Pleiku: Người dân phá rừng thông để làm rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, nhiều hộ dân tại xã Gào và xã Ia Kênh (TP. Pleiku) đã “bức tử” hàng ngàn cây thông thuộc lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Bắc Biển Hồ để lấy đất làm rẫy.
Ngày 6-11, ông Nguyễn Tất Thành-Phó Trưởng ban phụ trách Ban QLRPH Bắc Biển Hồ cho hay, đơn vị này đang phối hợp với UBND xã Gào và UBND xã Ia Kênh tiến hành thu hồi đất rừng bị người dân lấn chiếm để canh tác. Theo đó, đợt này, Ban QLRPH Bắc Biển Hồ sẽ thu hồi 19,1 ha đất rừng thông bị người dân lấn chiếm. “Thời gian qua, chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại cây rừng để chiếm đất canh tác. Tuy nhiên, người dân vẫn lén lút thực hiện. Lần này, đơn vị sẽ có biện pháp quyết liệt, có thể phối hợp với các cơ quan, ban ngành cưỡng chế thu hồi đất để các hộ dân khác không tái phạm tương tự”-ông Thành nói.
 Một cây thông có đường kính hơn 50 cm bị đốn hạ. Ảnh: Văn Ngọc
Một cây thông có đường kính hơn 50 cm bị đốn hạ. Ảnh: Văn Ngọc
Cũng theo ông Thành, Ban QLRPH Bắc Biển Hồ gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, ngăn chặn người dân phá rừng để lấy đất làm rẫy. Bởi lẽ, diện tích rừng của đơn vị quản lý lớn, trong khi  tập quán phá rừng làm rẫy của người dân vẫn chưa thể xóa bỏ được. Theo ghi nhận của P.V, khu vực rừng thông dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn tránh TP. Pleiku qua địa bàn xã Gào đang bị người dân xâm hại nghiêm trọng. Xen giữa những cánh rừng thông còn xanh tốt là từng mảng rừng héo khô, nham nhở.
Đặc biệt, tại các khu vực cạnh rẫy của người dân, nhiều cây thông có dấu hiệu bị chặt phá. Nhiều thân cây đã mục rữa trên nền đất hoặc bị đốt cháy nham nhở, một số khác thân cây còn mới chứng tỏ rừng thông bị chặt phá trong một thời gian dài. Tại nhiều khu vực, người dân đã đào hố trồng cà phê ngay bên cạnh những cây thông còn xanh tốt. Vì người dân lấn chiếm đất trong một thời gian dài, mỗi năm lấn một ít nên cây cà phê cũng có độ tuổi khác nhau. Cùng một thửa đất nhưng càng về phía gần rừng thông thì cây cà phê càng nhỏ. Theo Ban QLRPH Bắc Biển Hồ, số thông này đều đã trồng trên 25 năm và cây có đường kính 30-60 cm.
Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Gào-cho biết: “Lâu nay, xã vẫn tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân nhưng vẫn chưa thay đổi hoàn toàn được tập quán phá rừng làm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”. Cũng theo ông Thanh, năm 2017, một đối tượng tại địa bàn xã đã bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù về tội hủy hoại rừng. Ngoài ra, UBND xã cũng đã nhiều lần xử phạt hành chính đối với những người dân có hành vi phá hoại rừng thông. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm quyết liệt hơn nữa, có thể sẽ cưỡng chế để thu hồi lại đất rừng và răn đe với những người dân khác”-ông Thanh nói.   
Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.