Thông tin thêm về di tích Champa ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngay sau khi báo Gia Lai điện tử ngày 9-7-2021 đăng bài “Chuyện về tháp Champa cổ ở Pleiku”, từ nguồn tin của người dân, chúng tôi trở lại nơi này và ghi nhận ít nhất một hiện vật Chăm tại thôn 3, xã An Phú.
Vợ chồng ông bà Nguyễn Công Hòe (SN 1936)-Ngô Thị Lễ (SN 1944) là người sở hữu hiện vật này. Theo lời kể thì gia đình ông Hòe sinh sống tại đây từ năm 1956, còn bà Lễ thì đến nơi này năm 1965. Năm 1972, hai người em trai của ông Hòe là Nguyễn Công Trứ (SN 1952, đã mất) và Nguyễn Công Toàn (SN 1955, hiện định cư tại nước ngoài) đã dùng xe bò vận chuyển khối đá này từ khu đền tháp đổ nát về. Thấy khối đá đẹp lại có lỗ tròn ở giữa nên từ đó đến nay, gia đình ông bà đặt trước sân nhà làm trụ cờ. Cách đây không lâu có người đến gạ mua, ông bà đã tính bán 10 triệu đồng nhưng sau lại thôi vì muốn giữ khối đá làm kỷ niệm.
Khối đá (sa thạch) hình chữ nhật cân đối có chiều cao 39 cm; lỗ tròn đường kính một mặt 10 cm, một mặt 18 cm ở vị trí chính giữa hiện vật, xuyên suốt từ trên qua đáy. Mặt trên và dưới cùng của hiện vật có chung số đo dài 58 cm, rộng 52 cm. Hai đường gờ trang trí (phần nhô ra) gần đều nhau về kích cỡ (5,5 cm và 6 cm), cũng có cùng số đo dài 66 cm, rộng 59 cm. Phần giữa của hiện vật nhỏ hơn so với 2 đầu của chính nó, có kích thước dài 63 cm, rộng 53 cm. Bốn mặt của hiện vật đều được trang trí bằng bốn khung hình chữ nhật chìm sâu độ 1,5 cm, có kích thước dao động trong khoảng dài 35-39 cm và rộng 9-10 cm. Hiện vật còn nguyên vẹn, trừ một góc đường gờ trang trí bị mẻ một miếng nhỏ.
Khối đá (sa thạch) cao 39 cm được đưa từ khu phế tích Champa về sân nhà ông Hòe, bà Lễ năm 1972. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Năm 1972, khối đá (sa thạch) cao 39 cm được đưa từ khu phế tích Champa về sân nhà ông Nguyễn Công Hòe. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku:Ngay sau khi đọc báo Gia Lai, tôi đã xuống địa phương gặp những người đang lưu giữ các hiện vật mà báo nêu và quan sát khu vực đền tháp cũ. Tôi sẽ chỉ đạo UBND xã An Phú tiến hành họp thôn 3, thôn 4 và các làng đồng bào dân tộc thiểu số xung quanh để thu thập những câu chuyện, hiện vật liên quan đến đền tháp này. Trong thời gian tới, UBND thành phố sẵn sàng hợp tác và mong nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản này. 
Hiện vật này là gì? Ngay sau khi đo vẽ, chúng tôi đã gửi hình ảnh và những thông tin liên quan tới nhiều nhà chuyên môn để tham khảo ý kiến. Nhà nghiên cứu Champa Trần Kỳ Phương-nguyên cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng-cho rằng: Đây có thể là đoạn giữa của một đài thờ. Phía dưới nó là bệ, trên nữa là bàn (ví dụ cánh sen) rồi đến tượng thờ. Tất nhiên, chưa thể biết người Chăm thờ gì trong trường hợp này và đài thờ đặt ở trong hay ngoài tháp, nhưng niên đại của nó tương tự như hiện vật đã phát hiện trước đó-thế kỷ XI-XIII.
Trong khi ông Trần Kỳ Phương loại trừ khả năng hiện vật này liên quan đến việc thờ linga và yoni thì TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) lại lưu ý rằng lỗ xuyên suốt từ mặt trên đến đáy dưới của hiện vật rất đáng lưu tâm. Bởi lẽ, khi thờ các sinh thực khí, người ta thường quan tâm đến sự liên thông giữa đất và trời.
Một nhà nghiên cứu Champa hàng đầu của Việt Nam cho rằng đây có thể là phần đế của một cây cột. Lỗ trên mặt đá dùng để cắm đầu chiếc cột (thường là hình tròn hoặc đa giác). “Ở khu di tích Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) có nhiều hiện vật kiểu này, đủ cả phần bệ và phần cột”-ông nói thêm.
Chia sẻ niềm vui với chúng tôi trước việc tìm thấy một số thông tin, hiện vật cụ thể từ xã An Phú, PGS-TS. Ngô Văn Doanh-nguyên Phó Viện trưởng Viện Đông Nam Á khẳng định đây là một phát hiện thú vị và địa phương nên có kế hoạch khảo sát, bảo vệ khu vực này.
Chúng tôi cũng đã liên hệ với GS-TS. Arlo Griffiths-chuyên gia quốc tế, người từng đến điền dã và dịch bia Tư Lương (huyện Đak Pơ) ra tiếng Anh năm 2018 để tìm thêm manh mối về phế tích này. Theo ông, rất có thể đây chính là địa điểm mà nhà khảo cổ lừng danh Henri Parmentier (1871-1949) từng dựa trên những bức thư của một nhà truyền giáo người Pháp để công bố thông tin ban đầu vào năm 1909. Ông hy vọng khu vực đền tháp Champa tại xã An Phú sẽ được khảo sát, khai quật một cách khoa học với sự chung tay của Viễn Đông Bác cổ Pháp-cơ quan GS-TS. Arlo Griffiths đang tòng sự.
3. Ông Nguyễn Công Hòe và tác giả bài viết bên cạnh hiện vật. Ảnh Nguyễn Thành.
Ông Nguyễn Công Hòe (bìa phải) và tác giả bên cạnh hiện vật. Ảnh: Nguyễn Thành
Như vậy, đến nay, nhiều dấu ấn văn hóa Champa đặc trưng đã được tìm thấy trên đất Gia Lai. Ngoài bức phù điêu Phật (niên đại thế kỷ VI-VII; đã được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2017), phế tích Bang Keng (tại Krông Pa; khai quật năm 2010), bia ký Tư Lương (tại Đak Pơ; công bố năm 2019), 2 bộ bàn nghiền mới được tìm thấy gần đây (năm 2020 và 2021) tại huyện Chư Păh, nhiều đền tháp và bia ký cũng đã được nhắc trong các tài liệu của người Pháp từ những năm đầu thế kỷ XX như Yang Mum, Drang Lai (thị xã Ayun Pa),…
Việc bước đầu tìm thấy những hiện vật còn tương đối nguyên vẹn từ một phế tích Champa tại xã An Phú (TP. Pleiku) cho phép cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học nghĩ tới nhiều phương án tiếp cận vấn đề nhằm bảo tồn di sản văn hóa địa phương.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Là gốm nhưng không phải... gốm

Là gốm nhưng không phải... gốm

Sau thời gian dài thực nghiệm, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (51 tuổi, ngụ 66 Chi Lăng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) sáng tạo thành công chất liệu mới có tên Việt kim diêu có thể đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật với nhiều đặc tính ưu việt.

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.