Hé mở bí ẩn về phế tích Champa Gò Tháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc phát hiện và nghiên cứu những di tích văn hóa Champa là điểm nhấn quan trọng trong quá trình nhận diện lịch sử và văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Phế tích Champa Gò Tháp có nhiều tên gọi khác nhau như: Di tích Champa Phú Thọ, tháp Chăm Phú Thọ, tháp Chăm An Phú… nằm trên vùng đất có địa hình bằng phẳng thuộc thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku. Hiện nay, đây là khu vực trồng rau màu của người dân. Phế tích Gò Tháp đã được biết đến và nghiên cứu bước đầu từ những năm đầu thế kỷ XX bởi các học giả người Pháp như: nhà thám hiểm, dân tộc học Henry Maitre; nhà khảo cổ học M.Maspero; nhà Tây Nguyên học Jacques Dournes… Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà các nhà khảo cổ không thể tiếp tục nghiên cứu, từ đó, di tích dần bị lãng quên. Mãi đến năm 2021, qua những bài viết của tác giả Nguyễn Quang Tuệ đăng trên báo Gia Lai như: “Chuyện về tháp Champa cổ ở Pleiku” hay “Thông tin thêm về di tích Champa ở Pleiku”… thì di tích này mới bắt đầu được gợi lại.

Từ những nguồn thông tin tư liệu trên, đầu năm 2022, Bảo tàng tỉnh đã mời các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu Champa như: Tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam), nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương (Hội Khảo cổ học Việt Nam) tiến hành điều tra, thám sát tại vị trí được cho là có sự tồn tại của kiến trúc Champa trước đây. Qua việc đánh giá hiện trạng, phương án khảo sát đã được xác lập và tiến hành bằng việc kiểm tra dấu tích còn sót lại trên bề mặt, kiểm tra đoán định chu vi, diện tích di tích, mở các hố đào thám sát với quy mô nhỏ. Một hố thám sát được mở theo hình chữ “L” ở góc Tây Bắc của di tích với chiều dài khoảng 4 m. Sau khi xử lý bề mặt, hố thám sát được xử lý bóc lớp, sâu 65 cm. Tại đây đã bắt đầu xuất lộ dấu vết kiến trúc tường bao (phổ biến ở các kiến trúc đền tháp Champa) của ngôi đền chính với nhiều lớp gạch ngay ngắn chồng lên nhau tương đối đều đặn, một số viên bị vỡ, một số vẫn còn nguyên vẹn. Do quá trình canh tác, cày xới của người dân, một số vị trí gạch đã bị vụn vỡ xen lẫn với đất, cát…

Hố thám sát ở góc Tây Bắc di tích xuất lộ vết tích kiến trúc tường bao. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Hố thám sát ở góc Tây Bắc di tích xuất lộ vết tích kiến trúc tường bao. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Từ kết quả của cuộc điều tra khảo sát, cùng với việc phát hiện một số di vật văn hóa Champa là các tảng đá bệ thờ, đế kê bệ thờ… được người dân ở thôn 4 (xã An Phú) lưu giữ, bước đầu có thể khẳng định di tích Gò Tháp là di tích kiến trúc tôn giáo thuộc văn hóa Champa duy nhất được phát hiện ở vùng Pleiku cho đến nay. Những di vật đã được phát hiện bao gồm: các bệ đá vuông bằng đá sa thạch là những cấu kiện tạo thành một đài thờ được dựng trong chánh điện của ngôi đền Bà la môn giáo. Di tích này có hệ thống tường bao xung quanh ngôi đền chính với chiều dài cạnh khoảng 30-40 m và rộng 1,4 m. Trước khi tiến hành xây dựng, tường bao đã được gia cố và xử lý nền khá vững chắc. Dựa trên những thông tin đã thu thập từ những hiện vật bằng đá, gạch cũng như kỹ thuật xây dựng, cấu trúc của tường bao và qua so sánh với hệ thống đền tháp ở Tây Nguyên, bước đầu có thể đoán định kiến trúc tôn giáo này có niên đại khoảng từ thế kỷ XII đến XV.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng đánh giá đây là phát hiện rất quan trọng ở vùng Tây Nguyên, việc xuất hiện di tích Champa ở đây có thể liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của quân dân Champa ở thế kỷ XIV. Sau cuộc kháng chiến, nhận thấy sự gắn bó mật thiết của các tộc người sinh sống tại Tây Nguyên với triều đình Champa trong chiến tranh và sự phát triển kinh tế về sau nên vùng đất này được quan tâm. Đây là vùng đất giàu tài nguyên có giá trị xuất khẩu nên các triều vua đều tìm cách gây ảnh hưởng, khai thác, chi phối. Ngoài việc gắn kết với thủ lĩnh các tộc người ở Tây Nguyên theo kiểu Mandala (các tiểu quốc) như ở đồng bằng thì việc phổ quát tôn giáo của người Chăm cũng được chú trọng. Đó là nguyên nhân của sự xuất hiện nhiều kiến trúc tháp ở Tây Nguyên trong giai đoạn này.

