Đề tài hướng đến mục tiêu lưu giữ, bảo tồn nguồn gen, vừa lai tạo những giống lúa mới chất lượng cao để cung cấp cho người dân sản xuất trong những vụ tới.
Thành quả bước đầu
Quá trình thực hiện đề tài BOLD trong vụ mùa 2023, Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh thiết kế cho mỗi loại giống 1 lô có diện tích khoảng 3 m2. Trong đó có những giống đối chứng về khả năng chống chịu sâu bệnh gây hại như: OM1490, tẻ tép, PBT33, TN1; giống đối chứng về năng suất cao như: OM5451; giống chịu khô hạn CH5…
Đặc biệt, Trung tâm sử dụng phương pháp cấy truyền thống. Mỗi loại giống được ngăn cách với nhau và theo dõi liên tục từ lúc cấy đến lúc trổ bông, nhất là các chỉ tiêu quan trọng như: khả năng sinh trưởng phát triển, kháng sâu bệnh, chống chịu hạn và năng suất, chất lượng hạt gạo.
Ông Trần Trung Phương-Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh-cho biết: “Khi đưa cây lúa từ khay ra cấy xuống ruộng, chúng tôi thường xuyên theo dõi, thu thập, đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của 270 giống lúa bản địa trong 45 ngày.
Sau đó, chúng tôi chọn ra những giống lúa chắc, khỏe, năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để làm cơ sở cho việc lai tạo các giống lúa mới tiếp tục trồng khảo nghiệm thêm 2-3 vụ trước khi cung cấp cho người dân sản xuất”.
Ruộng lúa nhân dòng tại Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh. Ảnh: N.D |
Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Quang Tín-Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ: Đề tài BOLD đã triển khai tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tạo ra nhiều giống lúa rất triển vọng.
Riêng tại Gia Lai, hiện nay, nhà trường đang phối hợp thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh và Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện). Mục đích là tìm ra những bộ giống phù hợp, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở từng vùng, khu vực khác nhau trong tỉnh.
“Qua vụ đầu tiên trồng thí nghiệm, chúng tôi bắt đầu xác định được những giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh, giống phù hợp với thổ nhưỡng và giống chịu hạn để tiếp tục trồng khảo nghiệm ở nhiều vùng khác nhau.
Vì vậy, hiện nay, chúng tôi chưa đặt tên giống lúa cụ thể. Phải qua 1-2 vụ sản xuất nữa, nếu mọi thứ thuận lợi thì mới đặt tên chính thức cho từng giống lúa để người dân tiếp cận sản xuất”-ông Tín cho biết.
Tiếp tục khảo nghiệm để nhân rộng
Bà Hoàng Thị Loan (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku) cho biết: Vụ mùa vừa rồi, bà tham gia trồng khảo nghiệm một số dòng lúa bản địa được Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh và Trường Đại học Cần Thơ thu thập trên khắp cả nước. Bước đầu cho thấy, các giống lúa này chín đều, dài hạt, thời gian sinh trưởng trung ngày.
“Tôi thu hoạch 2 ha được khoảng 10 tấn lúa giống cung ứng lại cho Trung tâm để tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, năng suất, khả năng chống chịu hạn và các loại sâu bệnh. Từ đó, Trung tâm tìm ra bộ giống chất lượng cao để lai tạo và nhân rộng phục vụ người dân sản xuất”-bà Loan chia sẻ.
Còn ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai-thông tin: Vụ mùa 2023, Hợp tác xã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ trồng khảo nghiệm 13 bộ giống lúa bản địa thu thập từ nhiều vùng. Qua thu hoạch, một số bộ giống cho năng suất 1 tấn/sào, cao hơn so với các giống lúa truyền thống đang sản xuất tại địa phương.
“Hiện nay, Hợp tác xã đang tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ trồng thí nghiệm trong 2 vụ tới để đánh giá nhiều tiêu chí cụ thể nhằm tìm ra bộ giống tốt nhất cho các thành viên và người dân trên địa bàn huyện đưa vào sản xuất”-ông Nghĩa nói.
Người dân cấy các giống bản địa. Ảnh: N.D |
Trao đổi với P.V, ông Phạm Cường-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh-cho biết: Trung tâm đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ trồng thí nghiệm 100 dòng lúa triển vọng để đánh giá sự thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, năng suất, khả năng chống chịu hạn và sâu bệnh gây hại.
Quá trình thí nghiệm các dòng lúa tại khu vực ruộng của Trung tâm ở xã An Phú (TP. Pleiku) bước đầu tìm ra những giống lúa phù hợp với điều kiện của địa phương. Hiện nay, 2 đơn vị tiếp tục phối hợp thực hiện nhằm chọn ra khoảng 15 giống lúa triển vọng nhất để tiếp tục khảo nghiệm và nhân rộng.
“Quan trọng nhất hiện nay là tìm ra nguồn gen quý hiếm của các giống lúa bản địa để phục vụ công tác lưu giữ, bảo tồn, vừa lai tạo ra những giống lúa chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh gây hại để sản xuất ra hạt gạo thơm ngon đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh cho hay.