'Trường Sa' ở biển Tây Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không điện thắp sáng, không nguồn nước ngọt, không phương tiện cố định ra vào bờ, cả đảo chỉ có một hộ dân...

Đó là chuyện ở Trạm kiểm soát biên phòng Đồi Mồi (thuộc Đồn biên phòng Tiên Hải, Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang), nơi được ví như 'Trường Sa trên biển Tây Nam' và khó khăn vất vả nhất trên tuyến biên giới biển toàn quốc.

Không điện, không nước

Hòn Đồi Mồi nằm ở phía tây nam trong tổng thể quần đảo Hải Tặc, thuộc xã đảo Tiên Hải (TP.Hà Tiên, Kiên Giang) có diện tích 26.400 m2, độ cao 65 m so với mực nước biển và gồm hai hòn (Đồi Mồi lớn, Đồi Mồi nhỏ).

Gõ từ khóa tìm kiếm "đảo Đồi Mồi" trên Google Maps, kết quả dẫn đến hòn Đồi Mồi nằm cạnh bờ biển Gành Dầu, TP.Phú Quốc (Kiên Giang). Thực tế, đảo Đồi Mồi thuộc xã đảo Tiên Hải, cách Tiên Hải khoảng 8,6 hải lý (gần 16 km), cách TP.Hà Tiên khoảng 17 hải lý (hơn 32 km), cách cảng Bãi Vòng (TP.Phú Quốc) khoảng 12 hải lý (gần 23 km) theo đường chim bay. Đi tàu cao tốc từ Rạch Giá hoặc Hà Tiên ra Phú Quốc và ngược lại, cách nào cũng đi ngang Đồi Mồi và dấu hiệu duy nhất là lá cờ đỏ sao vàng trên đảo, xa xôi.

Đảo Đồi Mồi nhìn từ trên cao.

Đảo Đồi Mồi nhìn từ trên cao.

Từ TP.Hà Tiên, chúng tôi đi tàu khách ra xã đảo Tiên Hải và sau nửa ngày chờ đợi, được thiếu tá Danh Thanh Hoàng (Đồn trưởng Đồn biên phòng (BP) Tiên Hải) gửi theo tàu KG 62245, từ Tiên Hải ra đảo Đồi Mồi. Gần 2 giờ đồng hồ, tàu cũng thả neo cạnh đảo và đại úy Bùi Ngọc Sơn (Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng (KSBP) Đồi Mồi) nhờ bè xốp tự tạo của người dân nuôi ốc, đón vào đảo.

Trạm là căn nhà cấp 4 xây dựng từ năm 1998 đã cũ kỹ, tường nứt ở một số nơi và dột nước khi mưa. "Ướt nhà còn hơn thiếu nước", đại úy Sơn nói và giải thích: "Mấy tháng mùa khô, đồn phải gửi ra từng can nước cho bộ đội nấu ăn. 5 bồn chứa, bị nứt 2, giờ chỉ còn 3 chiếc trữ nước".

Căn nhà có 3 phòng ở, các cửa sổ và cửa ra vào dán kín mít tránh hơi mặn. Bên trong là giường cá nhân, bàn làm việc bằng gỗ, được trang cấp từ chục năm trước. Các vật dụng khác đều do bộ đội tự đóng lắp tạm bợ.

Bộ đội Trạm kiểm soát biên phòng Đồi Mồi tuần tra quanh đảo. Ảnh: MAI THANH HẢI

Bộ đội Trạm kiểm soát biên phòng Đồi Mồi tuần tra quanh đảo. Ảnh: MAI THANH HẢI

Do đóng quân ở nơi quá xa xôi hẻo lánh, nên từ khi thành lập đến nay, Trạm KSBP Đồi Mồi không có điện. Đầu năm 2022, một chương trình thiện nguyện đã trao tặng hệ thống năng lượng mặt trời, công suất đủ để phục vụ nhu cầu sử dụng điện cơ bản (thắp sáng, cắm quạt và tủ lạnh nhỏ, xem ti vi), nhưng do thời tiết khắc nghiệt, độ mặn cao… nên hiện tại đã hư hỏng, chỉ sử dụng được trực tiếp vào ban ngày. Buổi tối, nguồn sáng duy nhất là chiếc đèn năng lượng nhưng cũng chỉ hoạt động đến 22 giờ là cả đảo lại chìm trong bóng tối.

Trong gian bếp của trạm có một chiếc tủ lạnh mini 50 lít được tặng từ 2 năm trước, nhưng do không có điện và hơi mặn, nên đã hỏng. Mở tủ ra, thấy chất đầy mì tôm và chai nước tương. Binh nhất Nguyễn Trọng Nhân (22 tuổi) bật mí: "Đó là cơ số dự trữ chiến đấu, lúc sóng to gió lớn và để ngăn chặn chuột cướp đồ ăn"...

Các bồn chứa nước ngọt trên đảo Đồi Mồi bị hư hỏng nhiều. Ảnh: MAI THANH HẢI

Các bồn chứa nước ngọt trên đảo Đồi Mồi bị hư hỏng nhiều. Ảnh: MAI THANH HẢI

Heo hút ngàn trùng

Đại tá Nguyễn Tiến Sự (nguyên Đồn trưởng Đồn BP Tiên Hải) kể: Tháng 3.1990, Tỉnh ủy Kiên Giang chỉ đạo Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh (nay là Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) rút Đồn BP Hòn Heo đang đóng quân ở xã Dương Hòa, H.Hà Tiên (nay thuộc H.Kiên Lương, Kiên Giang), đưa ra xã đảo Tiên Hải (Hà Tiên) lập Đồn BP Hòn Đốc (từ tháng 4.2003 được đổi tên là Đồn BP Tiên Hải). Đầu năm 1996, đại úy - đồn trưởng Chu Văn Lợi cử trung úy - quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Bình ra đóng chốt ở đảo Đồi Mồi, khi đó đang ngày càng phức tạp về tình hình an ninh trật tự.

Nhớ lại câu chuyện 28 năm về trước, thiếu tá - quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Bình (hiện nghỉ hưu tại TP.Hà Tiên) nhớ lại: "Đồn trưởng giao nhiệm vụ dẫn theo 4 chiến sĩ, mang đủ vũ khí trang thiết bị, quân tư trang cá nhân và lương thực, thực phẩm dùng trong 1 tháng, ra đảo Đồi Mồi tìm chỗ đóng quân, bám địa bàn".

Không có điện, tủ lạnh thành nơi cất trữ mì tôm. Ảnh: MAI THANH HẢI

Không có điện, tủ lạnh thành nơi cất trữ mì tôm. Ảnh: MAI THANH HẢI

Vốn quê lúa Giồng Riềng (Kiên Giang), ông Bình mù tịt, không có khái niệm gì về biển đảo. Nhưng lệnh là lệnh, ông và 4 chiến sĩ đi nhờ tàu cá về Hà Tiên lần mò dò hỏi, tiếp tục đi nhờ tàu cá ra Đồi Mồi. "Lúc chúng tôi ra, trên đảo có 10 hộ dân với hơn 30 nhân khẩu. Không có chỗ ở, cứ nhờ hết nhà này đến nhà khác", ông Bình nhớ lại và cười: "Đầu tháng 3.1988, cấp trên chính thức thành lập Trạm KSBP Đồi Mồi, lúc ấy công binh mới ra xây cho căn nhà cấp 4 ở phía đông của đảo. Nhà chỉ 2 phòng ở, bộ đội phải chặt cây, lợp lá dừa làm bếp, nhà vệ sinh phía sau".

Những năm 90 của thế kỷ 20, tình hình an ninh trật tự trên vùng biển Tây Nam rất phức tạp, nhất là khu vực đảo Phú Quốc và quần đảo Hải Tặc, thế nên Đồi Mồi nằm ở giữa trở thành điểm nóng. Không chỉ các tàu thuyền qua lại dừng nghỉ, neo đậu giữa chuyến đánh bắt… mà các tàu Thái Lan, Campuchia cũng trà trộn để khai thác trái phép, buôn bán hàng cấm và chở người vượt biên trái phép...

Doanh trại Trạm kiểm soát biên phòng Đồi Mồi nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐỘC LẬP

Doanh trại Trạm kiểm soát biên phòng Đồi Mồi nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐỘC LẬP

Nằm xa ở nơi hẻo lánh, phương tiện liên lạc không có, các thông tin, báo cáo, thậm chí xin chi viện tăng cường đều phải viết thư nhờ gửi theo tàu dân, cả tuần sau mới có trả lời, nên ông Bình phải tự giải quyết mọi tình huống.

"Có lúc vài chục tàu neo quanh đảo, cả trăm ngư dân ùa lên, trong khi chúng tôi chỉ có 4 người. Ban đầu cũng sợ bị cướp súng, nhưng sau dần quen. Vả lại đây là vùng biển của mình, tàu bè trong tỉnh qua lại tấp nập, có việc gì là bà con sẽ hỗ trợ ngay. Chúng tôi được dân giúp đủ thứ, không có từng can nước ngọt, túi gạo, xách dầu dân cho, thì khó có thể bám trụ quá 1 tháng", ông Bình kể.

