Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".

Nghe câu "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến", mấy ai không muốn biết Phố Hiến ở đâu, như thế nào mà có sự ghi nhận vị thế như vậy.

Khắc khoải hình hài

Đứng ở góc đường nào quanh vòng xuyến trung tâm thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), chúng tôi đều thấy dòng chữ "Nhất Kinh kỳ - Nhì Phố Hiến". Tìm hiểu thông tin, tôi được biết câu này không phải so về cảnh quan mà nói đến vị trí quan trọng về kinh tế, thương mại của Phố Hiến xưa trong vùng châu thổ sông Hồng.

Phố Hiến không phải là một đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Hưng Yên. Vùng này xưa kia nằm bên tả ngạn sông Hồng, nơi sông Hồng hướng chảy ra biển gặp sông Luộc, sông Thái Bình, cách Hà Nội khoảng 50 km về phía Nam. Kinh kỳ tức kinh thành Thăng Long hay Đông Đô, Đông Kinh qua các triều đại phong kiến từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII, là Hà Nội từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay.

Cảng Vạn Lai Triều được cho là gần hồ bán nguyệt

Cảng Vạn Lai Triều được cho là gần hồ bán nguyệt

Vào thế kỷ XVI-XVII, Đàng Ngoài của Đại Việt thuộc quyền vua Lê - chúa Trịnh, kinh đô là Đông Kinh, còn gọi là Kẻ Chợ. Đàng Ngoài chú trọng phát triển kinh tế trong thời kỳ này. Nhiều chợ được lập làm nơi trao đổi hàng hóa, quan hệ buôn bán với nước ngoài được mở rộng nên thương buôn từ các nước Á, Âu tìm đến.

Với vị trí thuận lợi về giao thông thủy: nối kết với hệ thống sông nội địa, không cách xa cửa biển, Phố Hiến đã có Vạn Lai Triều là thương cảng quốc tế. Thuyền bè nước ngoài từ biển ngược sông Hồng muốn vào kinh thành làm ăn buôn bán đều phải dừng ở cảng Vạn Lai Triều để lấy giấy thông hành, nộp thuế, chờ tiếp tục vận chuyển lên Kẻ Chợ. Từ đó nhiều người nước ngoài cư trú lại đây, lập những hội quán, thương điếm.

Vị thế "Thứ nhất" của Thăng Long - Kẻ Chợ không thay đổi. Ở thế kỷ XX và XXI vẫn thấy dấu ấn phồn thị của Kinh kỳ thuở nào qua các phố nhỏ đông đúc trong nội thành Hà Nội, nhiều tên phố thể hiện một mặt hàng từng được và đang được trao đổi buôn bán tại đây.

Chùa Chuông - danh lam hàng đầu của Phố Hiến

Chùa Chuông - danh lam hàng đầu của Phố Hiến

Trong khi đó, đến Hưng Yên, khó mà tìm được dấu tích để thấy vị thế "Thứ nhì Phố Hiến". Trên các bảng giới thiệu ở đường phố hay trong quyển sách do Ban Quản lý Khu Di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến xuất bản, viết về quần thể di tích Phố Hiến hầu hết thuyết minh về đền, đình, chùa. Nếu không thật chú tâm đọc từng thuyết minh để lọc ra vài chi tiết ở các di tích chùa Chuông, Đông Đô Quảng Hội, đình Hiến, chùa Hiến, chúng tôi không thể hình dung chút gì về Phố Hiến xưa.

Ông Nguyễn Đức Khôi, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, chia sẻ dựa trên một vài tài liệu lịch sử và những bia ký ở các di tích, trong đó có 2 tấm bia ở chùa Hiến và chùa Chuông, người ta lấy làm cơ sở để xác định Phố Hiến xưa phát triển thịnh đạt nhưng hình hài chính xác thế nào thì quá ít hình ảnh lưu truyền.

Một thời phồn thịnh

Theo sử sách, Phố Hiến lúc đầu chỉ con phố nơi đặt Ty Hiến sát của trấn Sơn Nam vào cuối thế kỷ XV. Dần dà, do cách gọi của khách thập phương đến tụ cư, Phố Hiến được miêu tả là khá rộng với chừng 2.000 nóc nhà, khoảng 1 vạn dân, không có thành lũy bao quanh, nổi rõ là đô thị kinh tế với bến cảng sông, nhiều chợ, phố phường, hiệu buôn của người nước ngoài.

Tập hợp một số tài liệu lịch sử và bản đồ do người châu Âu ghi lại, có thể hình dung cảng Vạn Lai Triều gần hồ bán nguyệt, thương nhân người Hoa lập hội quán ở Phố Khách (đường Phố Hiến nay), thương nhân châu Âu lập thương điếm, nhà kho ở giữa quãng cuối Phố Khách và đê gần thôn Nễ Châu.

