Chuyện về những lá cờ Tổ quốc giữa trùng dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mấy năm nay, có một chương trình rất ý nghĩa, lan tỏa trong cả nước là tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Đã có hơn 1 triệu lá cờ được các tổ chức trao tặng cho ngư dân nhiều tỉnh thành.
Chiến sĩ đảo Cô Lin, quần đảo Trường Sa hoàn thành nhiệm vụ tuần tra quanh đảo. Ảnh: TIỂU TÂN

Chiến sĩ đảo Cô Lin, quần đảo Trường Sa hoàn thành nhiệm vụ tuần tra quanh đảo. Ảnh: TIỂU TÂN

Những lá cờ thiêng liêng

Ai đã từng ra giữa đại dương mênh mông sẽ thấy lá cờ Tổ quốc như một chỉ dấu để nhận ra đâu là tàu thuyền của Việt Nam, đâu là tàu thuyền của nước ngoài. Không những thế, lá cờ đỏ sao vàng ấy chính là cột mốc trên biển về chủ quyền Tổ quốc, động viên ngư dân bám biển, bám ngư trường.

Tròn mười năm trước, tôi được nghe thêm một câu chuyện vô cùng xúc động về lá quốc kỳ với đời ngư phủ. Đấy là năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào Biển Đông, trong những chiếc tàu lao ra giữ chủ quyền biển đảo, không chỉ có tàu của Hải quân mà có cả tàu của ngư dân. Không may, một trong những chiếc tàu của ngư dân bị sự cố bốc cháy. Các ngư dân trên chiếc tàu cá ấy sau này kể rằng, khi tàu cháy, vật đầu tiên mà họ ôm theo, cột chặt vào ngực chính là lá cờ Tổ quốc. Bởi với họ, đó không chỉ là tình yêu thiêng liêng, mà còn nếu nhỡ không thể sống sót, nếu tìm được xác, lá cờ được cột chặt vào thân thể ấy sẽ giúp người ta biết: đây là công dân Việt Nam!

Câu chuyện lá cờ Tổ quốc và những ngư dân ấy đã gợi lên trong tôi bao nhiêu ký ức trong những tháng năm đi đi về về cùng quần đảo Trường Sa và thềm lục địa. Trong sổ tay ghi chép của tôi vẫn luôn ấm nóng câu chuyện về những lá cờ Tổ quốc. Chuyến ra Trường Sa đầu tiên của tôi vừa tròn 15 năm trước. Đó là chuyến hải trình đặc biệt, chuyến tàu mang tên “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” số 01 do Bộ Tư lệnh Hải quân và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Từ đó đến nay, cứ mỗi năm lại có một chuyến tàu của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mang tên hành trình như thế với số hiệu chuyến đi tăng lên theo từng năm. Chuyến đi ấy, một trong những kỷ vật mà đoàn được quân dân huyện đảo trao tặng là lá cờ Tổ quốc. Lá cờ ấy đã kiêu hãnh tung bay trên cột mốc chủ quyền ở đảo Trường Sa Lớn. Sắc đỏ của lá cờ đã bạc theo nắng gió đại dương, hơi muối biển mặn đã thấm vào từng thớ sợi khiến vải cờ khô cứng. Khi Thượng tá Nguyễn Xuân Phùng, đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn thay mặt anh em chiến sĩ trên đảo trao lá cờ cho đồng chí trưởng đoàn, nhiều đại biểu đã không nén được xúc động. Càng xúc động hơn khi sau đó, những công dân tí hon của Trường Sa đã đứng dưới cột mốc chủ quyền của đảo hát vang những bài ca thiếu nhi dành tặng cho đoàn. Trùng dương mênh mông nhưng đảo xa không bao giờ đơn lẻ, tiếng hát trẻ thơ và lá cờ kỷ vật ấy như một lời hứa với tiền nhân về sự tiếp nối bất tử của toàn vẹn chủ quyền!

Người Anh hùng ôm cờ Tổ quốc chìm vào lòng biển

Biểu tượng cụ thể nhất của chủ quyền đất nước chính là Quốc kỳ. Để giữ vững chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, nhiều người lính Trường Sa quấn lá cờ trước ngực, lấy thân mình làm trụ cờ trước khi trúng đạn, rồi lá cờ thấm đẫm máu người lính Việt, cuốn lấy hình hài anh gục xuống nền san hô giữa đại dương như câu chuyện về anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương trong chiến dịch CQ88 đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Đã có những người lính nhà giàn giữ thềm lục địa trước khi nhà đổ, phút cuối cùng biết không thể thắng được sức mạnh cuồng phong đã ôm lấy lá cờ Tổ quốc như ôm lấy chính hình hài đất nước trước khi chìm vào lòng biển.

Bao nhiêu câu chuyện về sự hy sinh lẫm liệt, về những máu xương ngã xuống bên sắc cờ Tổ quốc giữa trùng khơi, nhưng phải phút giây này, chuyền tay nhau ôm lá cờ đã thấm đẫm mưa nắng Trường Sa vào lòng, chúng tôi hiểu rằng giữa trùng dương cách trở với đất liền, lá cờ là hiện thân gần gũi nhất của quê hương. Có phải thế chăng mà trên những đảo chìm, đảo nổi Trường Sa, chúng tôi luôn thấy hiện diện hình ảnh lá cờ với một mật độ dày đặc.

Những tòa nhà trên đảo chìm thường được xây theo hình tháp khối đa giác. Ngoài lá cờ trên nóc, những mặt tiền của tòa nhà đều được đúc hẳn lá cờ vào tường với ngôi sao vàng đắp nổi. Ở bất cứ phía nào từ biển, nhìn vào đảo chìm cũng thấy hình ảnh lá cờ nổi bật sắc đỏ thắm như một ấn chỉ thiêng liêng, như những câu thơ của Lý Thường Kiệt chúng tôi đã gặp ở khu dịch vụ hậu cần nghề cá của Tổng Công ty Hải sản Biển Đông trên đảo Đá Tây: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”...

Di ảnh Anh hùng liệt sĩ Vũ Quang Chương và nhành san hô tưởng niệm trên bàn thờ

Di ảnh Anh hùng liệt sĩ Vũ Quang Chương và nhành san hô tưởng niệm trên bàn thờ

Câu chuyện về sự hy sinh của anh hùng liệt sĩ Vũ Quang Chương - người Anh hùng duy nhất cho đến nay của lực lượng nhà giàn DK1 đã khiến chúng tôi trở lại với những người lính giữ thềm lục địa. Đầu tháng 12-1998, cơn bão Faith quét qua vùng biển có nhà giàn DK1, nơi có hàng trăm chiến sĩ hải quân đang đồn trú trên những nhà giàn chênh vênh giữa trùng khơi. Trong khi hàng ngàn tàu cá của ngư dân đã vào bờ trú ẩn an toàn, thì ở các căn cứ hải quân Hải Phòng, Cam Ranh, Vũng Tàu, mọi người bắt đầu lo lắng về các nhà giàn, cho tính mạng đồng đội. Lệnh báo động từ Sở chỉ huy: tất cả các nhà giàn chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng đối phó với sóng gió, với tình trạng rung lắc do bão gây ra, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà giàn bị đổ. Đại úy Vũ Quang Chương, trong giờ phút sinh tử ấy vẫn thể hiện trọn vẹn bổn phận của người chỉ huy, của một người lính đối với đồng đội và Tổ quốc mình. Trước khi rời nhà giàn, Vũ Quang Chương nghiêm trang gấp lại, ôm lá cờ đỏ sao vàng vào ngực mình và mang theo. Nhà giàn đổ, Chương lao xuống biển và không hề biết đó là những giây phút cuối cùng của đời mình. Lúc đó là 3 giờ 50 phút ngày 13-12-1998.

Tròn 15 năm sau, cũng vào ngày 13-12-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho đại úy, liệt sĩ Vũ Quang Chương. Năm ấy, khi từ nhà giàn DK1 trở về, tôi đã tìm về Thái Bình, quê hương của liệt sĩ. Trên bàn thờ của anh có một cành san hô được đồng đội gửi về cho gia đình. Bởi anh hy sinh và không tìm thấy thi thể, nên cành san hô được lấy từ vùng biển anh ngã xuống ấy được gia đình coi như di cốt.

Trong những chuyến công tác của các đoàn ra Trường Sa, luôn có một lễ tưởng niệm những người lính hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của biển đảo Tổ quốc. Mỗi lần như thế, sắc đỏ trên màu cờ, sắc đỏ trên băng rôn tưởng niệm cũng soi vào mặt biển một sắc đỏ lấp lánh như máu của những người lính ngã xuống năm nào…

Theo AN DU (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.