Cuối năm 2011, ông Bình được rút về bờ. Khi ông ra, đảo có 10 hộ dân sinh sống. Khi ông về, chỉ 1 hộ với 4 nhân khẩu còn trụ lại. Đến giờ, bà con ngư dân vẫn nhắc: "Ông Bình là chúa đảo Đồi Mồi, vì ở 15 năm liên tục trên đó".

Bộ đội Đồn biên phòng Tiên Hải di chuyển từ tàu cá vào đảo Đồi Mồi trên bè xốp tự tạo. Ảnh: ĐỘC LẬP

Bộ đội Đồn biên phòng Tiên Hải di chuyển từ tàu cá vào đảo Đồi Mồi trên bè xốp tự tạo. Ảnh: ĐỘC LẬP

Mơ ước 28 năm

Trạm trưởng Đồi Mồi bây giờ là đại úy Bùi Ngọc Sơn (31 tuổi, người dân tộc Mường, quê ở xã Phúc Lai, H.Yên Thủy, Hòa Bình). Anh Sơn vốn là sinh viên ngành quản lý TN-MT của Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên. Học gần hết năm thứ 2, thấy gia đình khó khăn trong việc chu cấp, nên anh tự ôn thi và trúng tuyển vào Học viện BP.

Sau 4 năm theo học K27 - chuyên ngành phòng chống ma túy và tội phạm, tháng 4.2017, anh Sơn tốt nghiệp và được phân công công tác ở địa bàn Kiên Giang. Gần 5 năm gắn bó với Đồn BP Hòn Sơn (đóng quân trên xã đảo Lại Sơn, H.Kiên Hải), anh chuyển sang Đồn BP Tiên Hải và nhận nhiệm vụ trạm trưởng, khoác ba lô xuống tàu đánh cá ra đảo Đồi Mồi đúng ngày sinh nhật 29 tuổi: 29.10.2022.

Đại úy Bùi Ngọc Sơn và binh nhất Nguyễn Trọng Nhân chào đoàn công tác. Ảnh: MAI THANH HẢI
Đại úy Bùi Ngọc Sơn và binh nhất Nguyễn Trọng Nhân chào đoàn công tác. Ảnh: MAI THANH HẢI

Phía sau gian nhà cấp 4 của Trạm KSBP Đồi Mồi là gian bếp đun củi, che chắn bằng vải bạt. Cạnh bếp lửa có treo chiếc võng. Thấy tôi tò mò, đại úy Sơn cười: "Chỗ ấy sóng điện thoại mạnh nhất, buổi tối ra nằm, gọi điện cho vợ con". Anh Sơn thật lòng: "Rất nhiều bộ đội trong tỉnh không biết Đồi Mồi. Khi nghe kể thì hỏi: Vất vả thế, có chịu nổi không? Là con người, sống ở đời thì ai cũng muốn đầy đủ, gần gũi gia đình, vợ con. Nhưng mình đã khoác áo lính, đã được giao nhiệm vụ, thì phải cố gắng vượt qua. Ai cũng kêu khổ, cũng thoái thác thì lấy ai canh giữ biển đảo, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc?"…

Tàu cao tốc Hà Tiên - Phú Quốc chạy qua đảo Đồi Mồi. Ảnh: MAI THANH HẢI

Tàu cao tốc Hà Tiên - Phú Quốc chạy qua đảo Đồi Mồi. Ảnh: MAI THANH HẢI

Cuối tháng 10.2023, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ký Văn bản số 2656/QĐ-UB phê duyệt dự án "Xây dựng mới Trạm KSBP Đồi Mồi và mua sắm trang thiết bị cần thiết nhằm đảm bảo nơi ăn, ở, làm việc, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ" với tổng mức đầu tư gần 12 tỉ đồng. Gần 8 tháng trôi qua, Đồi Mồi vẫn chưa thấy ai ra khảo sát xây dựng. Chiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân nói với chúng tôi: "6 tháng nữa em hết nghĩa vụ quân sự, về quê nhà Hòn Đất. Chỉ ước trong cả năm ở Đồi Mồi, được một lần nhìn thấy ánh điện và phòng ở có ti vi, có quạt mát như ở trong đồn".

Ước mơ rất đỗi bình thường và giản dị của bao cán bộ, chiến sĩ, hình như vẫn xa vời ở "Trường Sa của biển Tây Nam", suốt 28 năm qua.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.