Xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 49 năm kể từ ngày Gia Lai hoàn toàn giải phóng (17/3/1975-17/3/2024) song tiếng vọng từ lịch sử vẫn mãi là niềm tự hào, là hành trang để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh vững bước đi lên, chung tay xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên.

Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng

Những ngày đầu tháng 3 lịch sử, cán bộ, đảng viên Báo Gia Lai đã có dịp về thăm lại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là cơ quan đầu não, là “trái tim” của phong trào cách mạng tỉnh nhà.

Nhờ sự đùm bọc, chở che của đồng bào các dân tộc trong vùng căn cứ, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.

Các cán bộ, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy qua các thời kỳ thăm lại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Lam Nguyên

Các cán bộ, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy qua các thời kỳ thăm lại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Lam Nguyên

Chịu hậu quả nặng nề của bom đạn chiến tranh nên sau ngày giải phóng, cuộc sống của bà con khu căn cứ giữa bạt ngàn núi rừng đã gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, được Đảng, Nhà nước quan tâm, với tinh thần đoàn kết, tính cần cù, chịu khó, đồng bào Bahnar nơi đây đã không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Ông Đinh Ních-Bí thư Đảng ủy xã Krong-thông tin: Năm 2023, xã đã giảm 70 hộ nghèo (đạt 111,4% kế hoạch), phấn đấu trong năm nay giảm thêm 75 hộ nghèo. Về cơ sở hạ tầng, tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã, từ xã đến 10 thôn, làng đều được mở rộng và bê tông hóa; hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân; 99% hộ sử dụng điện lưới; 98% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Xã đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM); có 1 làng đạt chuẩn NTM năm 2019 và phấn đấu đến năm 2025 có thêm 1 làng về đích NTM theo tinh thần Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đặc biệt, người dân các làng đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất và thực hiện nếp sống văn minh. Các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi đã được xóa bỏ; bà con chủ động tiếp cận với giống cây trồng mới, mạnh dạn vay vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế gia đình. Toàn xã hiện gieo trồng 1.316 ha lúa, bắp, mì; 1.015 ha rau, đậu các loại; 415 ha cà phê; 294 ha mắc ca, 35 ha mía...

Ông Đinh Trú (làng Đak Bok, xã Krong) chia sẻ: “Với 8 ha đất sản xuất, trước đây, mình trồng lúa rẫy. Đất dốc nên dễ bị xói mòn. Năm thu cao nhất là 50 bao lúa, sau đó thì giảm dần. Sau đó, mình học theo hộ sản xuất giỏi, vay vốn đầu tư trồng 300 cây mắc ca xen với 2 ha cà phê. Năm nay, cà phê bắt đầu cho thu hoạch bói, cây mắc ca phát triển xanh tốt. Diện tích còn lại mình hợp tác với 1 hộ trong làng trồng keo lai. Mình phải thay đổi, phải chịu khó lao động thì cuộc sống mới khá lên được, còn lười biếng thì chỉ nghèo mãi thôi”.

Anh Đinh Trú (giữa) trao đổi kỹ thuật trồng cà phê với người dân trong làng. Ảnh: P.D

Anh Đinh Trú (giữa) trao đổi kỹ thuật trồng cà phê với người dân trong làng. Ảnh: P.D

Diện mạo, đời sống người dân xã Ia Mơ (huyện Chư Prông) cũng “thay da đổi thịt” từng ngày. Già làng Rơ Lan Hlết (làng Klăh) kể: “Nhiều năm sau giải phóng, tôi cùng với 6 bạn trẻ của xã được cử đi học bổ túc văn hóa. Mỗi lần từ huyện về thăm nhà hoặc từ nhà ra huyện, tôi đi bộ đến 2 ngày, 1 đêm. Mà chỉ đi bộ vào mùa khô, còn mùa mưa thì chịu. Vì đường mòn trơn trượt, đêm phải ngủ rừng, rắn rết rất nguy hiểm. Giờ hộ nghèo thì còn chứ đói thì không. Nhà nào cũng có xe máy, cứ bình quân 5 gia đình thì có 1 chiếc máy cày phục vụ sản xuất”.

Cũng theo già làng Klăh, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp tỉnh lộ 665, đường liên xã từ Ia Ga vào Ia Mơ tạo thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển kinh tế-xã hội. Công trình hồ thủy lợi Ia Mơr được đầu tư xây dựng giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế. Từ canh tác lúa rẫy, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng lúa nước 2 vụ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuấn Anh cho hay: Vụ Đông Xuân 2022-2023, tổng diện tích gieo trồng toàn xã là 134,88 ha, nhiều nhất ở 2 làng Ring và Klăh. Vụ Đông Xuân năm nay, diện tích gieo trồng toàn xã là 318 ha, trong đó, làng Ring 103 ha, làng Khôn 135 ha, làng Klăh 70 ha, làng Hnap 10 ha.

