Phấn đấu thu nội địa tăng 10% so với dự toán giao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý là hầu hết các khoản thu từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng tích cực. Xung quanh nội dung này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính về những giải pháp góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những tháng còn lại của năm.

* P.V: Xin ông cho biết những điểm sáng về công tác thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm?
 

Ông Nguyễn Anh Dũng. Ảnh: Sơn Ca
Ông Nguyễn Anh Dũng. Ảnh: Sơn Ca

- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn thực hiện đến ngày 30-6 là 3.105 tỷ đồng, đạt 57,3% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 53,3% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa là 3.083 tỷ đồng, đạt 61,5% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 56,8% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Thông qua kết quả thu nội địa cho thấy, nền kinh tế đang tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng, thể hiện rất rõ qua các nội dung thu vượt tiến độ và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước như: thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương bằng 109,3%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bằng 140,9%, khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh bằng 113,2%. Trong bối cảnh bức tranh kinh tế địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đang thích ứng rất tốt với trạng thái bình thường mới đã tạo ra dòng chảy ổn định vào ngân sách nhà nước xuyên suốt trong 6 tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, một số khoản thu, sắc thuế cũng có sự tăng trưởng, đóng góp tích cực vào ngân sách như: lệ phí trước bạ bằng 135,1% so với cùng kỳ, thuế thu nhập cá nhân bằng 177% so với cùng kỳ...

* P.V: Theo yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đặt ra, chi ngân sách nhà nước đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Chi ngân sách địa phương thực hiện đến ngày 30-6 là 5.803 tỷ đồng, đạt 44,6% dự toán Bộ Tài chính giao và 43,2% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên là 4.066 tỷ đồng, đạt 43% dự toán Bộ Tài chính và 43,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021. Chi đầu tư phát triển là 1.735 tỷ đồng, đạt 51,8% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 46,2% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 65,3% so với cùng kỳ.

Liên quan đến chi đầu tư phát triển, năm nay, UBND tỉnh thực hiện giao kế hoạch vốn đầu tư công làm 3 đợt. Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã phân bổ vốn ngay trên hệ thống Tabmis. Các công trình được giao vốn đợt sau hiện đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Một số công trình thực hiện từ nguồn ngân sách cấp tỉnh đầu tư, do nguồn thu từ tiền sử dụng đất còn chậm so với tiến độ nên tỷ lệ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng.       

Cán bộ Chi cục Thuế TP. Pleiku hướng dẫn hộ kinh doanh kê khai thuế. Ảnh: Đức Thụy
Cán bộ Chi cục Thuế TP. Pleiku hướng dẫn hộ kinh doanh kê khai thuế. Ảnh: Đức Thụy


* P.V: Theo ông, Sở Tài chính triển khai những giải pháp nào để góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những tháng còn lại của năm?

- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Trên cơ sở đánh giá, phân tích, thẳng thắn chỉ ra từng yếu tố đạt và cần phải đạt, Sở Tài chính đã tham mưu giúp UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo điều hành ngân sách nhà nước, quyết tâm phấn đấu thu nội địa tăng 10% so với dự toán giao.

Theo đó, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh, chính quyền địa phương các cấp tham mưu UBND tỉnh các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, gắn với việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị trong ngành Tài chính tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện kịp thời các chính sách của Chính phủ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Song song với đó, Sở và các đơn vị hữu quan tập trung khai thác kịp thời nguồn thu từ các dự án có thu tiền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất để tái chi đầu tư phát triển cũng như gia tăng giá trị các nguồn thu từ đất.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

 SƠN CA (thực hiện)

 

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.