Trường Sa! Tiếng gọi thẳm sâu nơi lòng biển - Bài 7: Chiếu chèo giữa ngàn con sóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Được hát phục vụ quân và dân trên quần đảo Trường Sa là khát vọng của anh em nghệ sỹ Chèo chúng tôi, nhưng năm nay cái duyên nó mới đến.

Đây là lần đầu tiên Nhà hát Chèo Việt Nam được tham gia đoàn công tác ra Trường Sa, mong muốn mang cái hay, cái đẹp, hồn cốt của dân tộc đến với quần đảo tiền tiêu của tổ quốc” – Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tuấn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam tâm sự.

Cống hiến hết mình

Đoàn công tác ra Trường Sa lần này có hơn 200 thành viên, nhưng nhóm 12 nghệ sỹ Chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam được đánh giá là vất vả nhất đoàn. Họ bao giờ cũng lên đảo sớm nhất, nhưng lại là nhóm rời đảo muộn nhất, với đủ thứ lỉnh kỉnh mang theo để phục vụ biểu diễn từ trang phục, đến âm thanh, ánh sáng…

Nghệ sỹ Lê Tuấn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam đã rơi nước mắt khi lần đầu tiên bước chân lên đảo. Ông chia sẻ: Chuyến đi này Nhà hát Chèo Việt Nam chuẩn bị rất kỹ, từ lựa chọn con người, đến chương trình biểu diễn… với mong muốn phục vụ quân và dân trên đảo tốt nhất.

“Tôi cùng với 12 nghệ sỹ xung kích trẻ của Nhà hát Chèo Việt Nam đến với Quần đảo Trường Sa, trong lòng tôi cảm thấy rất tự hào, xúc động. Chuyến đi này chúng tôi mang theo tinh hoa của dân tộc, triết lí nhân sinh, dòng chảy văn hoá Việt Nam. Và ngày hôm nay, chúng tôi được hát trên lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc, điều đó là niềm tự hào của các nghệ sỹ chúng tôi” – nghệ sỹ Cường chia sẻ.

“Các nghệ sỹ của Nhà hát Chèo Việt Nam đã mang đến Trường Sa những tiết mục đặc sắc. Những làn điệu Chèo truyền thống của dân tộc đã giúp cho quân và dân trên các đảo niềm vui sau những giờ huấn luyện và lao động mệt nhọc. Sự cống hiến của đoàn Chèo đã để lại ấn tượng sâu sắc cho chuyến công tác lần này”.

Đại tá Đỗ Minh, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 20.

Nghệ sỹ Cường cho biết thêm, trước khi đi, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam quán triệt rất kỹ, chúng ta là những sứ giả văn hoá, ngoài sứ mệnh mang hồn cốt của dân tộc đến với Trường Sa, thì trong giao tiếp phải gần gũi, thân mật và trên hết là phải cống hiến hết mình để phục vụ chiến sỹ và bà con trên đảo.

“Đoàn có đầy đủ thành phần, có kỹ sư âm thanh, các đạo diễn, nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú và các tài năng sân khấu trẻ đã giành được huy chương vàng ở các cuộc thi năm 2023 vừa rồi” – nghệ sỹ Cường cho biết.

Những ngày đầu của chuyến đi, do chưa quen sóng nước, một số nghệ sỹ nữ bị say sóng nhìn mệt mỏi, nhợt nhạt. Nhưng chỉ cần bước chân lên đảo, tất cả như có gương mặt khác, nhanh nhẹn, tươi tỉnh, thân mật như chưa hề xảy ra chuyện gì.

Chương trình làm việc của họ bao giờ cũng gấp đôi kế hoạch vì chương trình giao lưu văn nghệ luôn đông vui và ngẫu hứng nhất. Các nghệ sỹ không chỉ biểu diễn các làn điệu Chèo, làn điệu dân ca truyền thống, mà còn hát và giao lưu nhiều ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước với quân và dân trên các đảo.

Đoàn nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại đảo Sinh Tồn Đông

Đoàn nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại đảo Sinh Tồn Đông

Trần Thị Ngát, nghệ sỹ trẻ nhất đoàn (SN 2000) không giấu được xúc động khi nói về cảm xúc của mình: “Từng đi biểu diễn nhiều trong nước cũng như nước ngoài, nhưng chưa bao giờ em thấy tự hào và thiêng liêng như chuyến ra Trường Sa lần này.

