Nga phát cảnh báo tới NATO về vũ khí cho Ukraine

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát cảnh báo mới tới NATO trước thềm lãnh đạo Mỹ và Anh bàn về việc có nên cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa để tấn công đất Nga hay không.

Phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Trung Quốc hôm qua (13.9), Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tuyên bố Nga có kinh nghiệm độc đáo trong việc chống lại nhiều loại vũ khí phương Tây ở Ukraine và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này với các đối tác, theo Hãng thông tấn RIA. Ông Fomin còn tuyên bố chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã tái tạo chiến tranh hiện đại và cho thấy vũ khí của Nga có khả năng đánh bại vũ khí phương Tây.

Mỹ, Anh bàn về tên lửa tầm xa

Ông Fomin đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh phương Tây đã gửi cho Ukraine những loại tên lửa tầm xa như ATACMS và Storm Shadow/SCALP. Cho đến nay, Kyiv chỉ dùng những tên lửa này để chống lại lực lượng Nga ở bán đảo Crimea và vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine, theo Đài RT.

Tuy nhiên, tờ The New York Times ngày 12.9 dẫn lời các quan chức châu Âu cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như sắp cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga, miễn là không sử dụng ATACMS do Mỹ gửi. Vấn đề này sẽ được thảo luận trong chuyến thăm đầu tiên tới Washington D.C của Thủ tướng Anh Keir Starmer vào ngày 13.9 (theo giờ Mỹ).

Trực thăng Mi-35M của Nga phóng rốc két vào lực lượng Ukraine tại tỉnh Kursk (Nga) hồi tháng 8

Trực thăng Mi-35M của Nga phóng rốc két vào lực lượng Ukraine tại tỉnh Kursk (Nga) hồi tháng 8

Anh đã ra hiệu với Mỹ rằng London muốn cho Kyiv dùng Storm Shadow/SCALP (do Anh và Pháp cùng phát triển) để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga, nhưng muốn có sự cho phép rõ ràng từ Tổng thống Biden nhằm thể hiện một chiến lược phối hợp với Mỹ và Pháp. Giới chức Mỹ tiết lộ rằng ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định, nhưng sẽ nghe ông Starmer trình bày vào ngày 13.9.

Nếu được chấp thuận, quyết định cho phép Kyiv dùng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga có thể giúp lực lượng Ukraine giữ vững vị trí sau khi chiếm lãnh thổ Nga như họ đã làm trong cuộc tấn công vào tỉnh Kursk thuộc Nga hồi tháng trước. Tuy nhiên, ông Biden đã do dự không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công đất Nga, đặc biệt là sau cảnh báo từ các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga có thể đáp trả bằng cách hỗ trợ Iran nhắm mục tiêu vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông, theo The New York Times.

Mẫu tên lửa Storm Shadow/SCALP bên trong nhà máy MBDA ở Pháp (hình chụp tháng 3.2023)

Mẫu tên lửa Storm Shadow/SCALP bên trong nhà máy MBDA ở Pháp (hình chụp tháng 3.2023)

Cảnh báo mới từ ông Putin

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12.9 khẳng định Ukraine không có khả năng sử dụng các hệ thống vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp, theo RT. Ông lưu ý rằng những cuộc tấn công sử dụng vũ khí như thế đòi hỏi Ukraine phải có thông tin tình báo từ các vệ tinh NATO, trong khi dữ liệu cần thiết cho việc khai hỏa có thể "chỉ được cung cấp bởi quân nhân NATO".

Ông Putin cảnh báo nếu quyết định cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công lãnh thổ Nga được thực hiện, điều đó đồng nghĩa các nước NATO tham gia trực tiếp cuộc xung đột ở Ukraine. "Sự tham gia trực tiếp của họ đương nhiên làm thay đổi lớn cho bản chất xung đột. Do đó, Nga sẽ đưa ra các quyết định phù hợp dựa trên mối đe dọa mà chúng tôi đối diện", ông Putin nhấn mạnh.

Đáp lại, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm qua cho hay ông không lo lắng về cảnh báo trên của Tổng thống Putin, theo Reuters.

"Xem xét mọi sự kiện ở Ukraine và trên tiền tuyến Ukraine - Nga một cách nghiêm túc là cần thiết, nhưng tôi sẽ không xem trọng quá mức những tuyên bố mới nhất từ Tổng thống Putin. Những tuyên bố đó cho thấy tình hình khó khăn mà phía Nga đang gặp phải ở tiền tuyến", ông Tusk phát biểu tại một cuộc họp báo.

Nga bị tố tấn công tàu chở ngũ cốc

Ukraine ngày 12.9 cáo buộc Nga cho máy bay ném bom chiến lược phóng tên lửa vào một tàu chở ngũ cốc dân sự ở biển Đen gần Romania vào khuya 11.9. Đây là lần đầu tiên tên lửa tấn công một tàu dân sự vận chuyển ngũ cốc trên biển kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022, theo Reuters.

Bộ Ngoại giao Romania hôm qua nói rằng vụ tấn công vào tàu chở ngũ cốc là "hành động leo thang chưa từng có" trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink đã "lên án mạnh mẽ" vụ tấn công và cho rằng Moscow phải chịu trách nhiệm. Điện Kremlin hôm qua từ chối bình luận về cáo buộc này, theo Reuters.

Theo Văn Khoa (TNO)

Có thể bạn quan tâm