Gia Lai:

Gia Lai: Tội phạm công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với việc sử dụng 8 phương thức, thủ đoạn ở những thời điểm khác nhau, tội phạm lừa đảo qua các trang mạng xã hội và viễn thông đã chiếm đoạt của người dân trên địa bàn Gia Lai hơn 80 tỷ đồng. Người dân cần cảnh giác trước loại tội phạm này, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Anh T.V.H. (trú tại xã An Phú, TP. Pleiku) kể: “Cách đây chừng 1 tuần, đang chạy xe từ nhà lên trung tâm thành phố xử lý công việc gia đình, tôi nhận được điện thoại của vợ hỏi đặt mua 10 lít mật ong làm gì khi nhà đang có sẵn mấy lít. Tôi phát hiện dấu hiệu lừa đảo nên bảo vợ từ chối nhận hàng ngay. Điều bất ngờ là khi gọi điện thoại cho vợ, chúng nói đúng tên tôi và bảo vợ nhận mật ong đặt mua, chuyển số tiền lớn thay cho chồng. Từ số điện thoại vợ cung cấp, tôi gọi nhưng các đối tượng lừa đảo không bắt máy. Không chỉ tôi mà một số người bạn của tôi cũng mắc bẫy lừa đảo với hình thức này”.

Một đối tượng bị Công an Gia Lai bắt tháng 4-2023 vì sử dụng máy BTS phát tin nhắn rác với mục đích lừa đảo. Ảnh: CA cung cấp

Một đối tượng bị Công an Gia Lai bắt tháng 4-2023 vì sử dụng máy BTS phát tin nhắn rác với mục đích lừa đảo. Ảnh: CA cung cấp

Trái với anh T.V.H., ông N.V.P. (trú tại TP. Pleiku) bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng thông qua app hẹn hò. Theo trình bày của ông P. với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) thì: Trong khi lướt mạng xã hội facebook tìm thông tin giải trí, thấy quảng cáo app “em út”, ông đã cài đặt trên máy điện thoại. Sau đó, ông P. được một người hướng dẫn lập tài khoản để hẹn hò. Người này yêu cầu ông P. phải nộp 999.000 đồng vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp và hướng dẫn ông chọn một người phụ nữ cần hẹn hò trên app. Khi ông P. đặt vấn đề gặp mặt thì đối tượng này yêu cầu phải đóng tiền mua thẻ VIP mới được gặp. Tiếp đó, ông P. được hướng dẫn thực hiện 4 bước để hẹn hò. Cụ thể, bước 1 yêu cầu nộp 578.000 đồng, bước 2 nộp 399.000 đồng, bước 3 nộp tiền hơn 2,1 triệu đồng và bước 4 nộp hơn 10 triệu đồng.

Sau khi hoàn thành, ông P. vẫn không được hẹn hò vì đối tượng trên app này đưa ra lý do “làm sai yêu cầu, sai nội dung chuyển khoản”… và yêu cầu ông P. tiếp tục nộp tiền để nhận thẻ VIP thì mới được nhận lại số tiền đã chuyển khoản. Vì muốn lấy lại tiền đã nộp, ông P. đã chuyển khoản hơn 10 lần với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng. Khi không còn khả năng tài chính, nghi ngờ bị lừa nên ông P. đã đi trình báo cơ quan chức năng. Cơ quan Công an xác định đây là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi mới ở Gia Lai nhưng cũ ở các địa phương khác trong nước.

Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận 200 tin báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, viễn thông với số tiền hơn 80 tỷ đồng. Công an tỉnh đã đấu tranh, làm rõ 8 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với 12 bị can. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua mạng là do tâm lý chủ quan của người dân, đối tượng lừa đảo ở nước ngoài kết hợp với người Việt trong nước thực hiện hành vi lừa đảo. Người dân thì quản lý tài khoản của mình tại các ngân hàng chưa chặt chẽ…

Lợi dụng sơ hở này, tội phạm sử dụng 8 phương thức, thủ đoạn chính để lừa đảo là: Sử dụng cuộc gọi đa sim, mỗi lần 1 số khác nhau giả mạo cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm soát đe dọa bị hại có liên quan đến vụ án rồi yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp mã OTP để chiếm đoạt tiền trong ngân hàng; chạy quảng cáo tuyển cộng tác viên bán hàng trên các trang mạng xã hội, lập trang facebook, zalo, website giả mạo nhãn hàng, thương hiệu bán hàng rồi chuyển số tiền cho đơn nhỏ và thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền lớn. Chúng kết bạn, làm quen qua mạng xã hội với phụ nữ đơn thân, trẻ em đến lúc thân thiết gửi quà tặng rồi yêu cầu chuyển tiền để được nhận quà; chiếm đoạt tài khoản facebook, zalo…; thực hiện cuộc gọi có sử dụng công nghệ AI để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giả các sàn giao dịch tiền ảo để dụ dỗ đầu tư với lợi nhuận cao rồi chiếm đoạt tài sản; giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của ngân hàng hỏi thăm, đề nghị cung cấp mã OTP rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền trong tài khoản; giả danh Công an phường gọi điện làm căn cước công dân mức độ 2 rồi yêu cầu tải vào app giả mạo có chứa phần mềm độc hại về máy điện thoại, tiếm đoạt quyền sử dụng máy và ăn cắp thông tin cá nhân; chiếm đoạt tài sản bằng hình thức cho vay tiền nhanh qua các app.

Người dân cần cảnh giác trước tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh: CA cung cấp

Người dân cần cảnh giác trước tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh: CA cung cấp

Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết: Tùy theo thời điểm mà các đối tượng lừa đảo sử dụng phương thức, thủ đoạn khác nhau. Vì vậy, người dân cần tránh tâm lý chủ quan. “Bà con tuyệt đối không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân, thông tin về số điện thoại, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội cũng như tên đăng nhập, mật khẩu của tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức không quen biết. Khi có nhu cầu ứng tuyển việc làm vào các cơ quan, tổ chức cần nắm rõ thông tin đơn vị, trang web chính thức, hình thức, quy định tuyển dụng. Cũng không nên hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn gửi đến có nội dung thông báo liên quan đến vụ việc, vụ án. Khi sử dụng mạng xã hội không kết bạn làm quen với người lạ, không tham gia các hội nhóm do các đối tượng không quen biết giới thiệu. Ngoài ra, người dân tuyệt đối không truy cập các đường link, ứng dụng giả mạo, không rõ nguồn gốc và tuyệt đối không đóng các khoản phí không rõ ràng, minh bạch theo yêu cầu của đối tượng đưa ra. Đối với trường có người mượn tiền, chuyển tiền phải yêu cầu người đó gặp hoặc điện thoại trực tiếp và cẩn thận với các cuộc gọi video. Khi nghi ngờ là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khẩn trương liên hệ ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết”-Thượng tá Sơn khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm

Chư Pưh tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ

Chư Pưh tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ

(GLO)- Hội đồng tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ (Công an huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) vừa tổ chức tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ do người dân giao nộp và thu được trong quá trình đấu tranh, xử lý đối với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Krông Pa tổ chức phiên tòa giả định xét xử bạo lực học đường và bạo lực gia đình

Krông Pa tổ chức phiên tòa giả định xét xử bạo lực học đường và bạo lực gia đình

(GLO)- Trong 2 ngày (7 và 8-12), Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Huyện đoàn, Viện kiểm sát nhân dân huyện, Tòa án nhân dân huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án hình sự về bạo lực học đường tại xã Ia Dreh và bạo lực gia đình tại xã Ia Rsai.