Ukraine tiến sâu vào lãnh thổ Nga, đòn bất ngờ và sức mạnh từ đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cho đến hiện tại khi Nga đã thiết lập tuyến phòng thủ, chặn đứng đà tấn công của Kiev, thì giới phân tích cũng chưa hết bất ngờ trước đòn tấn công và sức mạnh của lực lượng Ukraine.
Một số hình ảnh Nga triển khai quân đội, vũ khí ở Kursk sau cuộc xâm nhập của Ukraine. Ảnh: AP

Một số hình ảnh Nga triển khai quân đội, vũ khí ở Kursk sau cuộc xâm nhập của Ukraine. Ảnh: AP

Trong ngày 11/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Moscow đã ngăn chặn nỗ lực đột phá của các lực lượng của Ukraine gần các khu định cư Tolpino và Obshchii Kolodez ở tỉnh Kursk, lần lượt cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 25 và 30 km.

Liên quan tới an toàn của nhà máy điện hạt nhân Kursk, ngày 10/8, hãng thông tấn Nga RIA trích lời Giám đốc Cơ quan hạt nhân Liên bang Nga Rosatom Alexei Likhachev cho rằng cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk gây ra "mối đe dọa trực tiếp" đối với nhà máy điện hạt nhân của khu vực này.

Ông Likhachev nhấn mạnh: "Hành động của quân đội Ukraine không chỉ gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với nhà máy điện hạt nhân Kursk mà còn đối với toàn bộ ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân".

Về phần mình, vào hôm 8/8, IAEA, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, đã kêu gọi Ukraine và Nga kiềm chế khi giao tranh leo thang ở khu vực Kursk của Liên bang Nga, nơi có một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của nước này.

Tổng thống Ukraine Zelensky và các quan chức Ukraine cho biết mục đích chính của đợt tấn công là gieo rắc nỗi sợ hãi trong người dân Nga nhằm giành lợi thế trong các cuộc đàm phán có thể với Moscow. Tuy nhiên, quy mô lực lượng, sức tấn công mạnh của Kiev đã khiến Nga phải lúng túng. Vậy sức mạnh đó của Kiev xuất phát từ đâu?

Theo tờ Politico, Ukraine đã phát động cuộc tấn công vào tỉnh Kursk là cuộc tấn công lớn nhất của họ vào lãnh thổ Nga kể từ khi xung đột nổ ra. Bộ Quốc phòng Nga ước tính vào thời điểm đó lực lượng của Ukraine tới 1.000 quân, nhiều xe tăng, xe bọc thép, gồm nhiều phương tiện do phương Tây cung cấp.

Còn Forbes thông tin cuộc tấn công có sự tham gia của "ít nhất ba lữ đoàn", mỗi lữ đoàn có tới 2.000 quân và được trang bị tốt nhất.

Đáng chú ý, theo kênh SHOT Telegram, lính đánh thuê Canada đang tham gia các trận chiến ở biên giới với tỉnh Kursk của Nga. Lữ đoàn Canada-Ukraine chiến đấu cùng với Quân đoàn Gruzia, tổng cộng có 300 chiến binh.

Marcus Faber, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức, nói không phản đối Ukraine sử dụng vũ khí Đức tấn công Nga. Tờ Bild đưa tin rằng, xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức được sử dụng ở tỉnh Kursk.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Peter Stano thì cho biết, EU "hoàn toàn ủng hộ quyền hợp pháp của Ukraine trong việc tự vệ", bao gồm "bằng cách tấn công kẻ xâm lược trên lãnh thổ của mình".

Lầu Năm góc cũng đồng tình với quan điểm này, nói rằng không có vấn đề gì với hoạt động này. "Nó phù hợp với chính sách của chúng tôi", người phát ngôn lầu Năm góc Sabrina Singh cho biết.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tiến công của Ukraine đã bị dừng lại. Bộ này cũng cho biết thêm rằng các cuộc không kích và tên lửa đã được thực hiện vào lực lượng dự bị của Ukraine bên kia biên giới. Bộ này ước tính Kiev thiệt hại lên tới 1.100 quân và 140 xe bọc thép.

Tổng Tham mưu trưởng Các Lực lượng Vũ trang Nga (VS RF) Valery Gerasimov cho hay, các lực lượng của Moscow đã chặn đứng bước tiến sâu hơn của quân đội Ukraine vào lãnh thổ Nga, đồng thời nhấn mạnh sẽ tái lập biên giới quốc gia.

Trên thực tế, việc lôi kéo sự chú ý của quân đội Nga để làm hao hụt các lực lượng của họ tại các mặt trận khác có thể là mục tiêu chính trong cuộc đột kích xuyên biên giới của Ukraine.

Kiev có lẽ đang cố gắng "chuyển hướng sự chú ý của Nga và quân đội nước này đóng tại phía Đông Ukraine", nhà quan sát Emmanuelle Chaze thuộc France 24 dẫn các nguồn tin Ukraine cho hay.

Giới quan sát đang theo dõi sát sao và có những đánh giá, nhận định việc Kiev tấn công sang lãnh thổ Nga. Bày tỏ lo ngại xung đột có thể thêm căng thẳng, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng chính sự can dự ngày càng sâu của Mỹ và phương Tây đã làm xung đột Nga- Ukraine thêm phức tạp và khó lường.

Có thể bạn quan tâm

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

(GLO)- Hãng tin Reuters ngày 15/11 đưa tin Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung, thừa nhận Đức phải thay đổi mức chi tiêu để ứng phó với "tình trạng khẩn cấp về tài chính" do xung đột ở Ukraine gây ra, sau khi phe đối lập trung hữu đề cập chính sách "phanh nợ".