Gia đình Jrai giữ gìn, phát huy nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình Jrai ở TP. Pleiku vẫn bền bỉ giữ gìn, phát huy nghề truyền thống theo cách trao truyền, tiếp nối.

Tự hào về truyền thống

Ông R’Cơm Hmyơk (70 tuổi, làng Ia Nueng, xã Biển Hồ) trở thành người tạc tượng giỏi nhất làng từ thuở đôi mươi. Ông tự hào khi mình là thế hệ được tiếp nối nghề truyền thống bao đời của người Jrai. Với niềm tự hào ấy, ông đã ra sức gìn giữ và phát huy để nghề tạc tượng luôn song hành cùng năm tháng.

Bằng đôi tay khéo léo, ông Hmyơk đã “thổi hồn” vào những tấm gỗ và tạo nên nhiều bức tượng với các thể loại khác nhau. Hầu hết tượng ở khu nhà mồ đều do ông chế tác với các mô típ như: tượng người phụ nữ, người giã gạo, đánh trống…

Ước nguyện của ông R’Cơm Hmyơk (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ) thành hiện thực khi con trai đã theo nghề tạc tượng của cha. Ảnh: T.D

Ước nguyện của ông R’Cơm Hmyơk (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ) thành hiện thực khi con trai đã theo nghề tạc tượng của cha. Ảnh: T.D

Theo ông Hmyơk, người tạc tượng phải dành tình cảm, tâm huyết trên từng đường chạm khắc. Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở là những người biết tạc tượng trong làng thì hầu hết tuổi đã cao. Vậy nên, ông phải nghĩ cách lan tỏa tình yêu nghề đến dân làng. “Để làm được điều đó, mình bắt đầu truyền dạy cho chính đứa con trai”-ông Hmyơk chia sẻ.

Những năm qua, bà Al (70 tuổi, làng Têng 2, xã Tân Sơn) luôn tìm cách để lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình. Với bà, nghề dệt không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn là “cầu nối” gắn kết nhiều thế hệ trong gia đình.

“Nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm ra những sản phẩm đẹp phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn là nét đẹp truyền đời của phụ nữ Jrai. Để truyền dạy nghề dệt cho con cháu, mình đã luyện rèn bàn tay khéo léo, đôi mắt nhanh nhạy để dệt nên những tấm thổ cẩm tinh xảo. Khi mình dệt đẹp, con cháu cũng sẽ thích thú học theo”-bà Al tâm sự.

Dù công việc ruộng rẫy bận rộn, nhưng cuối ngày, bên khung dệt sẫm màu thời gian, bà Al vẫn kiên trì chỉ bày con gái kỹ thuật dệt thổ cẩm. Gia đình bà cũng là một trong những hộ tiêu biểu trong việc lưu giữ nghề dệt bằng cách truyền dạy cho các con.

Vừa thoăn thoắt luồn sợi chỉ, bà Al vừa chia sẻ: “Trước đây, hầu như gia đình nào cũng có phụ nữ biết dệt. Theo thời gian, nhiều nhà không còn dạy cho con cháu cách dệt nữa. Chính vì vậy, tôi luôn động viên và chỉ dạy các con không được xa rời nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình”.

Bà Al (làng Têng 2, xã Tân Sơn) vui mừng khi con cháu nối nghề truyền thống. Ảnh: T.D

Bà Al (làng Têng 2, xã Tân Sơn) vui mừng khi con cháu nối nghề truyền thống. Ảnh: T.D

Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuet 2, phường Thắng Lợi) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn nghề đan lát với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.

Từ thuở đôi mươi, ông Ak đã ý thức được việc gìn giữ nét đẹp của nghề truyền thống. Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, ông theo người già trong làng đi chặt tre, lồ ô để đan các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Ông đã tạo ra những sản phẩm đẹp mắt như: gùi, nia, thúng, đơm bắt cá, rổ, rá... Hầu hết các hội thi đan lát ở địa phương đều có sự góp mặt của ông.

“Cái đáng buồn nhất có lẽ là đánh mất nghề truyền thống. Chính vì vậy, tôi luôn mong muốn truyền dạy cho lớp cháu con của mình. Dù nghề này còn nhiều vất vả và chưa thể đảm bảo cho cuộc sống nhưng tôi vẫn động viên con cháu phải biết nghề và giữ nghề. Điều tôi chỉ dạy cho các con chỉ là nền tảng, còn việc phát huy giá trị của nghề phải dựa vào chính tình yêu và tâm huyết của chúng với nghề truyền thống”-ông Ak bộc bạch.

