Trường Sa! Tiếng gọi thẳm sâu nơi lòng biển - Bài 6: Sức sống mãnh liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
“Quần đảo Trường Sa xưa chỉ có lác đác 4 loài cây bản địa là bàng vuông, tra, phong ba và bão táp, thậm chí nhiều đảo trắng xóa cát và san hô phong hóa.

Để “Xanh hóa Trường Sa” là một quá trình đầy gian nan, thử thách” - ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật Nông nghiệp tâm sự.

Những ngày đầu gian khó

Những ngày đầu gian khó

Những ngày đầu gian khó

Ông Ngô Xuân Chinh (SN 1978) lần đầu ra Trường Sa vào năm 2007, với sứ mệnh giúp Quân chủng Hải quân xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng, vật nuôi và cây phủ xanh tại quần đảo Trường Sa. Từ đó đến nay, với hơn 20 lần ra Trường Sa, có lẽ ông Chinh là cán bộ dân sự ra công tác Trường Sa nhiều nhất Việt Nam.

Ông Chinh kể: “Lần đầu cùng các cộng sự lên tàu Hải quân ra Trường Sa háo hức và tự hào lắm. Bước lên tàu, thấy anh em Hải quân chen chúc mắc võng về một phía mạn tàu. Tôi cùng các đồng nghiệp ung dung mắc võng của mình về phía đối diện, trong đầu còn cười thầm, nghĩ mấy ông này có bị gì không, sao lại phải chen chúc nhau thế. Đêm về khuya, đang cồn cào say sóng, thì liên tiếp những đợt sóng xô vào trùm lên người, ướt như chuột lột” - ông Chinh kể.

“Mỗi chuyến ra Trường Sa nhóm của chúng tôi thường có 8 anh em, trong đó có 2 kỹ sư trồng trọt, 2 kỹ sư chăn nuôi, 4 công nhân kỹ thuật xây dựng. Tất cả nguyên vật liệu, kể cả cát và nước đều phải vận chuyển từ đất liền ra. Có những chuyến đi theo tàu Hải quân, các anh làm nhiệm vụ trên biển, có khi mất cả tháng mới đến đến đảo. Vất vả là vậy, nhưng tôi may mắn được gia đình hai bên nội ngoại, đặc biệt là vợ tôi ủng hộ và tạo điều kiện nên yên tâm công tác”.

Ông Ngô Xuân Chinh

Chuyến đầu ra Trường Sa, chứng kiến mùa biển động, người vật, cây cối, rau màu xác xơ, ông Chinh liền nghĩ ngay đến những mô đun nhà lưới công nghệ cao để trồng rau quanh năm. “Có chứng kiến mùa biển động mới cảm nhận hết sự khắc nghiệt ở quần đảo Trường Sa. Những con sóng từ ngoài khơi ập vào, gặp phải ghềnh đá chúng dựng đứng cao lên vài ba chục mét, cột nước này được gió cuốn vào trùm lên đảo. Gặp những lúc như thế, quân và dân trên đảo phải khoá van nước hứng từ mái nhà, nếu không nước biển vào đầy bể. Còn người, chó và rau ở chung với nhau, vì phải bê rau vào nhà, không là chẳng còn cọng nào” - ông Chinh kể.

Sắc xanh trên Quần đảo Trường Sa

Sắc xanh trên Quần đảo Trường Sa

Những ngày đầu ra đảo, ông Chinh đã rớt nước mắt khi chứng kiến cảnh bộ đội giã vài cọng rau cho vào nồi để canh có màu xanh. Về bờ, ông tập trung nghiên cứu mô đun nhà lưới, chất dinh dưỡng cho từng loại rau và xử lí nước tắm giặt để tưới rau. Sau 17 năm gắn bó với Trường Sa, ông Chinh và các cộng sự đã cho ra đời mô đun nhà lưới thế hệ thứ 5, nâng năng suất rau từ 1kg/m2 lên 5kg/m2, thậm chí năng suất còn cao hơn bình quân trong đất liền.