Đông Đô Quảng Hội được xây dựng ở phố Hiến Hạ vào năm 1590

Đông Đô Quảng Hội được xây dựng ở phố Hiến Hạ vào năm 1590

Chúng tôi đến đường Phố Hiến, con đường còn vài di tích có thể giúp hiểu thêm về Phố Hiến cách đây 3 thế kỷ. Ngoài cộng đồng người Việt thì người Hoa đến cư trú tại Phố Hiến từ khoảng thế kỷ XIII, tụ cư thành các làng Hoa Dương, Hoa Điền, Hoa Cái. Người Hoa giỏi về buôn bán.

Đông Đô Quảng Hội được xây dựng vào năm 1590 ở trung tâm phố Hiến Hạ khi xưa, nay vẫn hiện diện trên đường Phố Hiến thuộc khu phố Mậu Dương, phường Hồng Châu, từng là nơi hội họp của các thương nhân để định giá hàng hóa, điều hành các thương vụ ở Phố Hiến vào thế kỷ XVI-XVII. Đông Đô Quảng Hội còn thờ thần Thái Y (nghề thuốc), thần Hoa Quang (nghề thủ công), thần Nông (nghề nông) liên quan đến đời sống của cộng đồng người Hoa định cư lâu dài.

Cách Đông Đô Quảng Hội chưa đầy 100 m là di tích Đình Hiến - chùa Hiến liền kề nhau. Chúng tôi chú ý nghe thuyết minh về hai tấm bia đá trước chùa Hiến (Thiên Ứng Tự).

Bia dựng năm 1625 khi trùng tu chùa Hiến, ghi "Hiến Nam danh thị tứ phương đô hội tiểu Tràng An dã" (tạm dịch: Hiến Nam nổi tiếng bốn phương là nơi đô hội như là tiểu Tràng An) và cho biết thời kỳ này nơi đây đã có trên 10 phường, như xác định Phố Hiến đã phát triển trước năm 1625. Còn bia đá được khắc năm 1709 liệt kê những người làm công đức cho ngôi chùa này đến từ hơn 30 huyện miền Bắc, miền Trung.

Tấm bia cổ trong chùa Chuông được dựng vào năm 1711

Tấm bia cổ trong chùa Chuông được dựng vào năm 1711

Điều này cho thấy: bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác đổ về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ như vậy, chắc hẳn Phố Hiến phải là nơi "đất lành".

Tìm tiếp đến chùa Chuông tọa lạc trên một khu đất rộng ở thôn Nhân Dục về phía cuối của phố Nam Hòa thời Phố Hiến xưa, chúng tôi dành thời gian chiêm ngắm nơi được xem là danh lam hàng đầu của Phố Hiến.

Một trong những hiện vật có giá trị nhất còn được lưu lại ở chùa là tấm bia đá tại hành lang bên phải phía trong chùa. Hướng dẫn viên giới thiệu đây là tấm bia cổ quý được dựng vào năm 1711. Bia có 2 mặt, mặt trước khắc chữ "Kim Chung Thạch Tự bi ký", có bài thơ ca ngợi cảnh đẹp ở chùa Chuông; mặt sau khắc "Nhân Dục xã cổ tích truyền" (truyện truyền lại tại thôn Nhân Dục) ghi tên những người đã góp công của trùng tu chùa và các tên phường của Phố Hiến thời đó.

Trong khi tất cả các tài liệu thông tin đều nói vào thế kỷ XVI-XVII Phố Hiến có hơn 20 hoặc 25 phường, hầu như dựa vào những bia ký ở chùa Hiến, chùa Chuông và ở vài di tích khác, thì đáng tiếc cả 3 tấm bia ở chùa Hiến và chùa Chuông đều không có bảng dịch, nên đối với khách đến Hưng Yên muốn tìm hiểu một Phố Hiến chỉ đứng sau Kinh kỳ, dù chỉ là chuyện vàng son ở quá khứ, thật không thỏa lòng.

Trân trọng những giá trị lịch sử

Phố Hiến đầy sức sống kinh tế - thương mại nhưng mất dần từ cuối thế kỷ XVIII, được nhận định là do cả nguyên nhân tự nhiên lẫn hoàn cảnh xã hội.

Sự bồi đắp phù sa của sông Hồng làm thay đổi dòng chảy, lòng sông làm Phố Hiến không còn thuận tiện cho tàu thuyền so với nơi khác, mất vai trò cảng trung chuyển hàng hóa. Các thương điếm của người châu Âu lần lượt đóng cửa, thương nhân người Hoa cũng ở lại rất ít, số đông về Hà Nội, Phố Hiến vắng dần thương buôn nước ngoài. Những thăng trầm trong lịch sử, thiên tai góp phần làm kiệt quệ kinh tế Phố Hiến vào thế kỷ XVIII -XIX.

