Phế tích An Phú: Nhiều bí ẩn dần hé mở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chúng tôi vừa hoàn thành cuộc khai quật lần thứ hai tại phế tích An Phú (TP. Pleiku). Nhiều bí ẩn dần được hé mở, đặc biệt là những hiện vật được tìm thấy trong hố thiêng mà trên đó có khắc các ký tự cổ.

Giải mã các ký tự cho biết, đây là ngôi đền thờ Phật giáo có niên đại khoảng thế kỷ IX-X, có thể thuộc về nền văn hóa Champa.

Khai quật di tích An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku) năm 2023. Ảnh: H.B.T

Khai quật di tích An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku) năm 2023. Ảnh: H.B.T

Khi nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của Vương quốc Champa, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Champa được hình thành từ sự tập hợp và liên kết của nhiều tiểu quốc. Các tiểu quốc ấy có địa bàn kề cận nhau và tương đồng về văn hóa tộc người, nằm ở vùng đồng bằng duyên hải miền Trung và cả vùng Tây Nguyên ngày nay.

Còn nhà truyền giáo Jacques Dournes khi nghiên cứu về Tây Nguyên đã đưa ra cách gọi “Champa Thượng” để chỉ vùng rừng núi ở cao nguyên Trung phần thuộc về Vương quốc Champa hoặc có mối liên hệ chặt chẽ với Champa ở vùng đồng bằng. Về vấn đề này, trong cuốn “Đến với lịch sử-văn hóa Bắc Tây Nguyên”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân khẳng định: Dấu ấn văn hóa Champa trên đất Tây Nguyên là sâu đậm và cho rằng văn hóa Champa không chỉ để lại dấu vết vật chất mà còn hòa quyện, đan xen vào đời sống tâm linh của cư dân bản địa.

Để góp phần làm rõ vấn đề này, tôi lục tìm lại một số tư liệu mà các nhà nghiên cứu đi trước đã đề cập, đồng thời dẫn chứng những tư liệu vật chất của nền văn minh Champa đã được phát hiện ở Tây Nguyên, đặc biệt là những phát hiện và nghiên cứu mới trong những năm gần đây.

Các sử liệu Trung Hoa ngay từ sớm đã ghi chép về việc triều cống của Champa cho “thiên triều” (Trung Hoa) với nhiều sản vật có nguồn gốc từ núi rừng như: trầm hương, ngà voi, sừng tê giác và nhiều hương liệu, gỗ quý khác… được thực hiện nhiều lần vào các năm 340, 630, 642, 711, 731…

Về sau, các bia ký Champa trở thành nguồn sử liệu quan trọng để xác nhận ảnh hưởng của Champa với các cộng đồng dân cư ở Tây Nguyên. Tại Kon Tum, một văn bia Phật giáo có niên đại vào năm 914 được tìm thấy ở Kon Klor (TP. Kon Tum) ghi nhận về việc xây dựng một đền thờ Bồ Tát ở vùng đất này.

Tại di tích Kon Klor, các nhà khoa học còn phát hiện nhiều lớp gạch của một cơ sở thờ tự lớn cùng với 1 tượng kim loại cao khoảng 1 m, bệ thờ, chậu đựng nước thánh lễ… Điều đó một mặt xác nhận việc xây dựng đền thờ Phật giáo Champa trên cao nguyên, mặt khác cho thấy lãnh thổ Champa vào thời điểm này bao gồm cả vùng Kon Tum ngày nay.

Bản rập mặt sau bức phù điêu với những dòng chữ Chăm cổ. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Bản rập mặt sau bức phù điêu với những dòng chữ Chăm cổ. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Trong cuốn “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến năm 1975” do Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân chủ biên cũng đề cập: “Tống sử cho biết, nước Champa chia làm 38 châu. Riêng về châu Thượng Nguyên-vùng cao-có hơn 100 thôn lạc, mỗi thôn lạc có 300-500 hộ. Cũng có đặt huyện, trấn…

Châu Thượng nằm ở Tây Bắc dãy Hoành Sơn (tức là vùng rừng núi Trường Sơn-Tây Nguyên). Đó là nơi có nhiều bộ lạc Thượng sinh sống được coi như chư hầu hoặc thuộc quốc của Champa”.

Ngoài những sử liệu trên, còn có bức phù điêu Phật Champa Tây Nguyên-Bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, là di vật có niên đại sớm nhất (thế kỷ VI-VII) được tìm thấy ở Gia Lai.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, bức phù điêu được người dân địa phương tìm thấy vào năm 1978 tại khu vực huyện Ayun Pa (nay là huyện Krông Pa) bên một công trình kiến trúc đã đổ nát, nghi là tháp Chăm.

Mặt sau bức phù điêu có khắc 4 dòng chữ dạng Sanskrit (một cổ ngữ). Những dòng chữ này thuộc loại chữ Nam Ấn, có niên đại thế kỷ VI-VII. Đây là căn cứ lịch sử quan trọng đánh dấu sự hiện diện sớm của người Chăm trên đất Gia Lai và rộng hơn là toàn vùng Tây Nguyên.

