Tổng thư ký NATO đẩy quyết định gỡ rào chắn vũ khí cho Ukraine sang các nước thành viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- CNN ngày 16/9 đưa tin Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các nước thành viên nên tự ra quyết định gỡ rào vũ khí cho Ukraine, thừa nhận mọi lựa chọn đều có rủi ro.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP

Ý kiến của ông Stoltenberg đưa ra khi gần đây Tổng thống Ukraine liên tục phàn nàn về việc đối tác phương Tây chậm cung cấp vũ khí và trang bị cho quân đội Kiev.

Theo ông Zelensky, trong thời gian 8 tháng tạm dừng chuyển giao vũ khí khi Quốc hội Mỹ không thể đưa ra quyết định về việc hỗ trợ Ukraine, Kiev buộc phải sử dụng toàn bộ nguồn dự trữ của mình.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, các nước phương Tây đã nhiều lần tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Kiev cũng liên tục yêu cầu các đối tác cung cấp các loại tên lửa tầm xa và hiện đại hơn.

Về vấn đề này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer đã họp bàn cuối tuần trước, nhưng chưa đưa ra quyết định.

"Tôi hoan nghênh những động thái đó, quyết định cuối cùng sẽ do từng quốc gia thành viên đưa ra. Các nước đồng minh có chính sách khác nhau trong vấn đề này", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trả lời đài LBC của Anh ngày 16/9.

Ông Stoltenberg thừa nhận "không có lựa chọn nào là không mang rủi ro trong chiến sự", đề cập lời cảnh báo của Tổng thống Vladimir Putin rằng gỡ rào vũ khí cho Kiev sẽ đẩy phương Tây vào cuộc chiến trực tiếp với Moscow. "Tuy nhiên, tôi vẫn tin rủi ro lớn nhất với chúng ta, với Anh cũng như NATO, là Nga giành chiến thắng trong xung đột Ukraine", ông cho hay.

Mỹ, Anh đã chuyển giao cho Ukraine hai loại vũ khí tầm xa là tên lửa đạn đạo ATACMS và tên lửa hành trình Storm Shadow. Dòng Storm Shadow có chứa linh kiện do Mỹ sản xuất, do đó London cần được Washington chấp thuận nếu muốn cho phép Kiev dùng loại tên lửa này để tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống Zelensky cho rằng phương Tây chậm gỡ bỏ rào cản đã tạo điều kiện để Nga dịch chuyển các mục tiêu quân sự lùi về sâu hơn.

Hiện tại, một số thành viên NATO dần thay đổi lập trường. Guardianngày 11/9 đưa tin chính phủ Anh đã có "quyết định tích cực" với việc sử dụng Storm Shadow, trước khi Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Anh cùng đến Kiev.

Canada, Thụy Điển, Phần Lan cũng ủng hộ gỡ rào vũ khí tầm xa với Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố không cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa của Đức tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, bất kể quyết định của các quốc gia khác.

Có thể bạn quan tâm