Đi qua nỗi đau bom mìn (*): Chiến binh bên dải đất tử thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ đối mặt với tử thần mỗi ngày, các lực lượng rà phá bom mìn còn chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm khiến họ mất ăn, mất ngủ
Xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch là 1 trong 2 địa phương được xác định có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất tỉnh Quảng Bình. Tổ chức phi chính phủ Anh Mines Advisory Group (MAG) đã điều 4 đội hỗ trợ Quảng Bình khắc phục hậu quả chiến tranh.
Cơ trí, dũng cảm
Mặt trời vừa lên, đội MAG đã bắt tay vào công việc tại quả đồi rộng hơn 2 ha ở thôn Tân Nẫm, xã Cự Nẫm. Một nhóm dùng máy dò bom và cắm mốc đánh dấu vị trí phát hiện; nhóm còn lại giám sát, xử lý hiện trường nếu nghi ngờ có bom mìn dưới lòng đất.
Chị Châu Thị Diệu, thành viên nữ hiếm hoi trong đội, cho biết vì việc "làm sạch" đất đai sâu đến vài mét nên buộc anh em MAG phải làm việc tỉ mỉ, thận trọng và giải phóng toàn bộ những nơi mà họ đi qua. "Nếu không có nghề thì gặp phải bom bi, chỉ cần sơ sẩy chạm mạnh, tác động vào là nó phát nổ, bỏ mạng như chơi. Chúng tôi phải đối mặt với bom đạn hằng ngày. Lúc mới vô nghề, nhìn bom mìn sợ lắm nhưng giờ gặp riết thành quen" - chị Diệu tâm sự.

