"Nóng" thị trường đổi tiền lẻ dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ đã tăng cao. Trên các trang mạng xã hội, dịch vụ đổi tiền ăn chênh được quảng cáo công khai bất chấp vi phạm quy định của pháp luật.  
Nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán và đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích để hạn chế tiêu cực, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội.
Tuy chủ trương đã có, thế nhưng, trên thực tế dịch vụ đổi tiền lẻ dịp Tết vẫn diễn ra hết sức rầm rộ. Những ngày này, chỉ cần lên mạng, gõ dòng chữ “Đổi tiền mới” lập tức sẽ hiện ra hàng trăm địa chỉ với lời chào mời “Đổi tiền tết, tiền lẻ, tiền mới, cam kết tiền thật 100%, tiền nguyên seri” để khách hàng tha hồ lựa chọn.
Trong vai một khách hàng cần đổi tiền, gọi theo số điện thoại 0988301xxx, trên trang facebook có tên Đổi tiền mới, văn phòng đặt tại Lê Văn Lương, phóng viên được người bán hàng tư vấn về dịch vụ hết sức nhiệt tình.
Theo anh này, phí đổi tiền giao động từ 8% đến 20% tùy mệnh giá. Mệnh giá tiền càng lớn thì phí đổi càng thấp. Ví dụ, nếu đổi tờ mệnh giá 1.000 đồng thì phí là 20%, 5.000 đồng phí 12%, 10.000 đồng phí 10%, 20.000 đồng phí 8% và 50.000 đồng phí 7%. Nếu lấy theo cọc 1.000 tờ thì mức phí sẽ thấp hơn.
 
Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới được rao bán công khai trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình Facebook bán hàng)
Một trang facebook đổi tiền mới khác cũng công khai chào mời dịch vụ đổi tiền mới 100%, nguyên seri, giá thấp nhất thị trường Hà Nội với mức phí cụ thể: 50.000 đồng là 3%, 10.000 - 20.000 đồng là 8%, 2.000 – 5.000 đồng là 10% còn 1.000 đồng là 20%. Đổi càng nhiều thì phí đổi càng giảm.
Điều đáng nói hơn, ngoài các mặt hàng là tiền Việt Nam thì các loại tiền ngoại mà đặc biệt là đô la Mỹ cũng được rao bán một một cách công khai dù đây là việc trái với quy định của pháp luật.
Còn ở thị trường bên ngoài, các điểm đổi tiền cũng mọc lên ở nhiều nơi. Thậm chí, trước cửa đền chùa, việc đổi tiền diễn ra khá công khai không kém mạng xã hội. Nguồn cung tiền còn được quảng cáo là dồi dào...
Trước tình trạng dịch vụ đổi tiền nở rộ dịp Tết Mậu Tuất 2018, ngày 27/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 48/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên Đán, trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.
Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xem xét, xử phạt, với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Càng cận Tết, thị trường đổi tiền càng nhộn nhịp. Giá đổi tiền cũng nhảy múa từng ngày. Quy định đã có, thế nhưng hành vi mua bán tiền vẫn diễn ra công khai.
Vậy cần làm gì để có thể ngăn chặn tình trạng này, nhất là khi các chủ kinh doanh đang lợi dụng triệt để mạng xã hội để “lách” sự kiểm soát của cơ quan chức năng?
Lê Thắm (LĐTĐ)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).