Pleiku: Khó triển khai mô hình bác sĩ gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo kế hoạch, giai đoạn 2019-2020, Sở Y tế sẽ nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi cấp huyện, sau năm 2020 sẽ nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Hiện nay, một số trạm y tế trên địa bàn TP. Pleiku đã triển khai mô hình này nhưng gặp không ít khó khăn.
Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình đem lại nhiều lợi ích cho người dân trong khám-chữa bệnh. Cụ thể, người dân được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân và gia đình, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm tải bệnh viện. Để chủ động triển khai mô hình này, trong năm 2018, Sở Y tế đã phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo nguyên lý y học gia đình cho bác sĩ, nhân viên các trạm y tế trên toàn tỉnh. Dù vậy, việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 Y-bác sĩ Trạm Y tế phường Thống Nhất (TP. Pleiku) tư vấn sức khỏe cho người dân. Ảnh: N.N
Y-bác sĩ Trạm Y tế phường Thống Nhất (TP. Pleiku) tư vấn sức khỏe cho người dân. Ảnh: N.N
Tại Trạm Y tế phường Diên Hồng, dù các nhân viên đã được tham gia khóa đào tạo về nguyên lý y học gia đình nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Bác sĩ Huỳnh Thị Liên-Trưởng trạm Y tế phường-cho biết: Trạm có 1 bác sĩ và 6 nhân viên. Cuối năm 2018, bác sĩ và nhân viên tại trạm đã tham gia lớp đào tạo về nguyên lý y học gia đình bao gồm nữ hộ sinh, dược, đái tháo đường... (nhân viên học 1 tháng, bác sĩ học 3 tháng). Lớp do đội ngũ giảng viên đến từ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch giảng dạy. Tuy nhiên, theo bác sĩ Liên, do địa bàn thuận lợi, gần các bệnh viện nên khi có bệnh, người dân thường lên thẳng tuyến trên. Ngoài ra, đa số người dân có thẻ bảo hiểm y tế thường đăng ký khám-chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Do đó, theo quy định thanh toán của bảo hiểm y tế thì không được cấp thuốc tại trạm y tế xã, phường. Ngoài ra, trang-thiết bị sử dụng cho các xét nghiệm cận lâm sàng tại trạm còn thiếu… cũng là một trong số những nguyên nhân cơ bản khiến Trạm chưa thể triển khai thực hiện mô hình này.
“Tạo dựng niềm tin để người dân đến cơ sở y tế theo nguyên lý y học gia đình không phải là chuyện ngày một ngày hai. Trước hết, cần có sự thông thoáng trong cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế. Ví như người dân dù đăng ký khám-chữa bệnh tại tuyến trên nhưng nếu đến khám-chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường thì vẫn được cấp thuốc. Hoặc quy định những bệnh thông thường thì khám ở trạm y tế, những bệnh vượt quá khả năng thì mới chuyển tuyến để giảm tải cho y tế tuyến trên, góp phần triển khai thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm”-bác sĩ Liên nêu ý kiến.
Ngoài việc người dân chưa mặn mà với mô hình phòng khám bác sĩ gia đình thì vấn đề thiếu nhân lực, bác sĩ tại các trạm cũng là trở ngại trong việc triển khai mô hình này. Theo thống kê, hiện chỉ mới có 5/23 trạm y tế xã, phường trên địa bàn TP. Pleiku có bác sĩ. Bên cạnh đó, phòng khám bác sĩ gia đình còn là mô hình khá mới mẻ với đội ngũ y bác sĩ của các trạm y tế; hiện toàn tỉnh vẫn chưa có mô hình điểm để các trạm học tập kinh nghiệm. Do vậy, bước đầu triển khai mô hình này, hầu hết các trạm đều lúng túng.
Y sĩ Vũ Thị Nhẫn-Phó Trưởng trạm Y tế phường Tây Sơn-chia sẻ: “Theo tôi, để trạm y tế làm tốt việc triển khai nguyên lý y học gia đình thì cần xây dựng 1 trạm mẫu để học tập theo. Bởi lẽ, sau khi học xong kiến thức rất rộng mà thực hành lại không có nên triển khai rất khó. Thứ hai, cần tạo điều kiện để cho nhân viên các trạm y tế đều được đi học về nguyên lý y học gia đình”.
Tại TP. Pleiku, trong năm 2018, địa phương mới chỉ triển khai mô hình bác sĩ gia đình ở 12/23 trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, việc triển khai cũng mới chỉ dừng lại ở việc khám sàng lọc, quản lý các bệnh không lây nhiễm, chưa triển khai rộng rãi ở tất cả 6 nguyên lý cơ bản của y học gia đình theo đề án do Bộ Y tế ban hành.
Theo bác sĩ Đặng Phước Toàn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku, về mặt nhân lực, thành phố chỉ có 5 trạm có bác sĩ, các trạm khác được trung tâm hỗ trợ tăng cường nên bác sĩ không làm việc thường xuyên. Chính điều đó rất khó để thu hút bệnh nhân đến trạm. Ngoài ra, đa phần người dân mong muốn lên tuyến trên để được khám toàn diện hơn. “Trong năm 2019, chúng tôi sẽ làm điểm 1-2 trạm và sau đó sẽ nhân rộng mô hình này”-bác sĩ Toàn nói.
Theo Sở Y tế , năm 2019 là năm bản lề triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại tất cả các địa phương trong tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, để triển khai mô hình này một cách thuận lợi theo kế hoạch đề ra thì cần sớm tháo gỡ những “nút thắt” trong chính sách hỗ trợ, đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về lợi ích mà mô hình này mang lại.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Bộ Y tế công bố 21 loại thuốc giả

Bộ Y tế công bố 21 loại thuốc giả

Trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, Bộ Y tế thông báo trên toàn quốc không được kinh doanh, sử dụng những loại thuốc này.

Khám-chữa bệnh cùng chuyên gia: Tiện lợi cho người dân

Khám-chữa bệnh cùng chuyên gia, tiện lợi cho người dân

(GLO)- Hiện nay, người dân Gia Lai có thể khám bệnh với sự hỗ trợ từ các chuyên gia tuyến trên ngay tại tỉnh. Không chỉ khám bệnh, các chuyên gia còn tiến hành phẫu thuật các ca bệnh khó, phức tạp… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại tuyến tỉnh.

Rối loạn tâm thần gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội

Rối loạn tâm thần gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội

(GLO)- L.T.S: Tình trạng rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là giới trẻ phải điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần như: trầm cảm, stress, mất ngủ, rối loạn lo âu, loạn thần do rượu, ma túy…

305 nhãn hiệu sữa giả được đăng ký tại Hòa Bình, cán bộ y tế cũng phát hoảng

305 nhãn hiệu sữa giả được đăng ký tại Hòa Bình, cán bộ y tế cũng phát hoảng

Trong số 573 nhãn hiệu sữa bột giả mới được công bố có đến 305 nhãn hiệu được nộp hồ sơ tự công bố sản phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình. Một cán bộ Sở Y tế Hoà Bình cũng phải thốt lên đây là chuyện "khủng khiếp", người dân có quyền nghi ngờ có khuất tất.