Ông Ak (làng Chuet 2, phường Thắng Lợi) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn nghề đan lát với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau. Ảnh: T.D

Ông Ak (làng Chuet 2, phường Thắng Lợi) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn nghề đan lát với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau. Ảnh: T.D

“Tiếp lửa” cho thế hệ trẻ

Việc phát huy vai trò của gia đình trong lưu giữ nghề truyền thống được người Jrai đặc biệt quan tâm, trăn trở. Để “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ, trong những đêm trăng sáng hay những lần đi rừng, ông Hmyơk luôn kể những câu chuyện của ông bà để lại về nơi khởi nguồn, về ý nghĩa của những bức tượng gỗ...

“Mình phải trao cả tình yêu, tâm huyết cũng như kinh nghiệm trong nghề cho các con cháu thì chúng mới có thể tiếp nhận một cách đủ đầy nhất. Mình không thể áp đặt bọn trẻ bắt buộc phải “nối nghề” mà phải dùng cách “mưa dầm thấm lâu”. Khi chúng đã biết tự hào với nghề truyền thống thì tự khắc sẽ biết cách gìn giữ và phát huy”-ông Hmyơk bày tỏ.

Và ước nguyện ấy của ông Hmyơk đã thành hiện thực khi con trai ông-anh R’Cơm Hmyaih (38 tuổi) đã giữ nghề truyền thống của dân tộc. “Tôi cảm nhận được tình yêu của bố đối với nghề truyền thống. Dù rằng cuộc sống còn nhiều lo toan nhưng tôi vẫn dành khoảng thời gian nhất định để học tạc tượng. Tôi cũng thường xuyên tham gia các hội thi để học hỏi, giao lưu và phát huy nét đẹp của nghề tạc tượng”-anh Hmyaih chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Thời gian qua, chính quyền thành phố đã có sự quan tâm, hỗ trợ việc giữ gìn và khôi phục nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp của nghề truyền thống, những người đi trước nỗ lực “giữ lửa” và lớp cháu con sẵn sàng “tiếp lửa” để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Còn đối với bà Al, dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu ăn mặc trong đời sống hàng ngày mà còn gửi gắm vào đó biết bao tình cảm với người thân, buôn làng. Bà Al vui mừng khi mỗi buổi chiều, dưới chân nhà sàn, bên cạnh luôn có cô con gái ngồi dệt và trò chuyện cùng.

Chị Anglưp tâm sự: “Hình ảnh mẹ ngồi bên khung cửi dệt vải đã trở nên quen thuộc, gần gũi. Mẹ tôi là nghệ nhân dệt giỏi, xoang đẹp… Tôi cũng mong muốn bản thân và con cái mình học tập mẹ để tiếp nối những điều tốt đẹp ấy. Thật may mắn, con gái tôi cũng rất đam mê nghề dệt”.

Nhìn con cháu ngày càng trưởng thành và yêu văn hóa truyền thống, ông Ak càng có thêm động lực để tham gia truyền dạy nghề cho lớp trẻ. “Tôi rất vui và tự hào khi các con mình đan lát ngày càng đẹp và tinh xảo. Thanh niên trong làng biết bảo ban nhau học cách đan lát và cải tiến cho phù hợp với nhu cầu hiện nay. Dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng lớp trẻ để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc”-ông Ak phấn khởi nói.

Anh Angh (con trai ông Ak) cười hiền khi chia sẻ về vai trò “tiếp lửa” của mình. Anh cho hay: “Bố đã truyền lại cho chúng tôi tình yêu với nghề truyền thống. Chúng tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy. Từ nền tảng kiến thức của bố, chúng tôi đã mạnh dạn đưa sản phẩm đan lát tham gia các hội chợ, triển lãm. Ngoài chăm chỉ học tập để nâng cao tay nghề, chúng tôi phải có trách nhiệm giới thiệu nghề truyền thống đến bạn bè bốn phương”.

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

(GLO)- Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng A Sanh, những năm qua, người dân làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động trong lao động sản xuất, trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ký ức tháng ba

Ký ức tháng ba

(GLO)- Một ngày mùa khô cuối tháng 3-1975, ông Ksor Doen lần đầu tiên trở về làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) sau hơn 2 năm xa nhà. Quê nhà hiện ra sau cây hoa pơ lang còn sót lại vài bông cuối mùa khiến người lính đang ngây ngất trong niềm vui chiến thắng càng bồn chồn bước chân.