Người dân xã Ia Mơ (huyện Chư Prông) từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi sang trồng lúa nước hai vụ. Ảnh: P.D

Người dân xã Ia Mơ (huyện Chư Prông) từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi sang trồng lúa nước hai vụ. Ảnh: P.D

Tại xã Đất Bằng-xã vùng sâu của huyện Krông Pa, không chỉ cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất được chú trọng đầu tư mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được cải thiện rõ rệt.

Ông Rô Krik-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Đến nay, 98% tuyến đường nội thôn đã được bê tông hóa; 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các chương trình mục tiêu quốc gia đem lại sự thay đổi nhiều mặt cho các thôn, buôn. Năm 2023, tuyến đường dài 985,79 m ra khu sản xuất tập trung ở buôn Ma Giai đã được bê tông hóa; đường giao thông ở buôn Ia Rnho cũng được duy tu, bảo dưỡng. Nhiều hộ dân được hỗ trợ để xóa nhà dột nát và tạo sinh kế để thoát nghèo.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngày 10-8-1947, tại buôn Ma Hing (xã Đất Bằng), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện H2 được thành lập. Ảnh: Đ.T

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngày 10-8-1947, tại buôn Ma Hing (xã Đất Bằng), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện H2 được thành lập. Ảnh: Đ.T

Vững bước đi lên

Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã tiếp tục lập nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng và phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2023 (theo giá so sánh năm 2010) tăng 3,02% so với năm 2022; GRDP bình quân đầu người đạt 59,08 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt 5.575,3 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các dự án đầu tư không ngừng tăng lên cả về số lượng lẫn quy mô (năm 2023 có 35 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.880 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2022). Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa... tiếp tục có những chuyển biến tích cực; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương được quan tâm.

Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện đồng bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 8,11%.

Hiện nay, TP. Pleiku và 2 thị xã An Khê, Ayun Pa đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 91 xã và 141 thôn, làng đạt chuẩn NTM (trong đó 116 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số).

Thành phố Pleiku ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Đ.T

Thành phố Pleiku ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Đ.T

Để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, TP. Pleiku đã triển khai thực hiện hàng loạt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, hệ thống thoát nước; duy trì và quản lý hệ thống cây xanh, hoa viên, công viên, thảm xanh nội thành...

Bên cạnh đó, thành phố phát huy tốt nguồn lực xã hội hóa, vận động người dân tham gia đóng góp mở rộng các tuyến đường, lát đá vỉa hè, lắp điện chiếu sáng... làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hiện đại, bản sắc, xứng đáng với vai trò, vị trí ở trung tâm phát triển.

Gần 60 năm gắn bó với Pleiku, chứng kiến từng giai đoạn đổi thay của đô thị, ông Trần Chín-Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh-phấn khởi chia sẻ: Chưa nói đến ngoại ô mà nhiều tuyến đường nội thị trước kia cũng khiến người dân e ngại mỗi khi ngang qua vào buổi tối. Khi đó, nhà cửa thưa thớt, cây cối um tùm, đường sá nhỏ hẹp, an ninh phức tạp.

Còn bây giờ, phố xá nhộn nhịp, đường sá thông thoáng, xe cộ tấp nập, nhà cửa san sát, nhiều cây xanh... Đáng mừng hơn nữa, tỉnh, thành phố dành sự quan tâm, đầu tư cho các công trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tri ân đối với người có công.

Còn ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông thì cho hay: Trên địa bàn huyện có 8/19 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có các xã từng là căn cứ cách mạng như: Ia Phìn, Ia Boòng, Ia Tôr. Huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ xác định tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Cụ thể là tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; nhân rộng các mô hình giảm nghèo, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi... tại các xã biên giới, xã căn cứ cách mạng.

Di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ luôn được chính quyền địa phương quan tâm giữ gìn, phát huy. Ảnh: Đ.T

Di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ luôn được chính quyền địa phương quan tâm giữ gìn, phát huy. Ảnh: Đ.T

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức ngày 17-1-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Gia Lai nằm ở cửa ngõ phía Bắc vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội, là một trong những trung tâm kết nối giao thông của các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và các nước Lào, Campuchia.

Địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa và nhiều thắng cảnh thiên nhiên được mệnh danh là kiệt tác giữa đại ngàn đã đem đến cho Gia Lai những lợi thế riêng để phát triển nhanh và bền vững dựa vào hệ sinh thái với các trụ cột kinh tế nông-lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

“Với thành tựu và nền tảng được tạo lập, cùng truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và khát vọng vươn lên của Nhân dân, chúng ta tin tưởng Gia Lai sớm trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia”-Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

(GLO)- Sáng 20-11, đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm Trường đoàn đã giám sát 2 thôn, làng của xã Chư Don và làm việc với UBND huyện Chư Pưh về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.