Gia Lai phấn đấu xây dựng 6 trường học điển hình cấp tỉnh về môi trường ngoại ngữ trong năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch xây dựng môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ (môi trường ngoại ngữ) năm 2024.

Theo đó, ngành Giáo dục đề ra mục tiêu cụ thể là tiếp tục tổ chức các hoạt động xây dựng môi trường ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường; hoạt động giao tiếp tiếng Anh các cấp; đồng thời, xây dựng các trường học điển hình về môi trường ngoại ngữ cấp tỉnh và tại các trường phổ thông.

Trong đó, có 6 trường học điển hình cấp tỉnh (2 trường tiểu học, 2 trường THCS, 2 trường THPT) và ít nhất 15 trường học điển hình tại đơn vị.

Học sinh tham gia Cuộc thi “Tài năng tiếng Anh” trong học sinh phổ thông tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2023. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh tham gia Cuộc thi “Tài năng tiếng Anh” trong học sinh phổ thông tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2023. Ảnh: Mộc Trà

Nội dung xây dựng môi trường ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường bao gồm: tổ chức lễ phát động thực hiện phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường dạy học và sử dụng tiếng Anh; xây dựng các hoạt động sử dụng tiếng Anh, chú trọng các hoạt động giao tiếp tiếng Anh cấp trường, liên trường và cấp huyện, cấp tỉnh; tham gia các hoạt động xây dựng môi trường ngoại ngữ như: Kỳ thi tiếng Anh trên Internet (IOE), cuộc thi “Tài năng tiếng Anh” trong học sinh phổ thông, Hội thi Olympic tiếng Anh...

Ngoài ra, khuyến khích tổ chức dạy học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại các trường trung học có đủ điều kiện; phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ để tổ chức dạy học tiếng Anh giao tiếp với người bản ngữ, hỗ trợ phát triển các kỹ năng nghe-nói, tạo điều kiện phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho học sinh; huy động nguồn lực từ các chuyên gia, các diễn giả để truyền cảm hứng và khích lệ việc học tập tiếng Anh trong và ngoài nhà trường.

Đối với việc xây dựng trường học điển hình về môi trường ngoại ngữ, các trường cần xây dựng câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo chủ đề gần gũi với cuộc sống, phù hợp với năng lực của học sinh và nội dung chương trình của môn học; thực hiện trang trí phòng học bộ môn (nếu có) hoặc các lớp học lý thuyết sinh động, thiết thực nhằm khích lệ học sinh yêu thích môn Tiếng Anh và đưa tiếng Anh vào các hoạt động hàng ngày tại trường học. Đồng thời, tổ chức và phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh để xây dựng môi trường ngoại ngữ thông qua việc mời các giáo viên, chuyên gia người bản ngữ trong tổ chức giao lưu, ngoại khóa tiếng Anh cấp trường, liên trường.

Tại Kế hoạch này, Sở GD-ĐT cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể cho cấp Sở, phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm ngoại ngữ để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2024.

Được biết, kinh phí thực hiện Kế hoạch được trích từ nguồn ngân sách địa phương, kinh phí của các cơ sở giáo dục và nguồn huy động hợp pháp khác (xã hội hóa giáo dục).

Có thể bạn quan tâm

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

(GLO)- Sáng 27-10, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công Chung kết cuộc thi Olympia cấp trường năm học 2024-2025. Chương trình được triển khai dựa trên Format của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên kênh VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam.