Kon Pne: Nỗi buồn… xã vùng I

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Được mệnh danh là xã xa nhất tỉnh Gia Lai, Kon Pne (huyện Kbang) cách TP. Pleiku 200 km; còn từ trung tâm huyện vào nơi từng được ví như “ốc đảo” này cũng phải mất trên 80 km. Vậy mà, Kon Pne lại được “thăng hạng”, từ xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) trở thành xã vùng I...

Sự “thăng hạng” này không mang đến niềm vui hay sự phấn khởi bởi các chế độ đãi ngộ đối với địa phương vùng khó bị cắt giảm, khiến cán bộ, công chức, viên chức và cả học sinh, người dân trên địa bàn chịu thêm nhiều thiệt thòi.

Khu trung tâm hành chính xã Kon Pne vừa được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang. Ảnh: M.N

Khu trung tâm hành chính xã Kon Pne vừa được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang. Ảnh: M.N

Đổi thay... không mong đợi

Tứ bề núi non bao bọc, Kon Pne biệt lập bởi giao thông cách trở. Trở ngại lớn nhất là con đường mòn vắt vẻo trên triền núi, một bên dốc cao dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút nên cán bộ, công chức, viên chức cũng như các giáo viên vào đây công tác chỉ dám nghĩ đến việc về thăm nhà mỗi tháng 1 lần.

Từ năm 2004, con đường mòn vòng qua núi Kon Hleng mới được san ủi. Tuy chỉ là đường đất nhưng cũng giúp xã đặc biệt khó khăn này gần hơn với thế giới bên ngoài. Mãi đến năm 2019, đường vào xã mới được bê tông hóa hoàn thiện, thời gian đi lại được rút ngắn. Đời sống của người dân ở các làng đồng bào Bahnar trên địa bàn xã vùng khó này từng bước khởi sắc song chưa thật rõ rệt.

Tháng 6-2021, Kon Pne từ xã khu vực III chuyển sang khu vực I. Việc thay đổi này như cơn bão đột ngột ập đến, “cuốn trôi” các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho nơi đây. Vì thế, câu chuyện tuyển dụng biên chế giáo viên của xã được dịp trở thành để tài bàn tán sôi nổi, nhất là khi cô giáo mầm non trúng tuyển biên chế được phân vào xã nhận việc buổi sáng thì buổi chiều đã chẳng thấy đâu. Đó là trường hợp của cô Nguyễn Thị Ngọc Liên (huyện Đak Pơ) được phân về công tác tại Trường Mầm non xã Kon Pne.

Theo lời phân trần của cô Liên, quãng đường từ nhà đến Kon Pne hơn 100 km nhưng lại không có bất kỳ chế độ đãi ngộ gì đối với giáo viên công tác tại xã này. Do vậy, việc cô giáo trẻ này quyết định chọn công tác ở xã Yang Nam (huyện Kông Chro), chỉ cách nhà gần 40 km, lại có chế độ ưu đãi của xã khu vực III cũng là điều dễ hiểu. Ở nơi công tác mới, không những cô Liên được hưởng phụ cấp thu hút bằng 10 tháng lương cơ sở và nhiều phụ cấp ưu đãi khác mà còn được ở gần nhà hơn, đúng với ước nguyện của bản thân và gia đình.

Hay trường hợp của cô Vũ Thị Hồng Nhung (nhà ở thị xã An Khê), đậu biên chế giáo viên Tin học. Sau khi tìm hiểu thông tin, cô Nhung từ bỏ ý định đến Kon Pne nhận nhiệm vụ. May mắn là sau đó, cô giáo trẻ này tiếp tục trúng tuyển biên chế ở một trường thuộc xã khu vực II và cách nhà chỉ hơn 10 km.

Chẳng ai ngờ “ốc đảo” Kon Pne bỗng chốc có tên trong danh sách vùng thuận lợi. Nhiều giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne cũng bị “sốc nặng”. Thầy Trần Thanh Khải-Giáo viên môn Lịch sử-Địa lý (SN 1989, trú tại phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho biết: Tại thời điểm nhận công tác vào tháng 9-2019, anh được trợ cấp lần đầu 10 tháng lương cơ sở khi đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, anh còn được hưởng lương cùng các chế độ đãi ngộ của xã khu vực III (không quá 5 năm) với tổng số tiền hơn 8,6 triệu đồng/tháng. Đến tháng 6-2021, Kon Pne được “nâng cấp” thành xã khu vực I nên thu nhập của anh bị cắt giảm đột ngột, chỉ còn nhận 5,6 triệu đồng/tháng.

