Phó Thủ tướng trao Quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia là dấu mốc quan trọng đối với hệ thống Y tế Việt Nam, đặc biệt đối với người hành nghề và hệ thống đào tạo nhân lực y tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia và Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Hội đồng Y khoa Quốc gia. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia và Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Hội đồng Y khoa Quốc gia. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


Chiều 15/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao Quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia và Quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Dấu mốc quan trọng đối với hệ thống Y tế Việt Nam

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế trong việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia; đồng thời nhấn mạnh, việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia là dấu mốc quan trọng đối với hệ thống Y tế Việt Nam, đặc biệt đối với người hành nghề và hệ thống đào tạo nhân lực y tế.

Theo đó, việc thành lập Hội đồng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; phù hợp với thông lệ quốc tế về việc tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề.

Phó Thủ tướng nêu rõ, việc thành lập Hội đồng Y khoa theo đúng các cam kết quốc tế về chuẩn năng lực ngành y, thực hiện hội nhập quốc tế và tiến tới công nhận văn bằng chứng chỉ lẫn nhau, trực tiếp nhất nhằm nâng cao chất lượng nhân lực ngành Y, từ đó gắn với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong khối sức khỏe.

Với mô hình tổ chức đặc thù, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị, Hội đồng Y khoa Quốc gia sớm ban hành quy chế hoạt động, xây dựng cơ chế tổ chức các kỳ thi định kỳ cấp chứng chỉ hành nghề khoa học, minh bạch, thiết thực, công bằng, đạt chuẩn quốc tế, không nhiêu khê.

Trước hết, các kỳ thi dành cho sinh viên y khoa mới tốt nghiệp, từng bước có lộ trình thích hợp dành cho bác sỹ đã hành nghề nhiều năm. Các kỳ thi góp phần tạo động lực cho đội ngũ cán bộ y tế trau dồi, nâng cao năng lực nghề nghiệp; chuẩn hóa đội ngũ y bác sỹ ở cơ sở; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân; tác động tích cực đến các cơ sở đào tạo y khoa.

Phó Thủ tướng lưu ý, Hội đồng có nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề sau khi Luật Khám bệnh chữa bệnh sửa đổi được trình Quốc hội ban hành. Hội đồng Y khoa Quốc gia chú trọng khâu xây dựng ngân hàng đề thi và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào tất cả các khâu của kỳ thi.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


Đột phá để tạo ra sự thay đổi

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành Y tế đang chuẩn bị cho tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mọi hoạt động của ngành, với mục tiêu tối thượng phục vụ người dân tốt nhất. Đây cũng chính là nhiệm vụ ngành Y tế đặt ra trong thời gian vừa qua và trong thời gian tới đây.

Thời gian qua, ngành Y tế đã có những thay đổi trong công tác khám chữa bệnh, thông qua sự ra đời của Đề án Khám chữa bệnh từ xa - nền tảng giúp người dân ở tuyến dưới có thể được thụ hưởng y tế chất lượng cao của tuyến trên, ngay tại cơ sở.

Bên cạnh đó, ngành quyết liệt thực hiện chuyển đổi số và công khai minh bạch nhiều hoạt động. Vấn đề điều hành và tăng trách nhiệm giải trình của ngành Y tế cũng được đẩy mạnh. Một trong những nội dung ngành Y tế mong muốn triển khai thực hiện, đó là đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đào tạo, trong đó có đào tạo y khoa. Ngành chọn khâu đổi mới mạnh mẽ nhất, có thể tác động tới toàn bộ hệ thống y tế là khâu cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hầu hết các nước trên thế giới, việc thi cấp chứng chỉ hàng nghề có giới hạn về thời gian đã được thực thi. Do đó, việc thôi thúc đổi mới toàn diện đào tạo y khoa ở nước ta là vấn đề cấp thiết; lựa chọn việc thi cấp chứng chỉ hành nghề là khâu đột phá để tạo ra sự thay đổi, tạo động lực tác động đến sự thay đổi về chương trình, nội dung, thời gian đào tạo y khoa.

“Mong muốn lớn nhất là việc thi cấp chứng chỉ hành nghề không chỉ gói gọn trong khuôn khổ nước ta mà sẽ hình thành các trung tâm đánh giá năng lực. Trung tâm này có thể đảm bảo khi cấp chứng chỉ, thi và đánh giá năng lực sẽ có thể hành nghề ở các quốc gia khác. Trong xã hội phẳng, chúng ta không thể đứng riêng một mình mà phải hòa nhập, hội nhập, nâng cao vị thế của y tế Việt Nam trên quốc tế,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, nhiệm vụ nặng nề và quan trọng nhất của Hội đồng Y khoa Quốc gia là phải học tập kinh nghiệm của các nước, xây dựng ngân hàng dữ liệu về đề thi, ngân hàng câu hỏi, đánh giá các tình huống khi thực hành.

“Chúng tôi đã làm việc với nhiều nước về nội dung này, tuy nhiên không có nước nào giống nước nào và gần như các nước chỉ cho phương pháp, không cho ngân hàng dữ liệu. Vấn đề này đặt yêu cầu cho công tác đào tạo để giúp bác sỹ vượt qua kỳ thi. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã có tính toán cẩn thận, đã có lộ trình để không tạo nên sự xáo trộn quá mạnh mà là sự đổi mới, cải cách cần thiết theo từng nấc thang để dần dần tiến tới mức cao hơn. Chúng ta không thể ngay lập tức nhảy lên mức độ cao của các nước,” Bộ trưởng chia sẻ.

Việc tổ chức thi sẽ do hệ thống y tế chịu trách nhiệm, không phải Hội đồng y khoa tổ chức. Những dữ liệu này phải phù hợp với người hỏi, người dạy để giúp nâng chất lượng đào tạo.

Hội đồng Y khoa Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế, giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội, giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, giữ chức vụ kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Theo Bích Thủy-Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

(GLO)- Đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế. Tổng biên chế công chức, biên chế của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.