Phước báo của người con lai mang hai án tù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Anh ơi tôi tìm được cha rồi. Tôi cảm ơn anh nhiều lắm…”, từ đầu dây bên kia, giọng ông nghẹn lại. Ông đã khóc òa vì vừa tìm được tông tích của người cha ở bên kia bán cầu sau hơn nửa thế kỷ đợi chờ trong vô vọng.
Ông tên là Nguyễn Việt Quốc, nhân vật trong loạt phóng sự Đời con lai Việt với bài Thất lạc cha mẹ 50 năm, đứng lên sau những lần tù tội đăng trên Thanh Niên Online đầu năm 2020.
Lật lại quá khứ
Có thể nói, cuộc đời của người con lai này như tiểu thuyết. Dù đã trải qua một đời giông bão, đau đớn vì sự lãng quên của bậc sinh thành, nhưng hơn 50 năm qua, người đàn ông sinh năm 1969 này vẫn không nguôi hy vọng tìm được cha mẹ mình.
Khi Quốc mới sinh ra đời thì mẹ bỏ luôn. Một người phụ nữ lớn tuổi thấy thương, đem Quốc về nuôi và sống chung với người con lai có cha khác. Sau này, ông gọi bà là ngoại nuôi. Cho đến bây giờ, ông Việt Quốc chưa hề gặp mẹ. Ký ức về người cha của ông rất mờ nhạt. Ông chỉ nghe ngoại nuôi nói ba là đại úy phi công, đóng quân ở sân bay dã chiến Chóp Chài hay Đông Tác gì đó thuộc tỉnh Phú Yên.
 
Trước đây ông Quốc luôn mang tâm trạng buồn vì thất lạc cả cha lẫn mẹ hơn 50 năm. Ảnh: Quang Viên
Trước đây ông Quốc luôn mang tâm trạng buồn vì thất lạc cả cha lẫn mẹ hơn 50 năm. Ảnh: Quang Viên
Sau năm 1975, bà ngoại nuôi đưa Quốc vào Nha Trang, tá túc ở nhà thờ. Được cho đi học, nhưng mỗi lần đến trường bị bạn học trêu “Mỹ lai...”, tức quá Quốc đánh lại, rồi bỏ học từ năm lớp 6. Nhà bà ngoại nuôi nghèo quá, cơm không có ăn, áo quần không có mặc, hai anh em Việt Quốc phải mặc đồ may bằng bao cát. Lúc mới hơn 10 tuổi, Quốc phải ra đồng bắt cá, lên núi đốt than... đem bán kiếm tiền nuôi ngoại và em. Lớn hơn một chút thì đi gỡ phế liệu. Một hôm, Quốc lượm được quả đạn cối 81 ly cưa lấy thuốc nổ bắn cá, lấy kim loại bán, chẳng may quả đạn nổ, mảnh đạn xuyên mắt cá chân, tay đứt 3 ngón.
Năm 1989, bà ngoại nuôi và đứa em lai khác cha tên là Nguyễn Cao Ly được đi định cư ở Mỹ vì còn có đầy đủ giấy tờ chứng minh. Còn Nguyễn Việt Quốc, những giấy tờ cần thiết để minh chứng đủ điều kiện định cư ở Mỹ theo diện con lai đã bị một người khác chiếm đoạt. Một mình ở lại bơ vơ, nghèo khó, đau khổ, thất học... biến Quốc trở thành một con người bất cần đời. Ngay năm đó, Quốc lang bạt vào Sài Gòn xin đi làm phụ hồ. Tuần đầu chưa quen việc, bị cai thầu chửi, cuối tuần không phát lương, đói quá, Quốc trở thành kẻ trộm. Quốc chuẩn bị một cây súng giả, dao rồi đột nhập một nhà ăn trộm và bị bắt. Tòa kết án tù 7 năm. Ở tù được 3 năm, Quốc được tạm hoãn thi hành án vì bị bệnh phổi và đường ruột.
Ra tù, nghĩ đến những người con lai được đoàn tụ với cha, Quốc quyết đến gặp người giữ giấy tờ con lai của mình mà nhiều lần đòi thì họ viện cớ đã mất, để hỏi cho ra lẽ. Sau khi uống rượu, Quốc đi đến một quyết định liều lĩnh, lấy cắp một khẩu súng, đi bộ băng rừng 3 ngày 2 đêm tìm đến nhà người giữ giấy tờ của mình để dọa họ trả giấy. Lần này Quốc lại bị bắt, thêm án tù 8 năm, chồng thêm 4 năm án cũ thành 12 năm. Vào trại Xuân Phước (Phú Yên) năm 1992, đến năm 2000 thì Quốc được đặc xá.
Nguyễn Việt Quốc luôn khát khao cháy bỏng tìm được người cha quốc tịch Mỹ đã yêu mẹ mình và ông chính là kết quả của mối tình đó. Thế nhưng, trong tay ông không có những giấy tờ cần thiết để chứng minh mình là con lai. Có lần ông Quốc tâm sự với tôi: “Ước gì tôi gặp được cha mẹ mình một lần. Nếu cha mất thì tìm được tung tích của người cha, dòng họ của cha cũng mãn nguyện”. Từ nhiều năm nay, ông Quốc làm công quả cho một chùa gần nơi ông thuê nhà ở trọ. Năm 2020, khi gặp ông để viết bài, tôi có nói: “Anh gieo nhân lành rồi sẽ nhận được phước báo tốt thôi”. Và nay, xem như điều đó đã ứng nghiệm với ông rồi.
 