“Tôi chấp nhận sống xa vợ con, cả tuần về nhà chưa trọn 2 ngày để có thêm các phụ cấp ưu đãi khi công tác ở xã đặc biệt khó khăn. Nhưng giờ đây, Kon Pne đã ra khỏi danh sách xã khu vực III. Công tác ở đây, các chế độ cũng không khác gì giáo viên ở những nơi khác nên nhiều thầy cô cảm thấy mình chịu thiệt thòi, giảm dần động lực phấn đấu.

Thậm chí, ở ngay thị trấn Kbang, một số trường đứng chân trên các làng đặc biệt khó khăn cũng được hưởng các chế độ thuộc khu vực III, còn chúng tôi hàng tuần phải vượt quãng đường đi-về hơn 200 km với nhiều hiểm nguy về tai nạn giao thông, cây ngã đổ, sạt lở ở những đoạn đường đèo, rồi tiền xăng xe, ăn uống thì lại không được hỗ trợ gì thêm…”-thầy Khải bỏ dở câu nói.

Còn với cô Lê Thị Xuân Hồng (tổ 6, thị trấn Kbang), giáo viên Mỹ thuật lại là một câu chuyện khác. Cô gái trẻ này về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne công tác đúng vào thời điểm các chế độ đãi ngộ không còn. “Chồng mất, tôi phải gửi con nhỏ nhờ ông bà ngoại chăm sóc để vào Kon Pne công tác. Nhưng giờ chẳng có ai chịu từ bỏ nơi thuận lợi vào nơi xa xôi này để đổi vị trí công tác cho mình.

Vì vậy, tôi và nhiều giáo viên cố gắng chờ..., không phải vì khoản phụ cấp hay chế độ ưu đãi tăng thêm mà mong có giáo viên thay thế để được luân chuyển về gần nhà tiện chăm sóc con nhỏ”-cô Hồng rơm rớm nước mắt nói.

Từ khi không còn hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi xã khu vực III, Kon Pne nhiều năm nay không tuyển dụng được giáo viên mặc dù địa phương này đang thiếu nhiều chỉ tiêu biên chế. Ảnh: Minh Nguyễn

Từ khi không còn hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi xã khu vực III, Kon Pne nhiều năm nay không tuyển dụng được giáo viên mặc dù địa phương này đang thiếu nhiều chỉ tiêu biên chế. Ảnh: Minh Nguyễn

Trong khi đó, cô Trần Thị Thu-Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Kon Pne lại mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng giọng đượm buồn. Theo cô Thu, từ khi xã không còn hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, đã có 1 giáo viên bỏ việc, 3 người chuyển công tác khác và 3 trường hợp trúng tuyển nhưng không vào nhận công tác.

Cô Thu cho biết: Trường có 5 lớp với tổng số 150 học sinh nhưng hiện có 1 cán bộ quản lý và 4 giáo viên, còn thiếu 6 giáo viên so với chỉ tiêu biên chế. Nhà trường hiện cũng rất khó khăn trong việc duy trì chế độ bán trú cũng như sĩ số vì các chế độ ăn trưa, chi phí học tập của trẻ cũng bị cắt, giảm. Trong đó, 70/150 học sinh nhà trường phải đề xuất Quỹ “Trò nghèo vùng cao” hỗ trợ tiền ăn 8.000 đồng/trẻ/ngày.

Trường không có nhân viên y tế, kế toán, cấp dưỡng, Ban Giám hiệu và các giáo viên phải phân công nấu ăn cho trẻ để đảm bảo duy trì sĩ số, chất lượng giáo dục trong suốt những năm học qua.

Đề xuất “trả tên lại cho em”

Tình trạng thiếu chỉ tiêu biên chế kéo dài, không tuyển dụng hay hợp đồng được với giáo viên về trường giảng dạy nên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne Nguyễn Anh Tuấn phải đứng lớp dạy thay cho giáo viên môn Toán còn thiếu. Mặt khác, trường cử 1 thầy giáo khối tiểu học đi tập huấn tin học công nghệ để đảm nhận dạy thay giáo viên Tin học chưa có; giáo viên môn Tiếng Anh bậc THCS phải tăng tiết dạy luôn cho học sinh tiểu học.

Thầy Tuấn thông tin: Trường có 9 lớp với 258 học sinh, hiện có 17 cán bộ, giáo viên (còn thiếu 4 biên chế). “Nhiều năm liền, nhà trường đề xuất tuyển giáo viên đối với vị trí việc làm còn thiếu. Mỗi năm, huyện cũng tổ chức 2 đợt thi tuyển biên chế nhưng có quyết định bố trí công tác, nhiều giáo viên thấy trường ở vùng xa mà chế phụ cấp ưu đãi không có nên họ quyết định nghỉ việc, bỏ biên chế.