Các lớp gạch xuất lộ ở vách Nam hố thám sát. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Các lớp gạch xuất lộ ở vách Nam hố thám sát. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Năm 2010, phế tích Bang Keng (xã Krông Năng, huyện Krông Pa) đã được khai quật cho thấy, đây là một kiến trúc tôn giáo sớm nhất được phát hiện ở vùng cao nguyên, là một tụ điểm văn hóa-tôn giáo-kinh tế, là trạm trung chuyển hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược điển hình đã được thiết lập. Những tụ điểm như thế có thể tồn tại trong suốt nhiều thế kỷ.

Thung lũng An Khê với những phát hiện bia đá Tư Lương hay đầu rắn Naga bằng sa thạch, cặp chân đèn bằng đồng… thuộc văn hóa Champa có thể nhận định rằng đây là một điểm trung chuyển lý tưởng trên con đường giao thương miền xuôi-miền ngược bởi An Khê rất gần với trung tâm Vijaya ở Bình Định-nơi tồn tại hệ thống đền tháp Bà la môn giáo và Phật giáo phong phú được dựng lên từ thế kỷ VII/VIII cho đến XIII/XV.

Từ đó có thể nhận thấy, phế tích Champa Gò Tháp là một trung tâm văn hóa-tôn giáo-kinh tế kiểu như Bang Keng, đảm nhận vai trò truyền bá tư tưởng tôn giáo của người Chăm đến cộng đồng các dân tộc sinh sống trong vùng. Ngoài ra, có thể nó còn là thương điếm nhằm thu mua lâm-thổ sản phục vụ cho việc giao thương trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi-miền ngược thông qua các hệ thống sông như: sông Côn, sông Ba (sông Đà Rằng)…

Quy mô (đoán định) của phế tích Champa Gò Tháp (xã An Phú, thành phố Pleiku) với tường bao bên ngoài và ngôi đền ở chính giữa. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Quy mô (đoán định) của phế tích Champa Gò Tháp (xã An Phú, thành phố Pleiku) với tường bao bên ngoài và ngôi đền ở chính giữa. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Vào thời Champa, Quy Nhơn và Tuy Hòa là 2 cảng thị sầm uất nối với hệ thống hải thương quốc tế trên Biển Đông. Nhờ địa thế thuận lợi, từ Gò Tháp có thể dễ dàng liên kết với Bang Keng về phía Nam để xuôi về vùng biển Phú Yên và liên kết với thung lũng An Khê về phía Đông xuôi về Cảng Thị Nại.

Những tư liệu điều tra, thám sát và nghiên cứu trong thời gian qua đã hé mở bí ẩn về di tích Champa Gò Tháp. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, với những nỗ lực của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, việc tiếp tục thăm dò, khai quật, nghiên cứu phế tích Champa Gò Tháp An Phú sẽ đạt được nhiều kết quả mới nhằm xác định rõ quy mô, tính chất và đặc điểm của di tích này, góp một phần tư liệu để làm sáng tỏ hơn về vấn đề Champa Thượng ở vùng Tây Nguyên mà Jacques Dournes đã từng đề cập.

Có thể bạn quan tâm

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

(GLO)- Thoát khỏi không gian gò bó trên sân khấu, Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa lần thứ III-2025 được tổ chức dưới những bóng cây cổ thụ trong Công viên Phú Túc đã tái hiện một cách chân thực không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba.

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

(GLO)- Gần 2 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Groi (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã trở thành mái nhà chung cho những phụ nữ yêu thích nghề dệt. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị em có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và chung tay gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống.

Lễ cúng bến nước. Ảnh: M.H

Bến nước buôn Pông

(GLO)- Bến nước, dòng sông cũng như tập tục của bà con Jrai đã trở nên quen thuộc với tôi trong thời gian dài công tác tại ngôi trường bên bờ sông Ba.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

(GLO)- Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị-xã hội, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Jrai ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang có cơ hội để nâng tầm phát triển và khẳng định giá trị trong đời sống hiện đại.

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

(GLO)- Không chế độ phụ cấp, bổng lộc nhưng nhiều năm qua, các cụ từ, bà vãi trong đội hậu cần, ban nghi lễ tại các đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc. Sự tự nguyện ấy xuất phát từ tâm huyết dành cho văn hóa, di sản của cha ông.

Tùy theo điều kiện của từng gia đình để chuẩn bị quy mô lễ cúng lớn hay nhỏ

Gia Lai: Độc đáo lễ thổi tai của người Jrai

(GLO)- Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui huyện Phú Thiện năm 2025, sáng 27-3, tại xã Ia Yeng đã diễn ra lễ thổi tai của người Jrai. Nghi lễ được tái hiện rõ nét giúp du khách hiểu được ý nghĩa văn hóa tâm linh trong đời sống của người Jrai nơi đây.