyên nghiệp với công việc hướng dẫn viên đến không ngờ.

Homestay của đồng bào Tà Ôi ở A Roàng.

Homestay của đồng bào Tà Ôi ở A Roàng.

Mà dường như không chỉ có Viên Đăng Phú, mà A Roàng này cũng đã khoác lên mình tấm áo mới, tấm áo hoạt động du lịch chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, hấp dẫn hơn so với cách đây vài năm. Trở lại A Roàng hôm nay, nhiều người sẽ không tin vào mắt mình vì những đổi thay đáng kể. Xe ôtô chạy vào tận nhiều thôn làng. Đêm đến, đèn điện sáng trưng khắp các thôn buôn, dân cư đông đúc, các trường học, bệnh xá, khách sạn đã mọc lên. Những con đường phẳng phiu dưới bóng núi ngút xanh là niềm vui của cư dân, góp phần xóa nỗi khó khăn của cuộc sống giữa rừng núi miền biên viễn.

Khởi đầu chỉ với một mình Viên Đăng Phú ở thôn A Ka 1, bây giờ lại có thêm làng du lịch cộng đồng A Roàng ở thôn A Roàng. Và các thôn khác cũng đang ngấp nghé hướng xây dựng và phát triển du lịch khi thấy những thành công lớn của du lịch cộng đồng và sinh thái ở địa phương.

Những khu lưu trú cộng đồng đón 50 tới 60 khách mỗi đêm.

Những khu lưu trú cộng đồng đón 50 tới 60 khách mỗi đêm.

Trên thung lũng này, nhiều người đã phải công nhận cách làm du lịch khá hiệu quả của cộng đồng nơi đây. Chẳng ai nghĩ chỉ vài năm thôi với khởi đầu không có gì, A Roàng bây giờ đã là điểm đến đầy sức hút. Người Tà Ôi giỏi khi đã học tập được mô hình làm du lịch ở nhiều nơi khác và mang về đây áp dụng những điều phù hợp nhất. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác cũng có văn hóa, ẩm thực, có tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa biết phát triển để đem lại thu nhập. Nhưng ở A Roàng đã phát huy hiệu quả của nền văn hóa sẵn có, với tài nguyên thiên nhiên độc đáo.

Điều làm thay đổi rõ rệt nhất chính là ý thực tự vươn lên của mỗi người Tà Ôi nơi đây. Những người như Viên Đăng Phú, Blúp Tấn Đép, hay Zơ Râm Thị Tiên như những người tiên phong, nổi bật, làm sống dậy sức sống Tà Ôi từ du lịch. Chỉ vài năm thôi đã thấy sự thay đổi tích cực khác với trước đây, mô hình làm du lịch cộng đồng ở A Roàng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, ăn ở của du khách.

Năm 2013, chỉ một vài homestay nhỏ lẻ được xây dựng, đến năm 2018 khi những căn nhà to được xây dựng thêm với sức chứa có thể từ 40 - 50 khách mỗi đêm, đã giúp khách có nơi để ở lại tốt hơn. Rồi trong những năm 2022, 2023 nhiều người dân A Roàng cũng được đi tham quan, tập huấn ở nhiều điểm du lịch khác nhau. Bây giờ, A Roàng có thể đón hàng trăm người mỗi ngày tham quan và lưu trú. Việc thu hút khách cùng những trải nghiệm thú vị một đêm cùng bản làng nơi đây lại càng hấp dẫn.

Trong đêm giao lưu, những người làm du lịch ở A Roàng có thể tổ chức hát những bài hát truyền thống của dân tộc Tà Ôi cũng như tái hiện lại cuộc sống trước đây của họ ở núi rừng. Những làn điệu Cha Chấp, K’lới, Ba Boóch… hay thưởng thức tiếng khèn, tiếng chiêng, điệu múa, câu hát của đồng bào người Tà Ôi gìn giữ được văn hóa đậm chất truyền thống của những con người sống dưới những tán rừng trên dãy Trường Sơn càng khiến du khách mê mẩn.

Cùng với đó, những món ăn gần gũi và bình dị của cộng đồng Tà Ôi ở A Roàng mang hương vị đậm đà và độc đáo, tạo nên ẩm thực truyền thống riêng biệt và hấp dẫn. Từng món ăn không chỉ thơm ngon mà còn chứa đựng tinh hoa văn hóa và phong cách sống đặc trưng của người Tà Ôi, mang đến cho du khách những trải nghiệm ẩm thực khó quên.

Ẩm thực Tà Ôi cũng rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Ẩm thực Tà Ôi cũng rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Bập bùng ngọn lửa A Roàng

Đêm A Roàng bập bùng ánh lửa, những đoàn du khách từ các homestay, từ nhà lưu trú cộng đồng mới được xây dựng đổ dồn về khu vực trung tâm A Roàng, nơi ngút ngát mùi thơm của ẩm thực Tà Ôi, nơi chếnh choáng men rượu cần, rượu đoak, nơi miên man những vũ điệu trong tiếng trống tiếng chiêng rộn rã. Ở đó có những câu chuyện về làng A Roàng được kể lại, những ca khúc dân gian được hát, và những món ăn truyền thống được chia sẻ và thưởng thức. Mọi người được hòa mình vào các hoạt động của cộng đồng như kể chuyện, ca hát, và thậm chí nhảy múa cùng bà con đồng bào Tà Ôi xung quanh ngọn lửa của đêm Trường Sơn huyền bí.

Những làn điệu dân ca, dân vũ của người Tà Ôi bên ánh lửa bập bùng.

Những làn điệu dân ca, dân vũ của người Tà Ôi bên ánh lửa bập bùng.

Rừng Trường Sơn đã dựng lên những ngôi làng nuôi sống người Tà Ôi từ thuở trước cho đến tận bây giờ. Với người Tà Ôi, rừng như người mẹ, người cha lớn ôm ấp, chở che; cho bao thế hệ đồng bào cái ăn, cái mặc. Giờ đây, người Tà Ôi nơi này đã đưa khách du lịch đến quê hương mình nhờ sự hấp dẫn của thiên nhiên hoang dã và chính văn hóa độc đáo. A Roàng bây giờ đã chuyện nghiệp lắm rồi khi cộng đồng được tiếp cận với cách làm du lịch mới, cách trang trí, cách phục vụ từ nơi ăn đến chốn nghỉ. Nhưng ở đó vẫn là sự mộc mạc giản dị, vẫn là sự nhiệt thành rộng mở, vẫn là sự nồng nàn đắm đuối của đất và người Tà Ôi.

Bà Hồ Thị Thương ở Làng du lịch cộng đồng tại thôn A Ka 1 (xã A Roàng, huyện A Lưới) giới thiệu, ngoài chế biến các món ăn, thức uống mang đậm chất vùng cao như thịt khô gác bếp, rượu cần, bánh A Quát, A Chót và cơm lam để phục vụ du khách, người dân trong thôn còn trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ mang âm hưởng, hơi thở của núi rừng Trường Sơn. Bên cạnh đó, du khách sẽ được trải nghiệm loại hình du lịch homestay trong những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của đồng bào. Cùng với đó, các loại hình kinh doanh dịch vụ khá đa dạng, phong phú như du lịch trải nghiệm, mua bán các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương. Các dịch vụ giải trí như chương trình một ngày làm người Tà Ôi, cùng khai thác rượu đoác, học đan chiếu, dệt zèng… đều hấp dẫn du khách.

Du khách thích thú khám phá rừng nguyên sinh A Roàng.

Du khách thích thú khám phá rừng nguyên sinh A Roàng.

Hạt thóc gieo xuống sườn đồi đã không còn lặng im chờ nắng gió để lên xanh. Những miệng ăn trong nhà không còn trông ngóng vào những gùi củi, gùi măng hái trên rừng về lúc chiều muộn. Người Tà Ôi ở A Roàng nhờ du lịch giờ đã biết làm ăn, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, dần dần thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn ngày cũ. Với những trải nghiệm độc đáo, mới lạ, điểm du lịch cộng đồng A Roàng cũng đã được độc giả đề cử vào “Top 9 hoạt động - dịch vụ trải nghiệm ấn tượng” trong khuôn khổ chương trình “Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế” do Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức.

Ông Hồ A Lua, Chủ tịch xã A Roàng vui mừng khoe những kế hoạch để tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch sẵn có của xã theo hướng bền vững, hiệu quả, gắn với lợi ích cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự chỉ đạo quản lý thống nhất từ xã đến thôn, tập trung cho phát triển du lịch một cách đồng bộ, khoa học.

Các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương hay dịch vụ cùng khai thác rượu đoác, học đan chiếu, dệt zèng… đều hấp dẫn du khách.

Các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương hay dịch vụ cùng khai thác rượu đoác, học đan chiếu, dệt zèng… đều hấp dẫn du khách.

Những năm gần đây, chính quyền các cấp đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, chuyển biến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về vai trò của du lịch. Phát triển du lịch không chỉ là kinh tế, mà còn là niềm tự hào, sự phát huy tiềm năng tạo sự đồng thuận. Có cơ chế, chính sách để phát huy nội lực, khai thác ngoại lực, vận động Nhân dân và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng làm du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển các loại hình du lịch như Du lịch sinh thái, du lịch di tích lịch sử, du lịch văn hóa cộng đồng, cảnh quan nguyên sơ, làng nghề thủ công truyền thống… Nhờ thế, người Tà Ôi ở vùng đất này đã triển khai rất tốt mô hình của mình đến khách du lịch gần xa.

Theo đó, trong năm 2024, địa phương này sẽ uu tiên bảo tồn, giữ gìn và phát huy các di sản mang đặc trưng tiêu biểu của xã, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của xã A Roàng. Phấn đấu 2 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn, tạo ra 60 - 80 việc làm, tạo doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ năm từ du lịch. Tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ từ Nhà nước với các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.

Theo Tiêu Dao (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.