“Nhờ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật từ Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật Nông nghiệp mà rau trên đảo luôn xanh tốt, lính đảo ăn không hết, còn hỗ trợ cho ngư dân”.

Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên đảo Đá Tây

Ông Chinh cho biết, không đơn giản mà nay lên các đảo và nhà giàn nơi đâu cũng có lợn, chó, gà, vịt đầy chuồng như thế. Những ngày đầu đưa giống ra quần đảo Trường Sa, khi chưa đến đảo chúng đã chết lăn quay.

Sau nhiều thử nghiệm và thất bại, nhóm của ông Chinh mới tìm ra những giống gia súc, gia cầm phù hợp với Trường Sa. “Nước biển ở Trường Sa mặn gấp 3 lần nước biển trong bờ, nên chỉ cần sộc vào mũi hay uống phải là chúng lăn quay ra chết hết. Để chống chịu được ở Trường Sa, chúng tôi đã tìm được giống lợn ỉ, hoặc lai giữa lợn ỉ với lợn rừng; vịt thì phải loài vịt biển được lai từ vịt trời với vịt ta…”- ông Chinh cho biết.

Xanh ngát quần đảo tiền tiêu

Với ông Chinh, Trường Sa được xem như ngôi nhà thứ 2 của ông vậy. Hơn 17 năm ròng không năm nào ông Chinh không cùng các cộng sự ra đảo. Kể từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm 3 chuyến, lần ra đảo lâu nhất của ông Chinh là 7 tháng. Trong ngần ấy năm, nhiều thế hệ cán bộ chiến sỹ Trường Sa và cả cộng sự của ông đều được thay mới, chỉ riêng mình ông vẫn cũ và miệt mài với sự nghiệp “Vì Trường Sa xanh”.

Ông Chinh kể, ngày xưa chỉ một số đảo ở quần đảo Trường Sa có lác đác 4 loài cây bản địa là bàng vuông, tra, phong ba và bão táp; riêng đảo Nam Yết có thêm 6 cây dừa. Công việc của nhóm ông Chinh là nghiên cứu xử lí cát san hô nhiễm mặn để trồng cây xanh; nghiên cứu di thực các loài cây xanh từ đất liền ra phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng đảo. “Sau nhiều nghiên cứu và thử nghiệm, anh em chúng tôi đã tìm ra công thức tạo chất dinh dưỡng (đất) để nuôi cây giữa bạt ngàn cát và san hô nhiễm mặn của Trường Sa. Chúng tôi dùng 20% đất sét (tạo keo đất), 30% mùn hữu cơ, 50% hữu cơ rồi đưa phân vi sinh (gồm phân giải lân, phân giải đạm, phân giải cellulse) trộn vào cho xuống hố và trồng cây vào” - ông Chinh kể.

Ban đầu nhóm ông Chinh lấy chính cây bản địa để trồng và cho hiệu quả vượt trội, dần dà trồng thử các giống cây di thực như giáng hương, me tây, lim xẹt, sa la, sứ, đại, bàng ta…; cây ăn quả thì dừa, chuối, đu đủ… và chúng cũng quen dần thổ nhưỡng ở Trường Sa. Có những đảo khi nhóm ông Chinh đến chỉ bạc trắng một màu cát và san hô phong hoá nhiễm mặn. Vậy mà các ông cứ miệt mài chở từng bao đất sét, bao mùn hữu cơ, bao phân từ đất liền ra, tạo chất dinh dưỡng để trồng cây. Cứ thế, màu xanh của cây trái cứ lấn dần màu bạc trắng của cát và san hô trên từng hòn đảo.

