Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch:

Phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu, kế hoạch năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết đã được lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đề ra tại hội nghị sơ kết công tác tháng 1, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 2-2023 diễn ra vào sáng 3-2. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Thị Thanh Lịch, Dương Mah Tiệp chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành.

Khởi đầu tích cực

Tại hội nghị, các đại biểu đã bày tỏ sự phấn khởi khi trong tháng đầu tiên của năm 2023, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, áp lực lãi suất tăng cao… nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất của UBND tỉnh, Gia Lai cơ bản thực hiện tốt việc phòng-chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo cho Nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh và an toàn. Các chỉ tiêu, kế hoạch chủ yếu hầu hết đều bằng và vượt so với cùng kỳ năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Theo đó, tính đến ngày 26-1, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh là 64.787,8 ha (đạt 83,6% kế hoạch, tăng 2,7%). Tỉnh đã tổ chức thẩm định kế hoạch giao rừng năm 2023 cho 5 huyện (Ia Grai, Đak Pơ, Mang Yang, Kông Chro, Krông Pa) với diện tích dự kiến 6.548,47 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đang thẩm định thêm 7 xã); 3/17 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 1 tăng 5,75%; Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,64% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 2.120,6 tỷ đồng (tăng 5,69%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 10.000 tỷ đồng (tăng 62,78%). Tổng doanh thu vận tải tháng 1 ước đạt 458,7 tỷ đồng (tăng 4,73%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 80 triệu USD (tăng 14,29%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 7 triệu USD (tăng 7,7%). Tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn tính đến ngày 30-1 là 608,2 tỷ đồng (đạt 11,2% so với dự toán Trung ương giao và 10,3% so với dự toán HĐND tỉnh giao).

Trong tháng có 40 doanh nghiệp và 18 đơn vị trực thuộc được thành lập mới với tổng vốn đăng ký 450 tỷ đồng; 5 doanh nghiệp giải thể, 12 doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động và 15 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Lũy kế số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh ước đến ngày 31-1 là 8.545 doanh nghiệp. Trong tháng, toàn tỉnh cũng có 7 hợp tác xã ngưng hoạt động, 2 hợp tác xã giải thể, hiện còn 386 hợp tác xã.

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm và bước đầu khởi sắc. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại được thực hiện tốt.

Trước những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch biểu dương các sở, ngành, địa phương đã đôn đốc triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm và rà soát, hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của năm 2022. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, các cấp ngành, địa phương đã tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, chuẩn bị chu đáo các mặt công tác để người dân đón Tết trong không khí sum vầy, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên thông tin về công tác hỗ trợ cho các đối tượng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên thông tin về công tác hỗ trợ cho các đối tượng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh: Đức Thụy

Thông tin thêm tại hội nghị về công tác hỗ trợ Tết, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên cho hay: Để đảm bảo cho mọi người, mọi nhà đều “có Tết”, tỉnh đã chi ngân sách trên 44,61 tỷ đồng để hỗ trợ Tết cho các đối tượng và các hoạt động phục vụ Tết; tổ chức thăm, tặng 32.597 suất quà cho gia đình chính sách, người có công với tổng kinh phí 10,42 tỷ đồng; tặng hơn 155 ngàn suất quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí 48,11 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương phân bổ kịp thời số gạo hỗ trợ Tết và thời gian giáp hạt mà Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho Nhân dân…

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thị trường, giá cả trước, trong và sau Tết được quản lý tốt, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý. Giao thông bảo đảm thông suốt. Các hoạt động văn hóa được tổ chức thiết thực, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ chuẩn bị nhiều loại hình vui chơi, giải trí, ẩm thực phục vụ người dân và du khách. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để xảy ra cháy nổ…

Gỡ “nút thắt” để hoàn thành nhiệm vụ

Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các đại biểu tập trung phân tích khó khăn, vướng mắc; đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2, quý I cũng như cả năm 2023 để có giải pháp tháo gỡ nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch, chương trình đã đề ra.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản trong năm 2023. Ảnh: Đức Thụy
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản trong năm 2023. Ảnh: Đức Thụy

