Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Hà Duy |
Doanh nghiệp nên cởi mở hơn
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, nhà báo Huỳnh Kiên-Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Gia Lai chia sẻ: “Hiện Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai có gần 300 hội viên. Nhiệm vụ của báo chí trên địa bàn tỉnh là góp phần tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời, tuyên truyền những nhiệm vụ chung của tỉnh, trong đó có nhiệm vụ đồng hành cùng với sự phát triển của doanh nghiệp tỉnh. Về phía các doanh nghiệp cũng đã tích cực tuyên truyền, quảng bá hoạt động của doanh nghiệp, góp phần đưa kinh tế-xã hội tỉnh phát triển. Đây là nhiệm vụ tương đồng giữa báo chí và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều lúc 2 bên chưa có cơ hội chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau phát triển. Vì vậy, buổi tọa đàm chính là cơ hội để 2 bên cùng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau đồng hành và phát triển trong thời gian tới”.
Với tinh thần cởi mở và xây dựng, thông qua các ý kiến chia sẻ của các đại biểu, buổi tọa đàm đã làm rõ được nhiều vấn đề liên quan đến vai trò của báo chí đối với môi trường kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp; trách nhiệm, sứ mệnh của doanh nhân và người làm báo cách mạng; sự đồng hành trong việc đấu tranh với những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, hành vi tiêu cực của doanh nghiệp, doanh nhân, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính; đề xuất những biện pháp bền vững, hiệu quả để các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền, đưa thông tin một cách đúng đắn, từ đó nâng cao uy tín, giá trị của cơ quan báo chí, từng bước xây dựng niềm tin với doanh nghiệp.
Nhà báo Huỳnh Kiên-Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Gia Lai phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy |
Nhà báo Lê Văn Nhung-Thư ký Hội Nhà báo tỉnh, Trưởng phòng Kinh tế-Pháp luật (Báo Gia Lai) chia sẻ: Thực tế cho thấy các doanh nghiệp đang tồn tại nỗi lo từ thông tin báo chí thiếu minh bạch, gây bất lợi, làm tổn hại đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp, vì vậy, một số doanh nghiệp chưa có sự hợp tác, chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí... Điều này vô tình tạo nên hố sâu ngăn cách, khiến sự hiệu quả trong hợp tác truyền thông giữa báo chí và doanh nghiệp chưa đạt kỳ vọng.
"Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp rất cần báo chí trong việc tư vấn kịp thời về truyền thông để doanh nghiệp phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, cũng như xử lý tốt nhất những rắc rối trong khuôn khổ pháp luật; ngược lại, doanh nghiệp là nơi cung cấp cho báo chí những thông tin thực tế và khách quan nhất, để báo chí thể hiện được chức năng thông tin, vai trò phản biện, khẳng định được vị trí, uy tín, thương hiệu trong lòng công chúng. Đây là mối quan hệ tương hỗ, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi, cần được phát triển trên cơ sở tin cậy, tôn trọng lẫn nhau”-nhà báo Lê Văn Nhung nêu quan điểm.
Còn nhà báo Nguyễn Khắc Quang-Phó Giám đốc Đài PTTH tỉnh bày tỏ: “Thỉnh thoảng, đâu đó trong làng báo cả nước cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Nhưng trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua, hầu như không có tình trạng báo chí tiêu cực phải xử lý. Chúng tôi chủ yếu tiếp cận doanh nghiệp với mục đích xây dựng, tích cực.. Vậy nên, các doanh nghiệp cần phối hợp tốt hơn nữa để báo chí chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh đến với công chúng. Về phía chúng tôi luôn cố gắng để có những thông tin tốt, đồng hành cùng với doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển chung của tỉnh nhà”.
Phân loại chanh dây tại Nhà máy chế biến chanh dây Quicornac (Khu công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy |
Nhà báo Nguyễn Sơn-Báo Quân đội nhân dân, Chi hội Nhà báo các báo thường trú đề nghị: “Báo chí chính thống là dòng thông tin chủ lưu, mang tính định hướng, chủ chốt, đúng và chính xác, có lợi cho địa phương, cho nhân dân, cho Đảng, cho doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong doanh nghiệp nâng cao hơn nữa văn hóa doanh nghiệp, văn hóa ứng xử với báo chí. Tôi cũng mong Hội Nhà báo làm tốt hơn nữa công tác kết nối với doanh nghiệp để việc cung cấp thông tin được thuận lợi hơn, để báo chí có những tin bài chính xác, kịp thời hơn”.
