Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 23-5, tại TP. Pleiku, đoàn công tác Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh có buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa Gia Lai nhằm khảo sát xác định rõ nhu cầu và khả năng tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật để lập kế hoạch hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho đơn vị thời gian tới.

Đây là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác phát triển trong lĩnh vực y tế giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2024-2025. Dự buổi làm việc có bác sĩ CKII Lý Minh Thái-Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, lãnh đạo và đại diện các khoa, phòng trực thuộc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Tại buổi làm việc, đoàn công tác Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh đã nghe báo cáo về hoạt động, công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai nói chung, Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân nói riêng và nhu cầu được chuyển giao các kỹ thuật. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai là bệnh viện hạng II với 800 giường bệnh kế hoạch nhưng thực kê 1.047 giường. Bệnh viện hiện có 8 phòng chức năng, 30 khoa; tổng số cán bộ, viên chức là 887 người.

Về Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân được thành lập theo Quyết định số 538/QĐ-SYT ngày 6-6-2016 của Giám đốc Sở Y tế Gia Lai và chính thức đi vào hoạt động ngày 1-1-2017. Khoa biên chế 40 giường bệnh, thực kê 48 giường; có 22 cán bộ viên chức; trong đó có 6 bác sĩ. Trong năm 2023, khoa tiếp nhận và điều trị nội trú cho 1.692 bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh đạt 188%. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 10 bệnh ung thư thường gặp gồm: Ung thư Gan, phổi, đại tràng, dạ dày, vú, trực tràng, buồng trứng, bàng quang, thực quản và tuyến giáp.

Trước nhu cầu điều trị lĩnh vực ung bướu và y học hạt nhân rất cao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai mong muốn được Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ đào tạo ung thư cơ bản cho 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng; đào tạo ung thư nâng cao cho 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng; đào tạo và chuyển giao kỹ thuật FNA/SA và Core biopsy bướu, hạch, phần mềm; hội chẩn online Lame (những ca hiếm gặp, khó, phân vân…); nhuộm và chẩn đoán hóa mô miễn dịch; hỗ trợ xây dựng, thực hiện mô hình, kỹ thuật tầm soát phát hiện sớm 10 loại ung thư thường gặp nêu trên; hỗ trợ xây dựng, thực hiện mô hình chăm sóc giảm nhẹ tại nhà; hỗ trợ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật ung thư: Vú, tuyến giáp, đại trực tràng; tầm soát ung thu cổ tử cung, quy trình, kỹ thuật phẫu trị; hội chẩn trực tuyến cho các ca bệnh nặng…Bên cạnh đó, hỗ trợ xét nghiệm đối với các xét nghiệm sinh học phân tử trong thời gian Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai chưa triển khai được và đào tạo kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị ung thư cho 2 kỹ thuật viên.

Ngoài nội dung làm việc trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác phát triển, dịp này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai xin Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh tham vấn thêm về khu xạ trị cũng như đào tạo nhân lực về xạ trị cho ngành Y tế tỉnh Gia Lai.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh và lãnh đạo 2 đơn vị bệnh viện chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh và lãnh đạo 2 đơn vị bệnh viện chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Ghi nhận các kiến nghị đề xuất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn-Quyền Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ hỗ trợ và giúp đỡ về chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong thời gian tới theo khả năng và nhu cầu tiếp nhận của đơn vị một cách hiệu quả và thiết thực nhất. Trước mắt, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật về giải phẫu bệnh và chăm sóc giảm nhẹ để Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thể triển khai trong thời gian sớm nhất…Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn kiến nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên thành lập đơn vị chăm sóc giảm nhẹ tại Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân vì đây là mô hình cần thiết, mang tính nhân văn giúp chăm sóc và giảm nhẹ đau đớn cho các bệnh nhân ung thư nhất là khi giai đoạn cuối.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, số lượng bệnh nhân ung thư ngày càng gia tăng và có đến 81% bệnh nhân ung thư từ tuyến tỉnh chuyển đến Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh điều trị đã và đang gây ra sự quá tải cho đơn vị. Vì vậy, việc hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Gia Lai là việc làm thiết thực, ý nghĩa, giúp các đơn vị tuyến tỉnh dần làm chủ các kỹ thuật cao góp phần điều trị tại chỗ, giảm tình trạng chuyển tuyến, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.