Nghề livestream - Kỳ 6: Cần được đào tạo chuyên nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với sự đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội, ngành livestream cần có nguồn nhân lực được đào tạo và hỗ trợ chuyên nghiệp để hình thành một lực lượng lao động có chuyên môn.

Ảnh hưởng tích cực đến kinh tế địa phương

Th.S Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế TP.HCM - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định thị trường thương mại điện tử của VN đang phát triển nhanh chóng, với doanh số bán lẻ trực tuyến đạt gần 144.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2024. Dự kiến, tổng giá trị hàng hóa sẽ đạt gần 45 tỉ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 20%. Các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đều ghi nhận kết quả tích cực, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ. Điều này cho thấy livestream - hình thức bán hàng đang rất phổ biến - sẽ gia tăng nhu cầu về nguồn nhân lực.

Một phiên livestream tổ chức cho KOC Cao Hoàng Mẫn của Hz Media

Một phiên livestream tổ chức cho KOC Cao Hoàng Mẫn của Hz Media

Cùng với đó, ngành livestream còn ảnh hưởng rất tích cực đến nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế địa phương. Th.S Lê Thanh Hải dẫn báo cáo "e-Conomy SEA 2023" của Google, Temasek và Bain & Company, cho thấy VN là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, ngành công nghiệp nội dung số, bao gồm cả livestream, đang đóng góp hơn 10 tỉ USD vào GDP của VN và dự kiến sẽ đạt 18 tỉ USD vào năm 2025. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã thúc đẩy các ngành dịch vụ hỗ trợ như sản xuất nội dung số, marketing số, và các dịch vụ liên quan đến quản lý và vận hành kênh bán hàng trực tuyến. Livestream cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) dễ dàng tiếp cận thị trường và gia tăng doanh thu thông qua khả năng tương tác trực tiếp với khách hàng.

Thời gian qua, TP.HCM đã áp dụng hình thức livestream bán hàng vào các sự kiện lớn, và theo Th.S Lê Thanh Hải, điều này chứng minh vai trò quan trọng của KOL (người có kiến thức chuyên môn và sức ảnh hưởng trong lĩnh vực) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) trong việc truyền tải thông điệp và xúc tiến thương mại.

Chẳng hạn, báo cáo của Shoppertainment năm 2024 cho thấy sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Chợ di sản Bến Thành" được tổ chức hồi cuối tháng 12.2023 với sự tham gia của 100 KOL và KOC đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem trực tuyến và tăng 40% doanh thu cho các tiểu thương.

Thạc sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế TP.HCM - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Thạc sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế TP.HCM - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

"Theo báo cáo Influencer Marketing Hub, tỷ lệ tương tác trung bình của các chiến dịch có KOL lên đến 7%, cao hơn nhiều so với 2 - 3% ở các chiến dịch quảng cáo truyền thống. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của livestream trong việc tăng cường sự hiện diện và tác động của các chiến dịch truyền thông chính sách và thương mại", Th.S Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định để hỗ trợ sự phát triển của ngành livestream, cần có các chương trình đào tạo và hỗ trợ chuyên nghiệp để hình thành một lực lượng lao động có chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. TP.HCM cần cung cấp các khóa học ngắn hạn chuyên nghiệp, kết hợp với các chương trình đào tạo về pháp luật, kinh doanh trực tuyến và kỹ năng truyền thông.

"Các chương trình đào tạo cần được phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của hàng trăm nghìn người lao động liên quan trực tiếp đến lĩnh vực này. Ngoài ra, cần có các quy định pháp lý rõ ràng về hoạt động livestream để đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và người tiêu dùng. Việc "chuẩn hóa" ngành nghề này thông qua các quy định pháp luật sẽ góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững trong tương lai", Th.S Lê Thanh Hải nêu ý kiến.

Hy vọng ngành livestream được đào tạo chính quy

Bà Vũ Thị Thoa, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực marketing và từng làm quản lý dự án tại MCN TikTok VN (Multi-channel Network, mạng lưới liên kết giữa nền tảng TikTok và người sáng tạo nội dung với nhãn hàng), hiện là CEO của Công ty Hz Media - một trong những MCN có doanh thu hàng đầu trên TikTok Shop. Công ty này, như nhiều MCN khác, hỗ trợ KOL và KOC phát triển qua việc tổ chức livestream, cung cấp kiến thức và kết nối với nhãn hàng theo nguyên tắc win-win (các bên cùng có lợi).