Nhìn thấy các chiến sỹ sạm đen vì nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc, dường như mọi mệt mỏi đều tan biến, thay vào đó là niềm hứng khởi được hát, được phục vụ quân và dân trên đảo”.

“Mình là người phục vụ, nên tôi rèn các cháu về lề lối sinh hoạt, ứng xử với mọi người. Trong suốt hành trình, các cháu nữ vẫn xuống giúp nhặt rau, rửa bát cùng các anh em nhà bếp. Thấy nhà bếp vất vả, tôi đã bố trí tất cả nam nữ của đoàn xuống đấy giao lưu văn nghệ một tối với anh em nhà bếp và cuộc giao lưu rất vui và xúc động”

Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tuấn Cường.

Chiến sỹ trẻ Văn Quốc Hoàn xung phong nhập ngũ ra đảo Sinh Tồn Đông chăm chú xem chương trình văn nghệ từ đầu đến cuối, xúc động cho biết: “Em từng nghe hát Chèo, Quan họ Bắc Ninh trên radio nhưng chưa bao giờ cảm nhận sâu sắc như hôm nay.

Cũng câu chuyện đó, tích cũ đó nhưng được xem các nghệ sỹ Chèo biểu diễn trực tiếp ngay trên đảo đã mang lại một cảm xúc tươi mới”.

“Người ơi người ở đừng về!

Nếu như nhóm nghệ sỹ Chèo được xem là vất vả nhất trong đoàn công tác thì Lại Xuân Chường, nghệ sỹ tài năng trẻ, Bí thư Đoàn thanh niên Nhà hát Chèo Việt Nam lại là người vất vả nhất trong nhóm nghệ sỹ Chèo. Anh là người phụ trách bưng bê lên, xuống đảo các dụng cụ biểu diễn nặng hàng trăm kilogam.

Mồ hôi nhễ nhại nhưng khi vừa bước chân lên đảo là hì hụi kết nối âm thanh, ánh sáng, sắp xếp sân khấu, làm MC, hát và kiêm cả phát thanh viên trên tàu trong suốt hành trình.

Vất vả là vậy nhưng nghệ sỹ Chường luôn vui vẻ, nhiệt tình với mọi người. Anh tâm sự: “Được ra Trường Sa biểu diễn là một điều may mắn và vinh hạnh đối với người nghệ sỹ. Biểu diễn trên đảo tuy có vất vả hơn biểu diễn trên bờ một chút, nhưng cái vất vả đó của chúng em không thấm vào đâu so với sự gian khổ, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo.

Đoàn đi đa số là nghệ sỹ trẻ, chúng em xác định là phải xung kích, phải cống hiến hết mình vì đây là cơ hội quý giá không dễ gì có được”.

Nghệ sỹ Lê Tuấn Cường cho biết thêm, để tiết kiệm kinh phí, nhóm nghệ sỹ Nhà hát Chèo đi tàu hoả từ Hà Nội và Nha Trang mất một ngày rưỡi. Ông Cường có chế độ đi máy bay nhưng ông vẫn quyết định đi cùng đoàn để làm gương cho mọi người.

Khoảnh khắc đáng nhớ của các nghệ sỹ Chèo trên Quần đảo Trường Sa

Khoảnh khắc đáng nhớ của các nghệ sỹ Chèo trên Quần đảo Trường Sa

Đêm giao lưu văn nghệ trên đảo Trường Sa, trích đoạn “Xã trưởng mẹ Đốp” do các nghệ sỹ Chèo biểu diễn khiến cán bộ, chiến sỹ và bà con nhân dân trên đảo cười nghiêng ngả.

Nghệ sỹ Cường tâm sự, nếu có lần sau, ông muốn mang trọn vẹn các vở diễn ra Trường Sa. Ông nói, Chèo có rất nhiều vở diễn hay về triết lí nhân sinh, giáo dục về đạo đức, nhân cách làm người trong xã hội.

Với những cống hiến hết mình, không biết mệt mỏi của nhóm nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với đoàn công tác, đặc biệt là cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Bằng lời ca, tiếng hát, họ đã mang đến tiếng cười, niềm vui nhưng cũng lấy đi không ít nước mắt nghĩa tình và xúc động của khán giả trên đảo.

“Khách đến chơi nhà”, “Người ơi người ở đừng về” sẽ vang mãi trong lòng quân và dân trên Quần đảo Trường Sa, trong lòng mỗi nghệ sỹ và thành viên đoàn công tác. “Hẹn gặp lại Trường Sa!”.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.