Tín hiệu vui cho người trồng mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm giúp người nông dân tiếp cận với giống mì mới chất lượng tốt, Công ty cổ phần Giải pháp nông nghiệp Tiên Tiến (TP. Hồ Chí Minh) vừa triển khai thí điểm mô hình mì HN5 tại thôn Plei Du (xã Chư Răng, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Với năng suất ước đạt 40 tấn/ha, không bị bệnh khảm lá, giống mì HN5 mang lại niềm hy vọng về những vụ mùa bội thu cho người dân nơi đây.
Với diện tích trên 9.000 ha, mì là cây trồng chủ lực của huyện Ia Pa. Tuy nhiên, 5 năm gần đây, toàn bộ diện tích mì của huyện bị nhiễm bệnh khảm lá dẫn đến năng suất giảm mạnh, chỉ còn khoảng 15-20 tấn/ha. Một số hộ đã chuyển đổi sang cây trồng khác nhằm mang lại lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, dù giống mì KM94 đã được trồng thử nghiệm tại nhiều địa phương cho kết quả khả quan song theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cùng nhiều người dân, giống KM94 không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Trước thực trạng đó, tháng 12-2021, Công ty cổ phần Giải pháp nông nghiệp Tiên Tiến đã triển khai thí điểm giống mì HN5 mới được Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cấp phép lưu hành trên diện tích 0,7 ha của gia đình ông Lê Văn Sỹ (cánh đồng Plei Du).
Theo anh Phạm Khắc Phương-cán bộ phụ trách mô hình thuộc Công ty cổ phần Giải pháp nông nghiệp Tiên Tiến, 3 lý do để Công ty chọn huyện Ia Pa thí điểm mô hình này là: khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, tỷ lệ mì nhiễm khảm lá cao và thổ nhưỡng đa dạng. Công ty muốn kiểm chứng khả năng chịu hạn, thích hợp với điều kiện tự nhiên của giống mì này trước khi nhân rộng ra các địa phương khác tại tỉnh. Sau 9 tháng triển khai, qua theo dõi, kiểm tra đánh giá của cán bộ chuyên môn tại buổi hội thảo đầu bờ vào tháng 7 vừa qua, giống mì HN5 phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Ia Pa. Cây mì phát triển vượt trội, to cao, phân nhánh sớm, lá lớn, củ nhiều và to. Đặc biệt, tuy diện tích mì này được trồng giáp với giống mì cũ của địa phương nhưng không bị lây nhiễm bệnh khảm lá, chữ bột đạt khoảng 28%, khắc phục được những hạn chế của những giống mì trước đây. Công ty dự kiến thu hoạch vào tháng 10 tới. Hộ dân sẽ thu hoạch củ và giữ lại một phần giống để duy trì sản xuất vụ sau. Phần giống còn lại, Công ty thu hồi để triển khai mô hình ở các huyện, thị xã lân cận.
Cán bộ chuyên môn Công ty cổ phần Giải pháp nông nghiệp Tiên Tiến trao đổi với người dân về ưu điểm vượt trội của giống mì HN5. Ảnh: Vũ Chi
Cán bộ chuyên môn Công ty cổ phần Giải pháp nông nghiệp Tiên Tiến trao đổi với người dân về ưu điểm vượt trội của giống mì HN5. Ảnh: Vũ Chi
Nhận trồng thử nghiệm 7 sào mì do Công ty cổ phần Giải pháp nông nghiệp Tiên Tiến đầu tư 100% giống, phân bón, ông Sỹ cho hay: Gia đình ông có 5 ha mì. Những năm gần đây, mì bị khảm lá nặng nên năng suất rất thấp, chỉ khoảng 20 tấn/ha. Được Công ty đầu tư giống mì mới sạch bệnh để trồng, ông rất phấn khởi. “Sau 9 tháng, cây mì cho thấy ưu điểm vượt trội khi cao, củ dài, to, nhiều. Mặc dù trồng ở khu vực mì bị nhiễm bệnh khảm lá nặng để đối chứng nhưng giống mì mới không bị lây nhiễm. Khoảng 3 tháng nữa mì sẽ được thu hoạch, năng suất chắc sẽ như kỳ vọng”-ông Sỹ phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Trọng Tú-Chủ tịch UBND xã Chư Răng-cho hay: Toàn xã hiện có hơn 800 ha mì. Do phần lớn diện tích trồng trên địa hình đồi núi, không chủ động được nguồn nước tưới và dù bị khảm lá nhưng bà con rất khó lựa chọn cây trồng khác thay thế. Tại buổi hội thảo đầu bờ do Công ty phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức, đông đảo người dân đã đến tham dự và đều đánh giá cao giống mì mới này. Hiện đã có nhiều hộ đăng ký tham gia mô hình vào năm sau. 
Tuy nhiên, vì chưa được nhân rộng nên giá hom mì giống NH5 còn khá cao, hơn 200.000 đồng/bó 20 cây, trung bình 1 ha đầu tư hơn 20 triệu tiền giống. Ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Nhằm giúp người dân giảm áp lực vốn đầu tư ban đầu, Phòng Nông nghiệp và PTNT đang đề xuất UBND huyện kế hoạch triển khai 20 ha giống mì HN5 trong vụ Đông Xuân 2022-2023 tại tất cả 9 xã của huyện để so sánh, đánh giá hiệu quả, từ đó, lấy giống hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích. “So với các giống mì đang trồng tại địa phương, giống HN5 có 3 ưu điểm là năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá lên tới 100% và hàm lượng tinh bột cao. Đây là tín hiệu vui với người trồng mì, giải bài toán khan hiếm giống mì sạch bệnh, đảm bảo năng suất và chất lượng củ mì, từ đó duy trì và phát triển vùng trồng mì tại địa phương”-ông Đức khẳng định.
VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.