Ông Đinh La Thăng nộp 4,5 tỉ đồng trong tổng số 630 tỉ đồng thi hành án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, ông Đinh La Thăng đã nộp được 4,5 tỉ đồng trên tổng số 630 tỉ đồng phải thi hành trong hai vụ án.

Chiều 2.4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.

Trả lời báo giới về nội dung thu hồi tài sản nhà nước trong 2 vụ án liên quan đến cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Đinh La Thăng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cho biết, ông Đinh La Thăng đã nộp được 4,5 tỉ đồng trên tổng số 630 tỉ đồng phải thi hành trong hai vụ án. Số tiền này là do xử lý căn nhà chung của vợ chồng ông Thăng.

 

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: Tùng Giang
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: Tùng Giang


"Căn nhà đứng tên hai vợ chồng nên vợ ông Thăng đã nộp một nửa tiền trị giá căn nhà để thi hành án cho chồng", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, hai vụ án cố ý làm trái đã tuyên năm 2018 số tiền phải thu hồi là gần 800 tỉ đồng. Trong đó, riêng ông Thăng là 630 tỉ đồng.

Liên quan đến việc thu hồi tài sản trong hai vụ án của Trịnh Xuân Thanh, Cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Sơn thông tin, trong hai vụ này phải thi hành án là 122 tỉ đồng. Hiện đã thi hành xong 31 tỉ đồng, còn 91 tỉ đồng phải nộp. Hiện chưa có số chi tiết về số tiền Trịnh Xuân Thanh đã nộp.

Cũng theo ông Sơn, việc thi hành án dân sự trong các vụ án tham nhũng, chức vụ đều có khó khăn chung vì phải có tiền và tài sản mới thi hành án được.

"Số tiền trong các vụ này phải thu hồi rất lớn. Tuy nhiên từ khi điều tra, xét xử đến lúc thi hành án thì tài sản xác minh và kê biên được thường không nhiều", ông Sơn giải thích.

Cũng tại buổi họp, ông Sơn cho hay, từ tháng 10.2020 đến 2.2021, các cơ quan thi hành án dân sự trên cả nước đã thi hành xong 178.437/401.574 việc có điều kiện thi hành án (đạt tỷ lệ 44,43%) tương ứng khoảng 19.000 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 13,5%).

 


Ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị bắt từ ngày 8.12.2017. Ông Thăng sau đó liên tiếp bị truy tố, xét xử trong bốn vụ án.

Năm 2018 ông Thăng bị phạt 30 năm tù trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương với các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng.

Đến cuối năm 2020, ông Đinh La Thăng tiếp tục bị TAND TP.HCM phạt thêm 10 năm tù trong vụ án thứ ba, liên quan sai phạm bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương.

Gần đây nhất, ông Thăng lĩnh thêm 11 năm tù với cáo buộc chỉ định thầu trái quy định trong dự án Ethanol Phú Thọ. Tổng cộng bốn bản án đã được tuyên, cựu chủ tịch PVN phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.

Ngoài ra, ông Thăng buộc phải bồi thường dân sự 600 tỉ đồng trong hai vụ án bị tuyên năm 2018; 200 tỉ đồng trong vụ án ethanol Phú Thọ (hiện chưa có hiệu lực pháp luật).

Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cũng bị tuyên phạt mức hình phạt chung thân sau ba vụ án, bồi thường dân sự hơn 173 tỉ đồng.

https://laodong.vn/phap-luat/ong-dinh-la-thang-nop-45-ti-dong-trong-tong-so-630-ti-dong-thi-hanh-an-895209.ldo

 

Theo TÙNG GIANG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.