Cũng có người thấy trống chỉ tiêu nhưng không đăng ký thi tuyển vì biết xã không còn thuộc khu vực III. Do vậy, từ năm 2021 đến nay, trường không có giáo viên mới mà chỉ có giáo viên chuyển đi. Không biết đến khi nào bài toán thiếu biên chế giáo viên mới được giải quyết”-thầy Tuấn nói.

Là xã xa nhất tỉnh, Kon Pne (huyện Kbang) từ xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) trở thành xã vùng I, “sánh ngang” với các xã, phường ở những trung tâm huyện, thành phố vùng thuận lợi. Ảnh: Minh Nguyễn

Là xã xa nhất tỉnh, Kon Pne (huyện Kbang) từ xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) trở thành xã vùng I, “sánh ngang” với các xã, phường ở những trung tâm huyện, thành phố vùng thuận lợi. Ảnh: Minh Nguyễn

Trong khi đó, ông Dương Quốc Điệp-Chủ tịch UBND xã Kon Pne-cho biết: Từ khi có Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đến nay, xã có 24 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc.

Cùng với đó, các chính sách về hỗ trợ cho người dân trên địa bàn cũng bị cắt giảm như: bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, chế độ hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú, phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác trên địa bàn; chính sách, nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho xã cũng hạn chế.

Chủ tịch UBND xã Kon Pne mong mỏi: “Các chỉ tiêu biên chế của trường học, y tế hiện thiếu đến 14 trường hợp; xã cũng thiếu 1 biên chế kế toán nhưng nhiều năm nay không tuyển được. Mong rằng cấp thẩm quyền có chính sách hỗ trợ để các đơn vị có đủ giáo viên, nhân viên y tế nhằm đảm bảo công tác giảng dạy và khám-chữa bệnh cho người dân trên địa bàn”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Kbang-nhấn mạnh: Qua nhiều cuộc họp, huyện cũng đề xuất tỉnh kiến nghị chuyển xã Kon Pne về lại vùng III như trước đây hoặc tìm cơ chế đặc thù hỗ trợ. Về lâu dài, nếu vẫn tiếp tục tình trạng như thế này thì sẽ có thêm cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc.

“Các viên chức ở xã xin nghỉ nhiều nhưng lại không tuyển dụng được người thay thế. Hơn nữa, việc điều chuyển giáo viên vùng thuận lợi vào vùng khó khăn thì không thực hiện được bởi không có các chế độ đãi ngộ, chính sách thu hút dành cho người đến công tác vùng đặc biệt khó khăn. Với đà này thì rất khó giải quyết vấn đề thiếu biên chế giáo viên như hiện nay”-Chủ tịch UBND huyện Kbang lý giải.

Có thể bạn quan tâm

Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Những ngày qua, bên bờ suối, con khe chảy róc rách là tiếng ríu rít của lũ trẻ nhỏ đang cùng cô giáo len lỏi nhặt nhạnh kiếm tìm từng viên đá đủ mầu sắc để có được những bức tranh trong Chương trình “Bức tranh yêu thương”.
Thầy tôi

Thầy tôi

Tôi vẫn nhớ như in lời thầy Linh “Phải chấm dấu chấm trên chữ I”, và cố giữ lấy sự ngay thẳng tâm hồn. Cái dấu chấm ấy ngày nay ít còn ai viết, nhưng giọng thầy Linh của tôi vẫn mãi là lời dặn ân cần.

Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.
Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Trước đây, sản phẩm muối Ba Thắc, hay muối Long Điền sau này nức tiếng khắp vùng, với những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” của đại điền chủ giàu nứt vách như ông Trần Trinh Trạch - cha của công tử Bạc Liêu…
Nghe phượt thủ 71 tuổi kể chuyện

Nghe phượt thủ 71 tuổi kể chuyện

Ở cái tuổi ngồi hưởng cuộc sống an nhàn bên con cháu, hàng ngày chỉ cần đi từ giường ngủ ra bàn ăn, nhưng “lão đại” Trần Lê Hùng lại chọn con đường khác. Với ông, già thì già, máu tươi có thể thiếu chứ “máu đi”, máu xê dịch thì lúc nào cũng căng tràn.
Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Người cuối cùng lưu giữ bờ xe nước

Người cuối cùng lưu giữ bờ xe nước

Bờ xe nước sông Trà là biểu tượng độc đáo của người Quảng Ngãi từ những năm giữa thế kỷ 18. Không chỉ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đây còn là công trình công phu, mang tính mỹ thuật cao, đã đi vào thi ca, nhạc họa.
Ghi ở Măng Bút

Ghi ở Măng Bút

Tinh thần của Chiến thắng Măng Bút 50 năm trước sẽ tiếp tục lan tỏa, sẽ tiếp tục truyền niềm tin và khát vọng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Măng Bút vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm.