Những con dấu đỏ Trường Sa trên lá cờ Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi đã chờ đợi suốt những ngày tháng tuổi thanh xuân về một chuyến đi Trường Sa. Vì vậy, khi nhận được thông tin của Quân chủng Hải quân về tham gia đoàn công tác đi Trường Sa, tôi sung sướng không thể ngủ được.

Trong những miên man ấy, tôi mơ về việc mình sẽ có cơ hội nhận được lá cờ từng tung bay nơi cột cờ trên đảo. Lá cờ được nhuốm nắng gió và sự mặn mòi của biển cả.

Song, những lá cờ quý giá ấy mà cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường dành làm quà tặng cho đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm đảo rất ít ỏi. Thế là trước ngày lên đường, tôi mang theo lá cờ đỏ trong hành lý, với ý định lưu lại dấu ấn biển đảo thân thương của Tổ quốc trên lá cờ ấy.

Song Tử Tây là hòn đảo đầu tiên mà đoàn chúng tôi đặt chân đến!

Khi tàu KN-491 chưa cập bến, chúng tôi đã ùa lên boong. Nhìn từ xa, lá cờ tung bay trên đỉnh của cột cờ, in rõ mồn một trên nền trời xanh ngắt. Đẹp vô cùng. Khi vừa lên đảo, chúng tôi đứng dưới cột mốc, bên cạnh có một chiến sĩ hải quân bồng súng đứng nghiêm trang. Khuôn mặt chàng thanh niên trẻ trung, rám nắng và nghiêm nghị nhưng ánh mắt lấp lánh vui.

Thượng tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa ký tên vào lá cờ.

Thượng tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa ký tên vào lá cờ.

Dấu đỏ đầu tiên được đóng lên lá cờ đỏ sao vàng là ở đảo Song Tử Tây. Cảm giác khi nhìn người chỉ huy đảo đóng dấu lên lá cờ của mình là thứ cảm giác rất đặc biệt. Đặc biệt đến mức khi trở về Đắk Lắk, bất cứ khi nào nhìn thấy lá cờ, tôi lại nhớ như in sự sung sướng của mình lúc ấy.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn đón chúng tôi với sự thân thiết như thể đón người nhà. Đó cũng là điều tôi và mọi người trong đoàn cảm nhận được trong suốt hành trình đến Trường Sa. Đến đâu cũng tay bắt mặt mừng, hỏi thăm sức khỏe, gia đình như thể đã quen nhau từ lâu lắm. Khi tôi bảo cậu chiến sĩ hải quân trẻ rằng mình muốn xin chữ ký của cán bộ, chiến sĩ trên đảo lên lá cờ, ban đầu cậu còn ngần ngại, bối rối: “Em chỉ là là lính thôi chị ạ!”. Tôi cười: “Lá cờ mang theo hơi thở của đảo và các chiến sĩ trên đảo sẽ là kỷ niệm tuyệt vời nhất mà chị sẽ có được. Em ký nhé”. Thế là chiến sĩ trẻ rụt rè ký và ghi tên mình vào góc nhỏ của lá cờ đang trải rộng trên bàn đá. Tôi nhớ mãi gương mặt người chiến sĩ rất trẻ ấy, vừa hiền lành, vừa xúc động và hơi bối rối. Nhớ cả nét chữ bằng mực xanh của cậu trên lá cờ đỏ thắm.

Những dấu mộc tiếp theo đóng trên lá cờ đỏ sao vàng: từ đảo Sinh Tồn đến đảo Cô Lin, An Bang, Đá Đông B, Đá Tây B, Trường Sa và nhà giàn DK 01/7 Huyền Trân. Lá cờ đỏ đã cùng tôi đến các đảo và nhà giàn trong sự nâng niu. Đến mỗi đảo, việc đầu tiên sau khi tay bắt mặt mừng chào các cán bộ, chiến sĩ là chúng tôi gặp cán bộ chỉ huy của đảo xin chữ ký và đóng dấu đỏ.

Tác giả chụp ảnh ở cột mốc đảo Sinh Tồn cùng lá cờ Tổ quốc.

Tác giả chụp ảnh ở cột mốc đảo Sinh Tồn cùng lá cờ Tổ quốc.

Đoàn công tác gần 200 thành viên, mỗi người đều có một cách khác nhau để lưu giữ kỷ niệm về Trường Sa thân yêu. Chẳng hạn dấu đỏ của đảo đóng vào sổ công tác nội bộ hay sổ lưu niệm, bản đồ…; thậm chí có người chuẩn bị tấm giấy in hình các đảo, cuộn kỹ lưỡng trong ống nhựa cứng, dấu đỏ sẽ được đóng ở vị trí của đảo mà đoàn đến. Ấn tượng nhất có lẽ là dấu mộc được đóng trên những lá cờ. Dấu vừa đóng lên cờ là thấm vào vải, ở vị trí ngôi sao vàng, dấu mộc đảo Trường Sa nằm ở vị trí trung tâm, rõ mồn một.

Nhớ nhất là ngày lên nhà giàn DK1/7 Huyền Trân. Để thuận lợi và di chuyển dễ dàng nhất, chúng tôi được dặn dò hạn chế mang theo túi xách hay vật dụng khi xuống xuồng để lên nhà giàn, thế là tôi cặm cụi cuộn lá cờ thật nhỏ gọn trong chiếc túi chéo nhỏ, thêm một cây bút bi xanh cùng chiếc điện thoại. Chiếc túi đeo trước ngực chỉ có thể đựng được ba vật dụng ấy. May mắn được thời tiết ủng hộ, chuyến xuồng đưa nhóm chúng tôi cập cầu tàu và leo lên được nhà giàn. Giây phút nhìn lá cờ được chỉ huy nhà giàn đóng lên đó dấu mộc đỏ giữa bốn bề gió lộng có lẽ là cảm giác hạnh phúc mà khó bao giờ lại có thể có được nữa.

Tôi trở về Tây Nguyên khi kết thúc chuyến đi Trường Sa. Việc đầu tiên là lồng lá cờ đóng đủ tám dấu đỏ của bảy hòn đảo và nhà giàn DK1/7 Huyền Trân vào khung kính, trên ấy ghi ngày giờ những dấu mộc được đóng trên từng đảo. Đó là kỷ niệm lớn lao tôi mang trở về từ đảo Trường Sa, bên cạnh cuộc gặp gỡ với các cán bộ, chiến sĩ hải quân ngập tràn cảm xúc, sự yêu thương tôi đón nhận từ các thành viên cùng đoàn công tác. Những cảm xúc về Trường Sa yêu thương cứ dâng trào lên mỗi khi ngước lên từ bàn làm việc, là thấy lá cờ đỏ sao vàng có đóng dấu đỏ từ Trường Sa…

Theo Niê Thanh Mai (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.