(GLO)- Ở một góc của thị xã Ayun Pa, hàng ngày có những con người nhọc nhằn mưu sinh giữa bãi rác nhớp nhúa, hôi thối nồng nặc và đầy mầm bệnh.
8 giờ sáng, cái nắng của vùng đất cát Ayun Pa đã chói chang, bao phủ lấy bãi rác rộng chừng 1 ha. Với những người nhặt rác, cái nắng giống như một kẻ thù. Ở một vùng trũng trong bãi rác, nước của cơn mưa từ những ngày trước đọng lại thành một hố lớn đen ngòm. Nước hòa trộn với đủ loại rác, ủ trong nhiều ngày, nay gặp cái nắng gần 40 độ lại được dịp “tác oai tác quái”.
Những đứa trẻ từ nhỏ đã theo mẹ lên bãi rác. Ảnh: L.V.N |
Mùi hôi thối của hố nước tỏa ra đặc quánh, bao phủ từng mái chòi của người nhặt rác, ám lên người họ, xộc thẳng đến trí não. Nhưng dường như không ai nhận ra sự tồn tại của nó nữa bởi họ, trong đó có Ksor H’Ni (buôn Rưng, xã Ia Rbol) đã sống chung với nó rất lâu rồi. Từ ngày còn chập chững cắp sách đến trường cho đến tận bây giờ, khi không còn cắp chiếc cặp năm nào nữa mà thay vào đó là đứa con chỉ hơn 8 tháng tuổi trên lưng, H’Ni vẫn ngày ngày có mặt ở bãi rác.
“Ngày nhỏ cứ nghỉ học là em lại theo mẹ lên bãi rác này để nhặt lon, nhặt giấy bán kiếm tiền. Đã hơn 10 năm rồi, giờ em cũng nghỉ học, lấy chồng, sinh con nhưng không ai trông bé nên đành phải địu con lên đây”-H’Ni nói rồi ngoái ra phía sau nhìn đứa bé đang ngủ ngon lành trên lưng mẹ. Đứa bé ấy cũng như mẹ nó ngày xưa, lớn lên trên bãi rác ngập ngụa mùi hôi, dơ bẩn. H’Ni kể, em nghỉ học từ sớm vì không theo đuổi được ước mơ con chữ. 16 tuổi, em lấy chồng và sinh đứa con đầu lòng. Chồng H’Ni hàng ngày đi làm thuê làm mướn khắp nơi nhưng cũng không đủ ăn nên em đành địu con lên bãi rác làm cái nghề… “gia truyền”.
Ở bãi rác thị xã Ayun Pa có đến ba thế hệ cùng mưu sinh. Ông Nay Tuyn (buôn Rưng, xã Ia Rbol) là một trong những người có thâm niên nhất ở bãi rác này. Gần 70 tuổi, cái tuổi tưởng chừng đã được hưởng sự an nhàn nhưng ông vẫn chưa bỏ được cái nơi đã gắn bó với ông hơn 10 năm nay. Ông bảo, ông yêu nghề, yêu bãi rác, một ngày không lên cái nơi hôi thối ấy ông “bỗng dưng” nhớ nó đến kỳ lạ. Có lẽ bởi thế mà ông không cần đến một dụng cụ bảo hộ nào, từ bao tay, giày, đến khẩu trang… như thể ông muốn tận hưởng trọn vẹn cái “hương vị” sền sệt của bãi rác. Ông nói: “Mình, con mình, rồi giờ đến cháu mình cũng sống dựa vào bãi rác này. Nó thối thật, dơ thật nhưng rồi cũng quen, mình giờ chẳng ngửi thấy mùi gì nữa, chắc bị điếc mũi rồi…”.
Đang dở câu chuyện dưới mái chòi bé cỏn con làm bằng tấm bạt rách, ông Tuyn bỗng bật dậy khi từ phía xa, chiếc xe chở rác đang trờ đến. Không ai bảo ai, gần 15 con người già trẻ lớn bé cầm “đồ nghề” là những chiếc móc, cái cuốc ùa theo chiếc xe chạy về hướng đổ rác. Thùng xe bật nắp, tất cả rác rưởi với mùi hôi thối đặc nghẹt, nhờ nhợ cùng ùa xuống. Hơn chục con người dường như không để tâm đến cái thứ mà bất cứ người bình thường nào cũng cảm thấy “sởn gai ốc”. Đôi mắt họ đang đăm đăm nhìn vào những thứ được đổ ra từ xe rác. Những thứ ấy sẽ là cơm, là gạo, là tấm áo phẳng phiu cho con cháu, gia đình họ.
Tại bãi rác thị xã Ayun Pa, mỗi ngày có trên dưới 15 xe rác với gần 20 con người sống dựa vào những xe rác ấy. Ông Tuyn cho biết, những người ở đây chủ yếu nhặt các loại bao bì, giấy và may mắn là một số ít vỏ lon. Tất cả được tích tụ lại khoảng mỗi tuần một lần sẽ có người đến thu mua. Mỗi tuần chăm chỉ bám lấy bãi rác, một người có thể kiếm được 500-700 ngàn đồng. “Cũng vất vả thật nhưng có chút tiền mua gạo là mừng rồi. Mình từng này tuổi cũng không đi làm nương, làm rẫy được thì đi nhặt rác thôi. Nhiều khi nhặt được đồ hư người ta vứt đi mình mang về sửa lại chút là lại dùng được”-ông Tuyn tâm sự.
Mặt trời đứng bóng, khi cơn đói đã ập đến, họ lại tập trung trong những mái chòi lọt thỏm giữa bãi rác rồi lấy cơm nắm ra ăn vội ăn vàng trước khi xe rác tới. Xung quanh họ, bốn phía đều là lũ ruồi nhặng bám thành từng mảng ken đặc vo ve, là rác và rác…
Lê Văn Ngọc