Tự tìm hiểu những tên phường ở Phố Hiến khi xưa, chúng tôi cũng hiểu chút ít sự phân bố dân cư, các làng nghề thủ công hay các khu buôn bán hàng hóa đặc trưng.

Bảng giới thiệu về các di tích trong quần thể di tích Phố Hiến hiện nay

Bảng giới thiệu về các di tích trong quần thể di tích Phố Hiến hiện nay

Những phường có tên chỉ địa vực như Đê Cũ, Ngoài Đê, Trong Đê, Cửa Sông, Sau Bia, Trong Sông, Ngoài Sông, Bến Mới, Cửa Cái nghe qua đã có thể tưởng tượng sự sầm uất ở khu vực cận sông. Các phường hàng thủ công nghiệp như Hàng Sũ (bán đồ gỗ), Nồi Đất, Hàng Chén, Nhuộm Vải, Thuộc Da, Hàng Nón, Hàng Sơn, Hàng Bè (bán tre nứa) nghe có thể hình dung sự nhộn nhịp của hoạt động sản xuất. Các phường bán thực phẩm như Hàng Thịt, Hàng Cá, Hàng Rau phục vụ cho cư dân đông đúc.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự tìm hiểu của một khách du lịch, chúng tôi không chắc sự chính xác bởi thông tin không chính thống. Những tài liệu về Phố Hiến với vị thế đô thị phồn thịnh "Thứ nhì" một thời hầu như chưa được tập hợp, liên kết liền mạch lại để trở thành một tài liệu thuyết minh gửi tới khách đến thành phố Hưng Yên.

Hiện nay, ngoài các hướng dẫn viên từ Ban Quản lý Khu Di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến thuyết minh, tuy chưa đầy đủ nhưng tương đối có thể giúp khách hình dung Phố Hiến ở đâu và phồn thịnh như thế nào mà có sự nhận định "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến", cho dù đó chỉ còn là hoài niệm. Thế nhưng, đội ngũ này quá ít để có thể phục vụ nhiều đoàn khách nếu thành phố Hưng Yên quyết tâm đẩy mạnh thu hút khách du lịch đến quần thể di tích Phố Hiến.

Nếu như có những bảng thuyết minh về cảng Vạn Lai Triều ở khu vực hồ bán nguyệt, về sự lùi xa của dòng sông trên triền đê, về người Hoa ở Phố Hiến ngay Đông Đô Quảng Hội; có những bảng dịch chữ quốc ngữ nội dung trên các bia đá ở chùa Hiến, chùa Chuông đặt bên cạnh các bia đá ấy; có bảng tên các phường, thị ở Phố Hiến vào thế kỷ XVI-XVII thì chắc chắn khách thập phương sẽ cảm nhận nhiều hơn về Phố Hiến xưa và trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích còn lại được gìn giữ, tôn tạo trong quần thể di tích Phố Hiến ngày nay.

Đến nay, ngoài con đường Phố Hiến, các phường, phố cùng với thương cảng, những hội quán, thương điếm minh chứng cho sự phồn thịnh của Phố Hiến khi xưa đã hầu như không còn dấu tích, ngoài một cái tên Phố Hiến đầy hoài niệm và những di tích đền, đình, chùa.

Theo Bài và ảnh: Các Ngọc (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Di sản của một vị tướng

Di sản của một vị tướng

Hôm qua 12-9-2024, chuyến xe đưa Thiếu tướng Lê Phi Long đi và không về. Chuyến xe đó từng có trong hình dung thấp thỏm của các con ông từ 60 năm trước. Khi ấy, Đại tá Lê Trung Dũng (con trai tướng Long) còn là một đứa trẻ...
Đêm không ngủ ở Làng Nủ

Đêm không ngủ ở Làng Nủ

1 giờ 40 phút ngày 13-9, Hoàng Văn Quyển gọi giật đánh thức tôi dậy. Ngoài trời đang mưa rất to. "Mình di chuyển sang nhà bố em thôi anh. Đang nguy hiểm lắm" - Quyển đưa chiếc áo mưa, rồi cùng vợ và tôi mang theo những thứ cần thiết rồi rời khỏi nhà.
'Đê' mắm giữ bờ

'Đê' mắm giữ bờ

Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.
Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Những ngày qua, bên bờ suối, con khe chảy róc rách là tiếng ríu rít của lũ trẻ nhỏ đang cùng cô giáo len lỏi nhặt nhạnh kiếm tìm từng viên đá đủ mầu sắc để có được những bức tranh trong Chương trình “Bức tranh yêu thương”.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.
Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Trước đây, sản phẩm muối Ba Thắc, hay muối Long Điền sau này nức tiếng khắp vùng, với những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” của đại điền chủ giàu nứt vách như ông Trần Trinh Trạch - cha của công tử Bạc Liêu…
Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời.