Nỗ lực dập dịch tả heo châu Phi tại Ia Rsươm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay khi phát hiện ổ bệnh dịch tả heo châu Phi tại xã Ia Rsươm, UBND huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với địa phương triển khai các biện pháp dập dịch, không để lây lan ra diện rộng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh động vật huyện Krông Pa, ngày 8-9, tại hộ ông Phạm Văn Sinh (thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm) có 4 con heo bị bệnh chết. Sau đó, cơ quan chuyên môn của huyện đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng V, kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi. Ngày 13-9, UBND huyện ban hành Quyết định số 515/QĐ-UBND công bố dịch bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn xã Ia Rsươm; trong đó, vùng dịch bị uy hiếp là các xã Uar, Chư Rcăm, Ia Rsai; vùng đệm là xã Chư Drăng, Chư Gu. Tiếp đó, từ ngày 13 đến 20-9, tại hộ ông Ngô Đăng Hải (cùng thôn) cũng có 17 con heo bị chết phải tiêu hủy với trọng lượng 407 kg. Đến ngày 24-9, tại hộ anh Phạm Văn Bình (cùng thôn) tiếp tục có 1 con heo nái và 1 con heo thịt bị bệnh dịch tả châu Phi.

 Người dân xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) rắc vôi khử trùng khu vực chuồng nuôi heo của gia đình. Ảnh: Lê Nam
Người dân xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) rắc vôi khử trùng khu vực chuồng nuôi heo của gia đình. Ảnh: Lê Nam



Ông Sinh cho biết: Gia đình ông chăn nuôi heo từ năm 2019. Trung bình trong chuồng có khoảng 50-80 con heo. Ngày 8-9 vừa qua, 1 con heo nái có triệu chứng bỏ ăn, nằm một chỗ, trên da nổi mẩn đỏ và chết. Sau đó, 4 con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng cũng có triệu chứng như con heo nái và chết. Thấy vậy, gia đình ông đã báo cáo với chính quyền địa phương. “Khi biết heo bị bệnh dịch tả châu Phi, gia đình tôi phối hợp với lực lượng của xã, huyện tiến hành tiêu hủy theo quy định. Đồng thời, phun thuốc và rắc vôi bột hàng ngày để tiêu diệt mầm bệnh. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã tiêu hủy 30 con heo bị bệnh chết với trọng lượng 2.179 kg, ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng”-ông Sinh chia sẻ.

Còn anh Bình thì cho hay: “Thời gian qua, việc chăn nuôi heo gặp khó khăn khi giá thức ăn tăng cao mà giá heo lại giảm. Hiện đàn heo của gia đình tôi lại đang bị dịch bệnh nên càng khó khăn hơn”.

Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh trên đàn heo, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của huyện Krông Pa khẩn trương dập tắt ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Ông Rah Lan Baih-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rsươm-thông tin: Toàn xã có hơn 1.130 con heo của 224 hộ dân. Ngay sau khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi, UBND xã đã thành lập chốt kiểm dịch động vật và cắm biển báo khu vực có dịch tại thôn Quỳnh Phú. Cùng với đó, xã tiến hành phun khử khuẩn ổ dịch và các hộ chăn nuôi lân cận. Đồng thời, thông báo đến các thôn, buôn, người dân để chủ động phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng môi trường chăn nuôi. Vận động các hộ chăn nuôi khai báo khi có heo bệnh và để kịp thời xử lý và dập dịch, hạn chế lây lan, phát sinh các ổ dịch mới.

Trao đổi với P.V, ông Âu Thành Trung-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Khi xuất hiện ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh động vật huyện đã triển khai ngay các biện pháp phòng-chống dịch kịp thời. Trung tâm phối hợp chặt chẽ với UBND xã triển khai các biện pháp bao vây, khống chế, xử lý triệt để các ổ dịch. Đối với hộ có heo bị chết, tiến hành kiểm đếm và tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh, phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các khu vực xung quanh. Đồng thời, hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.

“Hiện nay, chúng tôi tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, vận động người dân cam kết không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết, không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết, không vứt heo chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nhấn mạnh.

 

 LÊ NAM
 

 

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.