Theo đó, thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) nhận được nhiều đơn tố giác tội phạm liên quan phương thức hoạt động sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt nổi lên tình trạng lợi dụng việc một số cơ quan nhà nước đang triển khai các phần mềm dịch vụ công trực tuyến, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tạo các ứng dụng “mạo danh” (có giao diện giống ứng dụng chính thống) cơ quan Nhà nước có tên Dịch vụ công, Phần mềm thuế, VnelD, Bộ Công an nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với tội phạm công nghệ cao. Ảnh minh họa |
Bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã mạo danh cơ quan chức năng như Thuế, Công an... gọi điện thoại tiếp cận, thao túng tâm lý và dẫn dụ người dùng cài đặt các ứng dụng “giả mạo” này trên điện thoại di động của họ. Khi ứng dụng “giả mạo” này được cài đặt, các đối tượng có khả năng chiếm quyền điều khiển và truy cập toàn bộ thông tin dữ liệu trên điện thoại từ xa, bao gồm thông tin ứng dụng, tài khoản ngân hàng, danh bạ, tin nhắn, hình ảnh, và thậm chí là mã OTP (One-Time Password).
Điều đáng chú ý là nếu trong điện thoại của nạn nhân có cài đặt các ứng dụng ngân hàng điện tử, đối tượng lừa đảo có thể chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của họ thông qua việc sử dụng các thông tin đã lấy được từ các ứng dụng “giả mạo”.
Để bảo vệ bản thân khỏi những mối đe dọa này, người dân cần nâng cao cảnh giác; tuyệt đối không truy cập các trang thông tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không tin cậy; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và các tài khoản khác của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh, diễn đàn trực tuyến; không cài đặt phần mềm từ các website lạ. Người dân chỉ cài đặt các phần mềm từ kho ứng dụng ChPlay, AppStore. Cần xác định rõ thông tin phần mềm định cài đặt, không cấp quyền đặc biệt hoặc các quyền không cần thiết cho các ứng dụng.
Người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn lạ, đặc biệt là liên quan tới cán bộ của các cơ quan nhà nước. Không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.
Cùng với đó, người dân cần cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm, ứng dụng, tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc, không nên lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại. Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh phòng ngừa.
Người dân cần cảnh giác trước tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh: CA cung cấp |
Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các nhóm đối tượng như trên, đồng thời tuyên truyền đến người dân biết, nâng cao tinh thần cảnh giác, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Gia Lai đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến tận quần chúng nhân dân biết phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm nêu trên, đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu phát hiện các đối tượng có thủ đoạn như trên đề nghị thông báo đến cơ quan Công an gần nhất hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Gia Lai (số 80 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) để phối hợp, xử lý.