Đồng hành để doanh nghiệp phát triển
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, báo chí đã từng bước cải thiện chất lượng hiệu quả thông tin, tuyên truyền theo hướng thực chất, phù hợp và kịp thời, đã thực sự góp phần không nhỏ trên bước đường đi lên của doanh nghiệp trong tỉnh.
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề xuất nên mở chuyên mục Diễn đàn Doanh nhân. Ảnh: Đức Thụy |
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhận định: Trong nhiều năm qua, sự hợp tác của báo chí với doanh nghiệp ngày càng được hình thành ở cấp độ lũy tiến, đã và đang trở thành một xu thế. Trong giai đoạn tới, báo chí Gia Lai tiếp tục nâng tầm hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp và doanh nghiệp, đảm bảo nguồn thông tin để sản xuất những tác phẩm báo chí theo các nội dung, chủ đề cốt lõi như: Truyền thông về Nghị quyết số 41- NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; có những tác phẩm phân tích chuyên sâu về các giải pháp để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột là công nghệ-lao động-liên kết; các cơ quan báo chí nghiên cứu mở chuyên mục Diễn đàn Doanh nhân, hoặc chủ trì phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức trực tiếp diễn đàn này theo định kỳ với mục đích kết nối doanh nhân, doanh nghiệp, tạo kênh để trao đổi, tương tác, tạo dựng quan hệ liên kết. Đặc biệt, tôi đề xuất cơ quan báo chí có chuyên mục dạng như “Quà tặng tâm hồn” mà nhân vật chính là nam, nữ doanh nhân”.
Còn ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai chia sẻ: “Tôi luôn mong báo chí sẽ phản ánh được những trăn trở của doanh nghiệp, cùng đồng hành chặt chẽ với doanh nghiệp trong hành trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Có khá nhiều vấn đề mà chúng tôi đang mong báo chí vào cuộc, góp tiếng nói để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là những thời điểm các ngân hàng đều siết chặt tín dụng, gây áp lực, khó cho doanh nghiệp và áp lực cho nông dân vì bị ép giá. Hay như thời gian này, các doanh nghiệp cũng rất mệt mỏi về các quy định trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Chúng tôi rất mong có đợt rà soát lại các ngành nghề để phân loại ngành nghề nào có nguy cơ cháy cao, ngành nghề nào có nguy cơ cháy thấp để từ đó, các doanh nghiệp có mức đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy phù hợp, tránh lãng phí”.
Ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai đã có những ý kiến tâm huyết tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hà Duy |
Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan “đầu mối” kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền địa phương, đồng thời cũng là kênh mà đội ngũ báo chí thường liên hệ để có những thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Để tiếp tục phát huy vài trò “cầu nối” này, ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra giải pháp: “Lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, nên hoạt động chưa đồng đều. Sự phát triển của đội ngũ này cần có “mảnh đất” để phát triển. Thực tế cho thấy, mối quan hệ, sự phối hợp giữa doanh nghiệp với báo chí chưa được tốt lắm, điều này cũng ảnh hưởng đến công tác quảng bá, lan tỏa sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Sở sẽ tích cực phối hợp với Hiệp hội, Hội doanh nghiệp của tỉnh làm cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp với báo chí tỉnh, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, báo chí cũng phát huy vai trò để quảng bá mạnh mẽ sản phẩm của Gia Lai”.
Kết luận tại buổi tọa đàm, nhà báo Huỳnh Kiên-Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Gia Lai bày tỏ: "Là buổi đầu tổ chức, nhưng buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến bổ ích từ các đại biểu. Mặc dù Báo Gia Lai, Đài PTTH tỉnh Gia Lai là cơ quan báo chí địa phương, nhưng những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, chúng tôi khẳng định hội đủ năng lực để làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng hình ảnh, thông tin của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lan tỏa ra bên ngoài. Ranh giới giữa báo Trung ương và địa phương đang dần thu hẹp, cả về chất lượng, số lượng độc giả, độ lan tỏa... Tôi mong sau buổi tọa đàm, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, các sở, ngành... hiểu hơn về báo chí, về doanh nghiệp để cùng đồng hành, tạo điều kiện cho chúng tôi hoạt động".