Ngoài bức phù điêu, trong khu vực này, năm 2010, phế tích Bang Keng (xã Krông Năng, huyện Krông Pa) được khai quật cho thấy, đây là một kiến trúc tôn giáo sớm nhất được phát hiện ở vùng cao nguyên, là một tụ điểm văn hóa-tôn giáo-kinh tế, là trạm trung chuyển hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược điển hình đã được thiết lập. Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể bức phù điêu Phật vốn là hiện vật ở ngôi tháp này.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân thì khu vực này không chỉ có tháp Bang Keng mà còn có nhiều công trình kiến trúc Champa khác như: bia ký Drang Lai, tháp Yang Mum, đặc biệt từng có sự tồn tại của một tòa thành mang tên Quai King.

Bia ký Drang Lai có niên đại Saka vào năm 1337 (tức năm 1415 theo dương lịch) cho thấy rõ hơn về mối liên hệ giữa cư dân Champa đồng bằng và các dân tộc tại chỗ miền núi. Bia ký này cho biết, sau các cuộc xung đột giữa Đại Việt và Champa, Vua Champa ở Vijaya (vùng Bình Định ngày nay) đã thu phục “Vị vua vĩ đại của người miền núi” vào phạm vi lãnh địa có tên gọi Madhyâmgrăma.

Bằng cách này, sự bảo trợ của thần Kiratesvara (Shiva) được mở rộng đến phần lãnh thổ trong rừng của Vua Chăm. Đồng thời, Vua Chăm còn cho xây dựng hệ thống thủy lợi và đường sá lên vùng cao nguyên. Kết quả là một linh địa có tên Bragit đã được thiết lập ở vùng cao nguyên.

Thung lũng An Khê với những phát hiện bia đá Tư Lương hay đầu rắn Naga bằng sa thạch, cặp chân đèn bằng đồng… thuộc văn hóa Champa, có thể nhận định rằng, đây cũng là một điểm trung chuyển lý tưởng trên con đường giao thương giữa miền xuôi với miền ngược. Bởi An Khê rất gần với trung tâm Vijaya và Cảng Thị Nại ở Bình Định-nơi tồn tại hệ thống đền tháp Bà-la-môn giáo và Phật giáo phong phú được dựng lên từ thế kỷ VII/VIII cho đến thế kỷ XIII/XV.

Kết quả khai quật lần thứ hai tại di tích An Phú vào năm 2024 cùng với những ghi chép trước đó của các học giả người Pháp cho thấy, đây là một ngôi đền thờ Phật giáo, đồng thời là một trung tâm văn hóa-tôn giáo-kinh tế của khu vực, đảm nhận vai trò truyền bá tư tưởng tôn giáo của người Chăm đến cộng đồng các dân tộc sinh sống trong vùng.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học) đánh giá: Đây là phát hiện rất quan trọng ở vùng Tây Nguyên bởi khu vực này là vùng đất giàu tài nguyên có giá trị xuất khẩu nên các triều Vua Champa đều tìm cách gây ảnh hưởng, khai thác, chi phối.

Ngoài việc gắn kết với thủ lĩnh các tộc người ở Tây Nguyên thì việc phổ quát tôn giáo của người Chăm cũng được chú trọng. Đó là nguyên nhân của sự xuất hiện nhiều kiến trúc tháp ở Tây Nguyên.

Tháp Yang Mum (thị xã Ayun Pa) đầu thế kỷ XX (Nguồn:Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp EFEO)

Tháp Yang Mum (thị xã Ayun Pa) đầu thế kỷ XX (Nguồn:Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp EFEO)

Tại Đắk Lắk, ngoài tháp Yang Prong (huyện Ea Súp) còn tương đối nguyên vẹn thì những phát hiện gần đây về các phế tích Champa ở thôn Hòa Tân, Hòa Thành, Hòa Sơn (huyện Krông Bông) càng củng cố thêm tư liệu vật chất về sự hiện diện của văn hóa Champa trên Tây Nguyên.

Nhiều tài liệu còn cho biết, đến nửa sau thế kỷ XV, mối liên hệ giữa người Chăm và các tộc người miền núi vẫn được duy trì mật thiết. Dựa trên những khảo sát thực tế ở Tây Nguyên, học giả người Pháp Henry Maitre từng nhận định rằng các tộc người ở Tây Nguyên đã đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Champa bằng việc tham gia tích cực vào việc săn bắt voi, tê giác và tìm kiếm các nguồn lâm thổ sản. Đây là những mặt hàng không thể thiếu trong những lần Champa triều cống cho Trung Hoa mà sử liệu đã nhiều lần nhắc đến.

Như vậy, có thể thấy, do yêu cầu phát triển và mở rộng lãnh thổ nên ngay từ sớm, Champa đã thiết lập mối quan hệ và xác lập ảnh hưởng của mình lên vùng cao nguyên. Ngược dòng sông Ba, bên cạnh việc giao thương trao đổi mua bán, người Chăm dần truyền bá ảnh hưởng văn hóa của mình lên cộng đồng các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên.

Mối quan hệ giữa Vương quốc Champa với Tây Nguyên trong lịch sử dần được hiện rõ qua những phát hiện và nghiên cứu trong thời gian qua. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là quá trình hình thành và duy trì mối quan hệ liên kết giữa người Chăm và các tộc người miền núi trong suốt tiến trình lịch sử được thực hiện ra sao?

Phải chăng đó là một liên minh vững chắc về kinh tế, chính trị, quân sự hay chỉ đơn thuần là mối quan hệ giao thương trao đổi sản phẩm giữa miền xuôi, miền ngược… của các thương nhân Champa thì vẫn còn là ẩn số cần được giải mã trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.