Phú Thiện nhân rộng giống mì sạch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đang triển khai mô hình hỗ trợ giống mì mới và tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác tại các làng: Pông, Trớ, Hek, Kinh Pêng của xã Chư A Thai.

Mô hình giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận giống mì sạch bệnh, thay đổi phương thức canh tác để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện triển khai từ tháng 4-2023. Tổng kinh phí mô hình gần 352 triệu đồng với 41 hộ nghèo, cận nghèo tham gia trên diện tích 27,93 ha. Các hộ được hỗ trợ 100% giống mì KM94 và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Sau hơn 7 tháng xuống giống, cây mì sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao 1,3-1,5 m. Ước tính năng suất đạt khoảng 28-30 tấn/ha, cao hơn 10 tấn/ha so với diện tích ngoài mô hình.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện đánh giá hiệu quả mô hình hỗ trợ giống mì mới và chuyển giao kỹ thuật canh tác cho các hộ nghèo, cận nghèo ở 4 làng của xã Chư A Thai. Ảnh: V.C

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện đánh giá hiệu quả mô hình hỗ trợ giống mì mới và chuyển giao kỹ thuật canh tác cho các hộ nghèo, cận nghèo ở 4 làng của xã Chư A Thai. Ảnh: V.C

Ông Phan Văn Vinh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho hay: Giống mì KM94 thực tế không phải là giống mới. Tuy nhiên, do người dân tái sử dụng trong thời gian dài nên giống bị thoái hóa, cho năng suất thấp.

Với mô hình này, Trung tâm đưa giống KM94 được chạy PCR kiểm tra đánh giá độ sạch bệnh trước khi hỗ trợ cho hộ dân. Đồng thời, chúng tôi cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con cách làm đất, chuẩn bị giống, cách chăm sóc, bón phân phù hợp, áp dụng quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp.

Qua đánh giá, giống mì KM94 có tỷ lệ kháng bệnh khảm lá cao. “Tại hội thảo đầu bờ mới đây, chúng tôi nhổ một số bụi mì tại 2 thửa ruộng gần nhau để so sánh. Kết quả cho thấy, giống mì KM94 cho củ to và dài hơn so với giống mì cũ tại địa phương. Sau khoảng 3-4 tháng nữa, mì sẽ cho thu hoạch, dự kiến cho năng suất gấp đôi so với giống mì truyền thống”-ông Vinh khẳng định.

Anh Đinh Chưih (làng Trớ) phấn khởi cho biết: Gia đình anh có 0,7 ha đất trồng mì. Tuy nhiên, do sử dụng giống mì cũ bị nhiễm bệnh khảm lá nên năng suất chỉ đạt khoảng 10 tấn/vụ. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên không có kinh phí mua giống mì sạch bệnh thay thế.

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ giống mì mới, lại được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên diện tích mì của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến năng suất vụ tăng gấp đôi.

“Năm nay, giá mì đạt đỉnh, hiện đang ở mức 2.900 đồng/kg. Khoảng 3 tháng nữa, gia đình sẽ thu hoạch, nếu vẫn giữ ở mức giá này sẽ thu lợi nhuận khá, có vốn để tái sản xuất và cải thiện cuộc sống”-anh Chưih vui mừng chia sẻ.

Qua kiểm tra, 1 gốc mì mô hình cho sản lượng khoảng 4 kg, gấp đôi giống mì cũ tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Qua kiểm tra, 1 gốc mì mô hình cho sản lượng khoảng 4 kg, gấp đôi giống mì cũ tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Gia đình ông Đinh Xêm (cùng làng Trớ) cũng tham gia mô hình trên diện tích 0,8 ha. Ông Xêm bộc bạch: “Trước đây, với diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá, bà con tiếc của nên vẫn giữ lại khiến bệnh lây lan nhanh. Tham gia mô hình, người dân biết cách diệt trừ mầm bệnh, nhổ bỏ cây bị bệnh, không sử dụng giống cũ nhiễm bệnh, không mua giống trôi nổi trên thị trường.

Nhờ được hướng dẫn làm đất và bón phân đúng quy trình nên cây mì phát triển vượt trội so với giống cũ. Sang năm, tôi dự kiến sẽ nhân rộng giống mì này ra toàn bộ diện tích hơn 1 ha mì của gia đình và bán lại giống cho các hộ có nhu cầu”.

Theo ông Phan Văn Cảnh-Phó Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, toàn xã hiện có 309 ha mì. Tuy là một trong những cây trồng chủ lực nhưng nhiều diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá nặng. Bà con dân tộc thiểu số, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo không có kinh phí mua giống mới sạch bệnh nên tái sản xuất giống cũ khiến bệnh khảm lá lan rộng, năng suất giảm.

Qua mô hình này, bà con có cơ hội tiếp cận giống mì mới sạch bệnh, năng suất cao. Với phương thức “cầm tay chỉ việc”, thông qua mô hình đã giúp bà con dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, từ đó tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây là tiền đề để xã tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện thông tin thêm: Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm đã triển khai 3 mô hình hỗ trợ giống mì mới và tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cho các hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương. Trong đó, năm 2021 là 25 ha với 35 hộ tham gia; năm 2022 là 25 ha với 39 hộ tham gia và năm 2023 tăng lên 27,93 ha với 41 hộ tham gia.

Thành công của mô hình là người dân hiểu được nguyên nhân bệnh khảm lá mì và cách thức phòng trừ hữu hiệu. Từ giống mì mô hình, bà con nhân rộng và chia sẻ giống với các hộ khác, qua đó, cơ bản thay thế giống mì cũ tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.