Đi qua nỗi đau bom mìn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyện Hồ Văn Lai thường kể không phải của ai khác mà là của chính anh. Chuyện thật 100%, nghe buồn nao lòng nhưng lạ thay lần nào kể xong Lai cũng bảo... rất vui!
Tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của Dự án Renew (đóng tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), Hồ Văn Lai thường giới thiệu với các học sinh đến tham quan: "Anh là Hồ Văn Lai, 31 tuổi, nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh. Các em cứ nhìn tay, chân và mắt của anh đây là rõ. Bom mìn nó "cướp" đi hết rồi!".
Buổi sáng kinh hoàng
Một buổi sáng mùa hè năm 2000, nắng như dát vàng lên vùng cát thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Lai lúc đó 10 tuổi, cùng 3 người em họ đi dọc triền cát gần nhà nhặt phế liệu để đổi kem.
Cả nhóm đang thoải bước thì nhìn thấy một vật kim loại hình tròn, gỉ sét, nằm lộ thiên trên cát. Lai vốn dạn dĩ nên tiến lại gần, nhặt lên ngó thử rồi bất ngờ gõ mạnh vật kia vào đá. Một tiếng nổ chát chúa vang lên, xóa tan sự tĩnh lặng vốn có nơi miền biển này. "Đó là bom bi sót lại sau chiến tranh, con à", sau này Lai nghe ba của anh nói về vật lạ kia như thế.
Cả người Lai nóng ran, mắt không nhìn thấy, chân lẫn tay như bị một khối nặng vô hình ghì lấy. "Nằm trên cát, tôi nghe tiếng bước chân ngày một gần hơn. Mùi tanh của máu, mùi thuốc súng cứ lờm lợm trong cổ họng. Rồi tôi nghe tiếng khóc, tiếng kêu gào thảng thốt của người thân bên tai. Lúc đó, người tôi nóng lắm, rát lắm, toàn thân nhói buốt. Tôi nhớ mọi người bế tôi lên xe máy để chở đến bệnh viện. Trên đường đi, tôi lịm đi lúc nào không hay" - Lai bồi hồi nhớ lại.
Vụ nổ bom bi năm ấy đã khiến 2 người em họ của Lai chết thương tâm, người em còn lại bị thương nhẹ. Riêng Lai bị cụt gần nửa cánh tay phải, tay trái bị bom "tiện" mất ngón cái. Chân phải của Lai "rụng" ngang gối, chân trái mất bàn chân. Những hạt bi sắt trong quả bom bi còn khiến mắt phải của Lai bị hỏng, mắt trái tổn thương thị lực chỉ còn 3/10. Trong vụ nổ này, sức khỏe của Lai bị tổn hại đến 86%.
"Sau 4 ngày mê man trong bệnh viện, tôi mới tỉnh lại. Âm thanh đầu tiên tôi nghe được là tiếng thở dài của ba và tiếng mẹ khóc nức nở. Sau này, khi lớn lên, tôi mới nghĩ vì bản thân thiếu hiểu biết về bom mìn nên mới khiến 2 người em thiệt mạng, còn mình thì mang thương tật suốt đời" - Lai ngậm ngùi nói.

Hồ Văn Lai kể lại câu chuyện của mình cho các em học sinh tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn
Hồ Văn Lai kể lại câu chuyện của mình cho các em học sinh tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn
Kể chuyện buồn để... vui
Hơn 4 tháng nằm viện và trải qua gần chục ca phẫu thuật, Hồ Văn Lai mới được xuất viện về nhà. Sau đó, dù thân thể không lành lặn, thường xuyên phải nghỉ học nhưng Lai đã nỗ lực vượt qua. Anh hoàn thành chương trình phổ thông rồi vào học tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, chuyên ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, học đến năm thứ 2, Lai đành ngậm ngùi rời giảng đường vì thị lực ngày càng yếu.
Năm 2015, Lai gặp anh Nguyễn Thanh Phú - cán bộ giáo dục nguy cơ bom mìn, vật nổ của Dự án Renew. Anh Phú ngỏ ý: "Lai có thể đứng trước các học sinh và chia sẻ lại câu chuyện tai nạn bom mìn của mình được không?". Không chần chừ, Lai nhận lời. Từ đó, anh đảm nhận vai trò tuyên truyền viên giáo dục nguy cơ bom mìn cho cộng đồng tại trung tâm với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Tại trung tâm, mỗi tuần có rất nhiều đoàn học sinh đến tham quan, tìm hiểu về nguy cơ bom mìn. Bên cạnh các nhân viên khác, Lai luôn có mặt và thu hút sự chú ý của học sinh bằng câu chuyện và thân thể không lành lặn của mình. Mỗi lần kể chuyện xong, Lai lại huơ huơ nửa cánh tay phải còn lại, dốc lời "ruột gan": "Các em hãy nhớ tránh xa bom mìn nhé! Nó vô cùng nguy hiểm bởi có thể gây chết người hoặc như bản thân anh đây".
Lai tâm sự rằng mỗi lần kể chuyện xong, anh cảm thấy rất vui dù nói... mỏi cả tay. "Tôi vui là vì các em nhận thức được tầm nguy hiểm của bom mìn mà tránh xa. Vui cũng bởi bản thân còn có ích cho cuộc đời này" - Lai bộc bạch.
Giờ đây, nơi triền cát vụ nổ bom bi năm xưa đã mọc lên những công sở, trường học. Dấu tích ngày xưa đã mất, giờ chỉ còn hình ảnh Lai chống nạng đi ngang qua mỗi ngày. Có lúc anh nán lại hồi lâu để nhắc bản thân phải nỗ lực nhiều hơn trong việc đẩy lùi nguy cơ tai nạn bom mìn. Anh mong mỗi vùng quê trên đất nước mình đều sạch đạn bom chiến tranh và không ai gặp tai nạn như anh nữa.
Anh Nguyễn Thanh Phú cho biết những năm qua, Lai không chỉ đến trung tâm để kể chuyện mà còn hỗ trợ, triển khai nhiều hoạt động truyền thông khác. Lai đã truyền đi thông điệp rằng anh hoàn toàn bình thường như bao người khác và có thể làm được những công việc giúp ích cho cộng đồng. Đến giờ, Lai đã trở thành một thành viên không thể tách rời trong hoạt động truyền thông về nguy cơ bom mìn của trung tâm. 

Hàng trăm ngàn tấn bom mìn sót lại

Việt Nam đã hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại từ năm 1964-1975, gấp 4 lần số lượng bom đạn trong chiến tranh Thế giới thứ I. Theo điều tra của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) năm 2018, số lượng bom đạn còn sót lại tại Việt Nam lên tới hàng trăm ngàn tấn.

Trên vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc tháng 4-2021, Việt Nam đã chủ trì phiên họp trực tuyến cấp bộ trưởng về chủ đề "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn" gắn với Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và hỗ trợ hành động bom mìn (4-4) được Liên Hiệp Quốc tổ chức hằng năm vào tối 8-4 (giờ Hà Nội).

HĐBA đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của HĐBA do Việt Nam đề xuất, đề cập riêng đến vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn. Văn kiện nhấn mạnh mối liên hệ giữa khắc phục hậu quả bom mìn với duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, khẳng định cam kết của HĐBA và đề cao sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.

Kỳ tới: Những người thoát chết
Bài và ảnh: ĐỨC NGHĨA (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).