Ông Chinh nhớ lại: “Song Tử Tây là hòn đảo khắc nghiệt nhất vì nó ảnh hưởng 2 đới gió mùa Đông Bắc và Đông Nam. Trồng cây gì cũng khó, anh em chúng tôi bảo nhau, khó thế này mà làm thành công thì không có đảo nào là không làm được. Đến trước năm 2020, đảo Song Tử Tây như một công viên trong đất liền, bao phủ một màu xanh ngát. Sau trận bão số 10 năm ấy, cây cối trên đảo bị san phẳng. Nghe tin mà lòng tôi như lửa đốt, ngày mồng 4 Tết là anh em chúng tôi đã lên đường ra đảo. May nhờ mình kịp thời ra xử lí, cắt cành, cắt gốc, dùng các chế phẩm sinh học mà phục hồi được phần nào”.

Sau bao năm gắn bó với Trường Sa, với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, ông Chinh gửi thông điệp, những ai muốn tặng Trường Sa cây xanh hãy chọn loài cây có chế độ ngủ đông, sẽ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của Trường Sa. Ông Chinh tự tin nói: “Rồi đây giếng nước trên một số đảo sẽ ngọt hơn, vì cây xanh sẽ làm điều này. Đất sét, lá khô rụng xuống, rễ cây… tạo vi sinh vật, tạo keo đất, nước mưa sẽ được giữ lại, Trường Sa sẽ được ngọt hóa”. (Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 6: Sắc xanh tình nguyện

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 6: Sắc xanh tình nguyện

Để hỗ trợ, tiếp sức lực lượng thi công đường điện 500kV mạch 3 qua địa bàn, những ngày qua tuổi trẻ Nghệ An đã chung sức, chung lòng đồng hành với đội ngũ thi công. Dù nắng, dù mưa, màu áo xanh tình nguyện vẫn có mặt tại các công trường để hỗ trợ, góp phần đưa dự án đường điện quốc gia sớm về đích.
Rủi may nghề xoi trầm

Rủi may nghề xoi trầm

“Nhiều người trúng trầm đổi đời, mua nhà, mua xe nhưng không phải lúc nào cũng may, nếu rủi mua phải cây “rỗng” trầm thì cũng lỗ nặng vì giá mỗi cây phải từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Trăm năm xe nước bên sông

Trăm năm xe nước bên sông

Gần 50 năm vắng xa, bây giờ bờ xe nước - cỗ máy bằng tre vốn là biểu tượng bên dòng sông một thời ngày đêm quay đều mang nước tưới cho ruộng đồng xanh tốt, vẫn có một người ngày đêm dựng tạo lại, để một“kỳ quan đồng ruộng” không biến mất.
Nón ngựa miền di sản

Nón ngựa miền di sản

Mấy trăm năm thịnh suy, những đôi tay gầy guộc của người làng đã cần mẫn tạo nên một di sản. Một di sản bằng sự giữ gìn truyền thống và sáng tạo, mang nét cũ xưa và cả hơi thở hiện đại của thời cuộc vào trong chiếc nón mỏng manh, nhẹ nhàng ấy.
Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 3: 30 năm và hành trình của người lính truyền tải

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 3: 30 năm và hành trình của người lính truyền tải

“Đến giờ tôi vẫn tự hào mình là người ngành điện, để được sống, làm việc và cống hiến cho hành trình gìn giữ nguồn điện trên khắp chiều dài đất nước. Cái duyên với đường dây 500kV và những kỷ niệm về nó sẽ theo tôi suốt đời”, ông Trần Khương Tâm - cán bộ Điện lực Thừa Thiên - Huế, chia sẻ.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bút danh 'Hạ sĩ Trường Sơn'

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bút danh 'Hạ sĩ Trường Sơn'

No thành Phật, thành Tiên, đói thành ma, thành quỷ. Đánh có thắng được giặc, dân mới no, mới ấm, quân mới hùng, mới mạnh. Giữ được mùa màng, thì dân, quân mới tạm đủ ăn no để thắng giặc và xây dựng lực lượng hùng hậu. Trung tâm công tác của ta là đó. Trung tâm tư tưởng cụ thể của ta là đó.