Phú Thiện: Thầy-cô giáo chung tay làm nhà rông cho trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các thầy-cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) Bán trú Tiểu học Anh Hùng Núp (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) không quản ngại khó khăn, vất vả để xây dựng hoa viên cùng ngôi nhà rông trong khuôn viên trường. Công trình này không chỉ góp phần tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp mà còn đáp ứng công tác dạy và học theo chương trình sách giáo khoa mới.
Mặc dù đang trong dịp nghỉ hè nhưng các thầy-cô giáo Trường PTDT Bán trú Tiểu học Anh Hùng Núp luân phiên có mặt để dựng nhà rông và tôn tạo hoa viên. Đến thăm trường vào một ngày cuối tháng 8, vừa bước qua cổng chính, trước mắt chúng tôi là một không gian thoáng mát, sạch sẽ, cây cối xanh tươi, các loại hoa đua nhau khoe sắc. Điểm nhấn của trường là một hoa viên rộng chừng 1.500 m2 với ngôi nhà rông sừng sững cao khoảng 7 m, rộng 5 m, có đủ chỗ cho 10 người ngồi. Mái nhà rông lợp tôn đỏ, phía trên có gắn các vật trang trí và vẽ các hoa văn đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai; ốp gỗ quanh tường, các cột trụ bằng gỗ. Cạnh nhà rông có một tảng đá to chừng 3 người ôm được gắn lên bệ bê tông kiên cố. Khoảng trống giữa tảng đá có gắn một bức hình Anh hùng Núp.
Bên một khoảnh sân, các giáo viên trẻ đang làm cây nêu. Người cặm cụi vẽ hoa văn lên một vài cây gỗ, người dùng máy hàn các thanh sắt lại với nhau. Dưới tiết trời nắng nóng, họ vẫn cần mẫn làm việc. Tiếp chuyện chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thơ-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Công trình hoa viên, nhà rông do giáo viên tự tay thiết kế, thi công. Đây là tâm huyết của tập thể giáo viên, nhân viên nhằm tạo điểm nhấn riêng cho trường, đáp ứng trong công tác dạy và học theo chương trình sách giáo khoa mới. Công trình còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ học sinh”.
Ngôi nhà rông trong hoa viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Anh Hùng Núp (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện). Ảnh: Nguyễn Tú
Ngôi nhà rông trong hoa viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Anh Hùng Núp (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện). Ảnh: Nguyễn Tú
Nói về ý tưởng thiết kế hoa viên và nhà rông trong khuôn viên trường, thầy Phạm Việt Hùng-giáo viên môn Mỹ thuật-phấn khởi chia sẻ: “Từ hồi sinh viên, mình đã ấp ủ ý tưởng tạo dựng một ngôi nhà rông ở mái trường tham gia giảng dạy. Đầu năm 2021, khi biết Ban Giám hiệu muốn thực hiện một công trình mang dấu ấn riêng của trường, mình đề xuất làm hoa viên với điểm nhấn là ngôi nhà rông cách điệu. Ý tưởng đã nhận được sự đồng ý của Ban Giám hiệu và sự hỗ trợ của tập thể giáo viên nhà trường, bắt đầu thi công từ tháng 3-2021. Đa phần các phần việc đều do giáo viên tự làm, riêng việc khiêng mái nhà rông là có sự chung tay góp sức của phụ huynh học sinh”.
Đưa chúng tôi tham quan hoa viên trường, thầy Đinh Mão giới thiệu: “Khuôn viên trường khá rộng. Khu vực này trước đây cỏ mọc um tùm, không đảm bảo mỹ quan, nhà trường thường tổ chức phát dọn nhưng được ít lâu thì đâu lại hoàn đấy. Khi nhà trường có chủ trương làm hoa viên, giáo viên đồng tình hưởng ứng. Từ tháng 3 đến nay, chúng tôi chia làm nhiều tốp thay phiên nhau làm. Các thầy cô đều rất hào hứng khi được làm một công trình mang ý nghĩa rất thiết thực như thế này”.
Các thầy giáo đang hàn mái tôn cho nhà rông (ảnh trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Tú
Các thầy giáo Trường PTDT Bán trú Tiểu học Anh Hùng Núp hàn mái tôn cho nhà rông (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Tú
Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: “Sau khi hoàn thành cây nêu, chúng tôi sẽ làm thêm các dàn chiêng treo, ban thờ Bác Hồ và kệ đựng sách trong nhà rông. Dự kiến đến cuối năm 2021, việc xây dựng hoa viên sẽ hoàn thành với tổng kinh phí 40 triệu đồng trích từ nguồn chi thường xuyên của nhà trường. Tới đây, nhà trường sẽ kêu gọi Mạnh Thường Quân ủng hộ sách để phục vụ nhu cầu đọc, sinh hoạt ngoại khóa của các em học sinh”.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Hoa-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện-cho hay: “Trong chương trình sách giáo khoa mới có hoạt động đưa học sinh tham quan, trải nghiệm. Với hơn 98% học sinh người dân tộc Jrai, chủ yếu là con em hộ nghèo, hoàn cảnh còn khó khăn thì việc triển khai hoạt động này của Trường PTDT Bán trú Tiểu học Anh Hùng Núp là nỗ lực lớn. Chúng tôi đánh giá rất cao việc các thầy cô chung tay làm một hoa viên để phục vụ cho các tiết dạy ngoại khóa. Đây là trường đầu tiên trong huyện tự thi công được một công trình mang nhiều ý nghĩa như vậy”.
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.