Hình ảnh của cha ông Quốc khi còn trẻ. Ảnh: NVCC
Hình ảnh của cha ông Quốc khi còn trẻ. Ảnh: NVCC
Niềm vui bất ngờ
Gọi điện cho tôi báo tin đã tìm được tung tích của người cha, ông Quốc khóc như một đứa trẻ. Có lẽ ông khóc vì đó là niềm vui quá lớn, quá bất ngờ đã đến sau hơn nửa thế kỷ tìm cha trong vô vọng. Ông muốn mời tôi đến nhà dùng bữa cơm và trút bầu tâm sự vì quá vui, nhưng tôi từ chối. Tôi biết gia đình ông nghèo lắm. Tôi đặt Grab Bike để ông lên nhà tôi chơi, bởi muốn mời ông bữa cơm đạm bạc và uống vài lon bia. Gặp nhau, ông Quốc cho biết sau khi bài báo viết về ông đăng trên thanhnien.vn, Tổ chức Hòa Bình Xanh đến tìm hiểu quay phim, phỏng vấn. Một số Việt kiều Mỹ, Canada, Đức biết hoàn cảnh khó khăn của ông cũng gửi ít tiền giúp đỡ. Đặc biệt, những người con lai đã định cư tại Mỹ và các hội con lai ở quốc gia này tìm cách giúp đỡ ông tìm cha. “Tôi đâu còn giấy tờ gì để chứng minh mình là con lai. Biện pháp cuối cùng là thử ADN và điều kỳ diệu đã đến”, ông Quốc thổ lộ.
“Bài báo đăng trên Thanh Niên Online ngày 2.1.2020, thì sau đó có anh chị lai bên Mỹ kết nối với tôi và cho người về lấy mẫu thử ADN. Tháng 5.2020 đã có kết quả thử ADN, đồng thời tìm ra cây gia phả dòng họ của cha. Tôi sung sướng kêu lên một mình “con biết con sẽ được về trong vòng tay cha”, dù biết rằng cha đã qua đời”, ông Quốc cảm động nói.
 
Nay ông Quốc (trái) rất vui khi đến nhà tác giả báo tin đã tìm được tung tích của cha. Ảnh: Quang Viên
Nay ông Quốc (trái) rất vui khi đến nhà tác giả báo tin đã tìm được tung tích của cha. Ảnh: Quang Viên
Sau khi có kết quả ADN, các cá nhân cũng như một tổ chức giúp đỡ con lai tại Mỹ đã hoàn tất các thủ tục tiếp theo để giúp ông Quốc có cơ hội đến định cư ở quê cha. Theo ông Quốc, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã kiểm tra hồ sơ của cha ông trong thời gian phục vụ trong quân đội Mỹ tại VN và được biết cha ông ở trong đơn vị thủy quân lục chiến, đóng tại Tuy Hòa (Phú Yên) chứ không phải là lính phi công như ông từng nghe nói.
Tổng lãnh sự quán Mỹ gọi ông và gia đình đi phỏng vấn và cả nhà đã đậu. Thủ tục cuối cùng ông Quốc phải làm là tìm lại các giấy tờ liên quan án tích của 2 vụ án mà ông thụ án trước đây. Sau đó, gửi tất cả giấy tờ này cùng đơn xin xóa án tích đến Sở Di trú Mỹ. Được biết, ông đã gửi tất cả giấy tờ này cho một tổ chức giúp đỡ con lai tại Mỹ để họ nộp hộ. “Theo như họ báo lại thì sắp được Sở Di trú ký giấy xóa án tích cho tôi rồi. Ngày đến quê cha có lẽ sẽ sớm thành hiện thực. Sang quê cha, tôi sẽ đến ngay mộ cha để được thốt lên một câu: “Cha ơi, con đã về bên vòng tay cha rồi”, ông Quốc bày tỏ.
Chia tay, ông Quốc nói: “Cảm ơn Báo Thanh Niên đã làm cầu nối để mọi người biết đến tôi. Sau đó, tôi vô cùng cảm tạ những anh chị Việt kiều, tổ chức giúp đỡ con lai tại Mỹ đã giúp tôi tiền bạc và bỏ nhiều công sức để lo các thủ tục hồ sơ cho tôi”.
Chúng tôi được biết, trong các nhân vật loạt phóng sự Đời con lai Việt đăng trên Thanh Niên Online đầu năm 2020 thì đến nay có chị Nguyễn Thị Hương tại Đức Hòa (Long An), chị Huỳnh Ngọc Nga (Biên Hòa, Đồng Nai) cùng gia đình họ đã được định cư tại Mỹ; và một số người khác đang được những người con lai và Hội tình lai (Mỹ) giúp đỡ lo thử ADN, giấy tờ để hoàn thành các thủ tục cần thiết để có thể sang Mỹ định cư theo diện con lai.
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.