Dự buổi lễ có các đồng chí: Trương Hoà Bình-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Ksor Phước-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; Trần Trọng Dũng-Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải; Lê Thanh Hưng-Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng-Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Về phía lãnh đạo tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo Hội Nhà báo, cơ quan báo chí các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên.
Các đại biểu dự lễ trao Giải Báo chí Tây Nguyên lần thứ I-2023. Ảnh: Đức Thuỵ |
Đây là lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải Báo chí khu vực Tây Nguyên nhằm tạo sân chơi cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí trong khu vực. Đồng thời, ghi nhận, động viên, khen thưởng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên… có tác phẩm báo chí chất lượng viết về Tây Nguyên.
Phát biểu tại lễ trao giải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Phụ trách UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Hội Nhà báo Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Báo Người Lao Động cùng các đại biểu và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, những người làm báo khu vực Tây Nguyên đã đóng góp cho sự thành công của chuỗi hoạt động tại lễ trao giải Báo chí Tây Nguyên lần thứ I-2023.
Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Phụ trách UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Đức Thụy |
"Trong thời gian qua, Gia Lai đã nhận được sự đồng hành của Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ người làm báo. Chúng tôi luôn trân trọng đón nhận những tình cảm đó, đặc biệt là chương trình trao tặng cờ Tổ quốc rất ý nghĩa của Báo Người Lao động; qua đây giúp cho các em học sinh, người dân nhất là bà con vùng biên giới ý thức hơn, tự hào hơn trong việc bảo vệ vùng biên cương lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với các công ty tại tỉnh Gia Lai đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh"-Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Phụ trách UBND tỉnh cũng hy vọng ngoài hoạt động giải báo chí thường niên, tỉnh Gia Lai mong muốn Hội Nhà Báo Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển, giàu mạnh. Cùng với đó, thông qua hoạt động trao giải báo chí lần này, đội ngũ phóng viên, nhà báo tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, đóng góp ý kiến xây dựng tỉnh, đồng thời lan tỏa hình ảnh, con người Gia Lai rộng rãi hơn nữa.
Sau thời gian phát động, Ban tổ chức Giải Báo chí Tây Nguyên đã nhận được 250 tác phẩm dự thi của nhà báo, phóng viên, hội viên, phóng viên thường trú đang công tác tại Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí khu vực Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Báo Người Lao Động trao tặng 5.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình "Cờ Tổ quốc biên cương" cho tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thuỵ |
Theo đánh giá, các tác phẩm dự giải có nội dung phong phú gắn với lợi ích của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; nhiều tác phẩm dự giải đề cập tới chủ đề văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó, nhiều tác phẩm đã đi sâu khai thác và ghi nhận những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng như cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên về việc giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Các tác phẩm còn phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào các dân Tây Nguyên như: đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa buôn làng; đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; phổ cập văn hóa, xóa mù chữ,... Bên cạnh đó, một số tác phẩm viết về gương người tốt, việc tốt; gương làm kinh tế giỏi, góp phần lan tỏa hình ảnh, con người Tây Nguyên luôn năng động, hết mình vì cộng đồng trên các loại hình báo chí.
Ban tổ chức trao giải nhất loại hình báo in-báo điện tử cho đại diện Báo Lâm Đồng. Ảnh: Đức Thụy |
Các tác phẩm tham dự giải có chất lượng khá tốt về nội dung và hình thức. Có nhiều đề tài độc đáo, giàu hình ảnh, âm thanh hiện trường, tiếng động nhân vật, tiếng động nền, âm nhạc... khá sinh động, sâu lắng, có sự đầu tư với nội dung phong phú.
Tại chương trình, ông Trần Trọng Dũng-Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải-bày tỏ mong muốn: Các cấp Hội địa phương, các cơ quan báo chí khu vực Tây Nguyên tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các tác phẩm, các tuyến bài trọng điểm, với hình thức thể hiện đa dạng, phong phú và sức lan tỏa tích cực. Đồng thời, chuyển tải được yêu cầu của Đảng, Nhà nước cũng như phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ địa phương, mong muốn của Nhân dân.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam mong các tòa soạn chú trọng định hướng và triển khai tích cực những đề tài báo chí về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; thông tin báo chí cách mạng phải thực sự trở thành dòng thông tin chủ lưu trong không gian số. Trong đó, chú trọng thúc đẩy tất cả yếu tố trong các giai đoạn của chuyển đổi số báo chí, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trên các nền tảng số và đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, quan tâm nghiên cứu công chúng và các hình thức sản phẩm có sức hấp dẫn, khả năng tương tác cao, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, nhất là giới trẻ.
Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch (bìa trái) và Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai Ksor H'Bơ Khắp (bìa phải) trao giải Nhất loại hình Phát thanh-Truyền hình cho nhóm tác giả thuộc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Kon Tum. Ảnh: Đức Thụy |
Phát biểu tại buổi lễ, bà Đỗ Thị Thu Hằng-Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam-nhận định: “Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh, định hướng dư luận, nâng cao nhận thức, tham gia truyền cảm hứng, là nhân tố quan trọng trong giải quyết các vấn đề của khu vực Tây Nguyên. Thời gian qua, báo chí đã và đang làm tốt công tác thông tin những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên; đồng thời, phản ánh vấn đề môi trường và phát triển nóng làm thoái hóa đất đai, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên dần bị mai một… Từ đó, đưa ra các thông điệp cảnh báo, có tính giáo dục cao nhằm phản ảnh và thúc đẩy các tiến trình xã hội để giải quyết những vấn đề đang tồn tại.
Thông qua tác phẩm báo chí dự giải lần này, các tác giả, nhóm tác giả đã thể hiện bản lĩnh, sự dấn thân, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh kịp thời, sinh động những thành tựu to lớn của khu vực. Đồng hành cùng với chính quyền, doanh nghiệp, người dân trong khu vực nhằm tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn”.
Trong 101 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Hội đồng chấm giải đã chọn ra 22 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm: 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Theo đó, tại thể loại Báo in - Báo Điện tử, giải Nhất thuộc về loại bài 4 kỳ “Trước 3 chữ “biến”- kiến tạo thế nào?" của tác giải Võ Văn Việt, Báo Lâm Đồng; tại thể loại Phát thanh - Truyền hình, giải Nhất thuộc về ký sự 3 kỳ “Từ cột mốc ba biên” của nhóm tác giả Đặng Văn Hiển, Trần Quang Mẫn- Đài Phát thanh- truyền hình tỉnh Kon Tum.
Tham gia Giải Báo chí Tây Nguyên lần thứ I năm 2023, Báo Gia Lai đạt 1 giải Ba với loạt bài 4 kỳ “Ấm no theo những vườn cao su” của của nhóm tác giả: Vĩnh Hoàng, Nguyễn Diệp, Huỳnh My.
Nhà báo Nguyễn Vĩnh Hoàng (thứ 2 từ trái sang), đại diện nhóm tác giả của Báo Gia Lai nhận giải Ba với loạt bài 4 kỳ “Ấm no theo những vườn cao su” tại Giải Báo chí Tây Nguyên lần thứ I-2023. Ảnh: Đức Thuỵ |
Loạt bài tập trung phản ánh quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi quyết định đưa cây cao su lên trồng trên đất Tây Nguyên. Đồng thời ghi lại quá trình hình thành và phát triển của cây cao su trên địa bàn Tây Nguyên. Tác phẩm đã phác họa những đóng góp của cây cao su đối với việc nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở hạ tầng. Cây cao su trồng đến đâu thì cơ sở hạ tầng cụm dân cư được xây dựng đến đó, tạo thành vành đai sống trong việc đảm bảo quốc phòng-an ninh của các địa phương.
Tác phẩm cũng tập trung khắc họa, phản ánh sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên, góp phần “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, từng bước nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
Tiếp nối thành công Giải lần thứ I, Ban tổ chức tiếp tục phát động Giải báo chí khu vực Tây Nguyên lần thứ II trong năm 2025 với 4 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình). Qua đây, Ban tổ chức cũng hy vọng Giải tiếp tục thu hút đội ngũ những người làm báo trong khu vực Tây Nguyên tích cực tham gia, nâng tầm Giải trở thành một thương hiệu có sức hấp dẫn, uy tín và lan toả sâu rộng, tạo sân chơi bổ ích không chỉ cho đội ngũ hội viên, nhà báo khu vực Tây Nguyên mà còn cả những người làm báo trong cả nước.
Ông Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao nón bảo hiểm Hội An toàn giao thông Việt Nam phía Nam cho các em học sinh nghèo của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thuỵ |
Nhân dịp này, Báo Người Lao Động trao tặng 5.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình "Cờ Tổ quốc biên cương" cho tỉnh Gia Lai và trao 100 triệu đồng học bổng hỗ trợ học sinh DTTS, học sinh nghèo vượt khó. Bên cạnh đó, Hội An toàn giao thông Việt Nam phía Nam, Giao thông 24h cũng trao tặng 300 nón bảo hiểm cho các em học sinh tại tỉnh Gia Lai.