Nhân viên MAG đánh dấu vị trí 2 quả bom bi được phát hiện tại tỉnh Quảng Bình .Ảnh: HOÀNG PHÚC
Nhân viên MAG đánh dấu vị trí 2 quả bom bi được phát hiện tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Được giao cắm chốt tại Cự Nẫm để làm sạch bom mìn, nhóm MAG còn hoạt động như một đội cơ động phản ứng nhanh. Hai tháng trước, trong lúc thi công dự án nâng cấp đường tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, các công nhân phát hiện 1 quả bom nặng gần 300 kg nằm dưới độ sâu gần 2 m. Lập tức, cả đội MAG đến hiện trường cách đó gần 20 km để phối hợp với lực lượng công binh xử lý quả bom, di dời và hủy nổ an toàn.
Trở về sau một ngày làm việc trên bãi rà phá bom mìn, anh Đặng Mai Chi, kỹ thuật viên MAG Quảng Bình, kể rằng nhiều năm xử lý bom mìn, anh không thể quên được cái chết bi thảm của 2 cháu bé cách đây 6 năm. Khi đó, đang rà phá bom mìn, anh nhận được thông tin có vụ nổ bom ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch - cách chỗ làm việc chừng 3 km. Anh tức tốc tới hiện trường thì 2 anh em ruột là cháu Phạm Sỹ Hùng (9 tuổi) và Phạm Hữu Khương (5 tuổi) đã qua đời.
"Hai cháu đi chăn bò thì nhặt được quả bom bi có hình tròn, thấy lạ mắt nên đem về. Các cháu cứ nghĩ là khối sắt nên mang ra hiên nhà nghịch chơi, vô tình đập xuống nền xi măng. Quả bom phát nổ làm 2 cháu văng ra từng mảnh" - anh Chi nhớ lại.
Anh Lê Thanh Ngọc, giám sát Đội rà phá hiện trường của MAG Quảng Bình, nhớ mãi ngày 23-10-2013, tại Trường THCS Lê Hóa (huyện Tuyên Hóa), một học sinh lớp 8 nhặt được quả bom bi rồi đem vào trường. Quả bom phát nổ trong giờ ra chơi, em này tử vong còn 2 học sinh khác mang thương tật. Vụ nổ khiến nhiều người bàng hoàng, không thể ngờ rằng chiến tranh đã lùi xa mà vẫn còn nhiều cái chết thương tâm như thế.
Theo khảo sát của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, từ năm 1975 đến nay, Quảng Bình có 5.847 người bị tai nạn bom mìn, trong đó 2.909 người chết. Riêng 10 năm trở lại đây xảy ra 164 vụ tai nạn bom mìn, làm chết 49 người, bị thương 115 người.
Cần nhiều kinh phí
Mười năm trước, vào một ngày trời đầy sương mù, thiếu tá Nguyễn Viết Tình, nhân viên Ban Công binh, Phòng Tham mưu thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng đồng đội là Phạm Hữu Liện, trợ lý Ban Công binh, nhận được lệnh cấp tốc lên huyện miền núi A Lưới để xử lý một quả bom.
"Nó nằm trong vườn nhà dân ở khu vực sân bay cũ tại xã A Đớt. Có 4 vạch nhưng chúng tôi chỉ nhìn thấy 3 vạch trắng - xanh - đỏ, vạch còn lại đã mờ. Đây là quả bom hóa học, nặng 70 kg, nằm bán lộ thiên" - thiếu tá Tình nhớ lại.
Quả bom vỏ mỏng, rất dễ nổ nếu có lực tác động. Dù không gây sát thương lớn nhưng nếu phát nổ, nó có thể làm cháy rừng diện rộng, chất độc phát tán làm ô nhiễm môi trường nước, không khí và ảnh hưởng đến hệ thần kinh con người. Thiếu tá Tình nhận được lệnh phải xử lý quả bom ngay trong đêm nhưng cần bảo đảm an toàn.
Đường vào hiện trường, ôtô chuyên dụng không thể di chuyển, họ phải sử dụng xe bò cải tiến của người dân để vận chuyển quả bom ra vị trí hủy nổ. Thiếu tá Tình cùng đồng đội và người lính trợ lý quân khí ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới dùng xẻng cẩn trọng đào hết lớp đất để quả bom phát lộ hoàn toàn. Ba người khiêng quả bom lên thùng xe cải tiến đã được độn vỏ trấu, chuối để hạn chế rung chấn khi vận chuyển. Rồi một người cầm lái, 2 người đi sau đẩy, mất tầm 1 giờ họ mới di chuyển quả bom theo đường rừng dài 4 km ra vị trí hủy nổ.
Thiếu tá Lê Văn Thành Ngọc, Trưởng Ban Công binh thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: Từ năm 2004-2008, tỉnh đã xử lý được hơn 6.207 ha đất bị ô nhiễm; giai đoạn 2009-2013 rà phá, xử lý bom mìn, làm sạch diện tích 8.717 ha đất. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, do tạm ngừng bố trí kinh phí nên việc xử lý bom mìn chững lại.
"Diện tích đất còn lại bị ô nhiễm rất lớn, cần sớm bố trí kinh phí để xử lý. Khi khởi động lại cần khảo sát, đánh giá hiện trạng ô nhiễm bom mìn để có số liệu chính xác hơn vì số liệu từ năm 2008 đã quá cũ, trải qua thời gian dài dưới tác động của địa chất, mưa bão nên có sự biến động. Phải số hóa dữ liệu để dễ quản lý, thực hiện khi xử lý" - thiếu tá Lê Văn Thành Ngọc nói. 
Kỳ tới: Hồi sinh những vùng đất chết

Không có chuyện "rút kinh nghiệm"

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, việc rà phá bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên với hàng chục cán bộ, chiến sĩ tham gia; do Công ty TNHH 319-5 (trực thuộc Bộ Quốc phòng) và đội dò tìm bom mìn, vật nổ Cụm 2 (thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn - Bộ Tư lệnh Công binh) đảm nhiệm.

Thiếu tá Võ Tiến Thịnh - Chủ nhiệm Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi - khẳng định việc xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đòi hỏi tinh thần thép và đặc biệt không có chuyện "rút kinh nghiệm". Khi đã vào làm việc, mọi động tác phải chính xác 100%.

"Chúng tôi chưa bao giờ cho phép mình lơ là bởi một sai lầm nhỏ trong thao tác cũng có thể phải trả giá bằng chính tính mạng của mình và đồng đội" - thiếu tá Thịnh nói.

T.Trực
HOÀNG PHÚC - QUANG TÁM (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.