Bà Vũ Thị Thoa, nhà sáng lập và điều hành Hz Media

Bà Vũ Thị Thoa, nhà sáng lập và điều hành Hz Media

Theo bà Vũ Thị Thoa, ngành livestream đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua, đặc biệt là trên nền tảng TikTok, nơi sự sáng tạo và giải trí được đề cao cùng với đầu tư vào chất lượng phiên phát sóng.

"Sự bùng nổ của ngành này phần lớn do thị trường và truyền thông thúc đẩy. Nhiều người bị cuốn vào những con số ấn tượng và câu chuyện thành công trên mạng xã hội, đổ xô theo xu hướng vì sợ mất cơ hội. Tuy nhiên, nhiều người lại vội vàng theo đuổi mà chưa hiểu rõ về ngành. Họ chưa thực sự tìm hiểu tại sao một KOC bán hàng tốt cho một thương hiệu hay tại sao một thương hiệu lại thành công trên thị trường. Những thứ đi lên nhờ trào lưu thường dễ dàng sụp đổ và gặp rủi ro. Khi không thành công thì phát sinh mâu thuẫn. Đó là lý do gần đây ta thấy nhiều trường hợp nhãn hàng hợp tác với KOC nhưng không bán được hàng, rồi đem nhau lên mạng xã hội để chỉ trích và bóc phốt", bà Thoa nhận định.

Bà cũng cho biết thị trường livestream ngày càng cạnh tranh khốc liệt khi nhiều người đổ xô làm KOC, mở công ty marketing, quản lý nhân tài hay mở lớp học. Theo bà, trong dòng chảy đó, KOC cần hiểu rõ nền tảng mà mình muốn phát triển, cần vạch chiến lược và đường đi nước bước cụ thể.

Ngành livestream ảnh hưởng tích cực đến nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế địa phương

Ngành livestream ảnh hưởng tích cực đến nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế địa phương

Về nguồn nhân lực, bà Vũ Thị Thoa chia sẻ hiện nay rất khó tìm được nhân sự có đào tạo chính quy trong ngành livestream. Bà nêu ví dụ: "Trước đây khi còn làm cho TikTok thì tôi không nghĩ nhiều về nguồn nhân lực đâu. Mãi cho đến khi mở công ty, tôi mới nhận ra ngành này đang khát lao động như thế nào. Để tổ chức một buổi livestream, tôi cần 20 - 30 nhân sự, nhưng hiện chỉ có thể tuyển dụng dựa vào "linh cảm" của cá nhân như thấy rằng ứng viên đó sẽ có thể làm tốt kiểm tra danh sách nhãn hàng hay hỗ trợ livestream, ghim sản phẩm trong phiên livestream… Chưa có tiêu chuẩn chung hay nơi đào tạo chính quy cho những vị trí này".

Bà hy vọng một ngày nào đó, livestream sẽ được công nhận là một lĩnh vực chuyên nghiệp, và những người làm việc có thể cầm trên tay tấm bằng chính thức, mang lại giá trị thực sự cho cả người tiêu dùng lẫn nhãn hàng.

Nhận định về tương lai ngành livestream, bà Vũ Thị Thoa cho rằng có tiềm năng phát triển rất lớn và cần đầu tư bài bản từ bây giờ để phát triển bền vững. "Trong ngắn hạn, ngành livestream vẫn sẽ có những người bán hàng tốt, những phiên livestream lớn, khiến người mới vào ngành cảm thấy mình không có sân chơi. Nhưng sau một năm nữa, những người làm livestream sẽ cần tập trung vào việc trở thành người có kiến thức bán hàng thông minh, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, thay vì chỉ biết lên sóng giới thiệu sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về hành vi mua hàng của mình, họ muốn mua sản phẩm có nguồn gốc, hữu ích, chứ không phải vì cảm xúc hay món hời trong buổi livestream", bà Thoa nói.

CEO của Hz Media nhấn mạnh mong muốn mở trung tâm đào tạo để hướng dẫn các nhà sáng tạo hiểu rõ xu hướng thị trường và tình hình hiện tại, giúp họ phát triển đúng hướng và bền vững, thay vì chạy theo trào lưu dễ bị dập tắt. Bà cho rằng livestream là một ngành rất tiềm năng, hiện tại là 4.0 và sẽ tiếp tục phát triển lên 5.0, 6.0, nên cần đầu tư đúng đắn từ bây giờ. (còn tiếp)

Theo Phạm Thu Ngân - Uyển Nhi (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.