Hệ thống tên lửa Iskander của Nga. Ảnh: Sputnik |
Theo hãng TASS ngày 25/5 dẫn lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng việc di dời một số vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga đến Belarus đã bắt đầu.
"Trong bối cảnh leo thang cực kỳ nghiêm trọng về mối đe dọa ở biên giới phía tây của Nga và Belarus, quyết định được đưa ra là áp dụng các biện pháp đối phó trong lĩnh vực hạt nhân - quân sự", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết.
Theo ông Shoigu, tên lửa Iskander-M, có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, đã được bàn giao cho lực lượng vũ trang Belarus và một số máy bay Su-25 đã được chuyển đổi để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí năng suất thấp hơn được tạo ra để sử dụng trên chiến trường, trái ngược với vũ khí chiến lược có khả năng tàn phá khủng khiếp . Nga không tiết lộ nước này có bao nhiêu vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Trước đó, hôm 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố theo yêu cầu của Minsk, Moskva tiến hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông Putin nhấn mạnh quyết định này tương tự những gì Mỹ đã thực hiện từ lâu trên lãnh thổ của các đồng minh. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ quá trình xây dựng các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus hoàn tất trước ngày 1/7 tới.
Phản ứng trước động thái trên của Nga và Belarus, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, tuyên bố khối này sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Belarus cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Ông Borrell cũng gọi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus là động thái “leo thang” của Nga và là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu.
Trong khi đó, người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho rằng động thái của Nga và Belarus là quyết định sai lầm. NATO luôn cảnh giác và theo dõi chặt chẽ tình hình.
Mỹ cũng có tuyên bố tương tự. Hạ nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ thuộc đảng Cộng hòa cho biết, ông coi kế hoạch của Nga là nhằm đe dọa và khiến phương Tây lo sợ.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề này. Kiev bày tỏ các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an kịp thời có hành động trước mối đe dọa hạt nhân từ Nga.