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Trong tháng 1, các chủ đầu tư tập trung thanh toán vốn đầu tư các dự án thuộc kế hoạch năm 2022. Tính đến ngày 30-1, toàn tỉnh giải ngân đạt 74,56% kế hoạch. Sở dĩ tiến độ giải ngân chậm là do công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành chưa thật sự đồng bộ; quá trình triển khai các thủ tục mất khá nhiều thời gian. Thêm vào đó, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, nhất là các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn; kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chậm được phê duyệt; giá cả vật liệu đầu vào tăng cao dẫn đến phải điều chỉnh dự toán…

Để công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2023 đạt hiệu quả cao, đảm bảo tiến độ giải ngân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh kiện toàn 4 tổ công tác đã thành lập trong năm 2022 để tiếp tục có sự lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ các vướng mắc ngay từ những ngày đầu năm. Mặt khác, các chủ đầu tư cũng cần đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình chuyển tiếp, đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án mới, lưu ý lựa chọn nhà thầu có năng lực; phân công cụ thể vai trò lãnh đạo, cán bộ theo dõi, chỉ đạo điều hành công việc ở tất cả các khâu để nắm bắt và đôn đốc kịp thời; gắn trách nhiệm của người đứng đầu chủ đầu tư với kết quả giải ngân vốn đầu tư công… Đề nghị Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Tài chính cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá tiêu dùng theo tháng để làm cơ sở điều chỉnh các gói thầu kịp thời; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các địa phương rà soát cấp giấy phép các mỏ nguyên liệu để cung ứng đủ nguồn nguyên vật liệu cho các dự án. Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chuyển vốn của các dự án triển khai chậm sang các dự án có khả năng đầu tư tốt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân…

Việc lập các cấp độ quy hoạch cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tại hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cho rằng, có 4 nhóm nguyên nhân chủ yếu tạo nên “nút thắt” trong công tác lập quy hoạch. Đó là nhận thức của nhiều ngành, địa phương về tầm quan trọng của việc lập quy hoạch còn hạn chế; nguồn lực cho quy hoạch; năng lực của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chậm, thiếu nhịp nhàng. Chỉ khi giải quyết được những vấn đề trên thì mới có thể khơi thông “điểm nghẽn” trong quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp phân tích về nguyên nhân chủ yếu tạo nên “nút thắt” trong công tác lập quy hoạch. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp phân tích về nguyên nhân chủ yếu tạo nên “nút thắt” trong công tác lập quy hoạch. Ảnh: Đức Thụy

Về phòng-chống dịch bệnh, ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc Sở Y tế-thông tin: Dự báo tình hình dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp; nguy cơ tái nhiễm đối với các biến thể mới rất dễ xảy ra. Vì vậy, UBND tỉnh và các địa phương cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt về công tác tiêm vắc xin phòng dịch. Riêng công tác đảm bảo thuốc trong thời gian đến, ngành Y tế đã phê duyệt kế hoạch kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói trúng thầu về thuốc giai đoạn 2023-2024 cho 32 cơ sở khám-chữa bệnh trong toàn tỉnh với 707 mặt hàng thuốc và 21 danh mục thuốc y học cổ truyền với tổng giá trị trúng thầu trên 792 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số nội dung khác cũng được đề cập tại hội nghị như: tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp và phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; công tác quản lý và bảo vệ rừng, trồng rừng, xây dựng kế hoạch phòng-chống cháy rừng trong mùa khô; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 và bảng giá đất điều chỉnh bổ sung của các địa phương; tình hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các sở, ngành liên quan cần tham mưu giúp UBND tỉnh chủ trì tổ chức các cuộc họp chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công gắn với nhiệm vụ lập quy hoạch; các dự án đầu tư và thu hút đầu tư; rà soát, đề xuất danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia… ngay trong quý I năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, chủ động khắc phục những hạn chế, tồn tại để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”. Trước mắt là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục chỉ đạo triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; hoàn thành đúng tiến độ các nội dung theo kế hoạch, chương trình làm việc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 và các quy hoạch về xây dựng để làm căn cứ quản lý, phát triển và thu hút đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn sớm mang lại hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới; giảm thiểu tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí; thực hiện tốt công tác tuyển gọi công dân nhập ngũ năm 2023 đảm bảo chỉ tiêu được giao và công tác diễn tập khu vực phòng thủ…

Có thể bạn quan tâm

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng 13-1. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư. 

Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia

Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.