Những mùa dép rọ đau thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Có những năm thiên tai dồn dập ập xuống, xóa sổ những bản làng, vùi lấp những phận người nơi heo hút. Thảm họa xảy ra, phóng viên Tiền Phong miền Trung lập tức có mặt tại những điểm nóng. Những mùa dép rọ đồng hành cùng phóng viên trên những vùng đất, nẻo đường bùn lầy, những miền thiên tai thảm họa, để rồi, có những chuyến đi ám ảnh đến mãi về sau…

Ký ức đau thương của xóm Trường

Tháng 9/2009, vừa ra trường, tôi về thử việc tại Ban đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng. Cơn bão số 11 đầu tháng 11/2009 gây ngập lụt, thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Trung nhất là Bình Định, Phú Yên. Đau thương nhất là trận lũ lịch sử đã xóa sổ xóm Trường, thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) nằm bên sông Kỳ Lộ, vùi lấp 39 căn nhà cùng 18 người dân nghèo xấu số. Tin tức về thảm họa thiên tai báo về, từ Đà Nẵng sáng ngày 4/11, tôi chân dép rọ, vai khoác ba lô, ôm máy ảnh tức tốc nhảy xe đò lên đường.

Bới đất đá tìm xác người vùi lấp ở xóm Trường (Phú Yên) năm 2009. Ảnh: Nguyễn Thành

Bới đất đá tìm xác người vùi lấp ở xóm Trường (Phú Yên) năm 2009. Ảnh: Nguyễn Thành

Tuyến quốc lộ 1A nhiều đoạn ngập sâu trong nước, phải qua nhiều chặng xe, đi ghe đò qua những đoạn ngập sâu. Cuối ngày tôi mới có mặt tại địa phận tỉnh Bình Định và buộc lòng phải xin nghỉ nhà dân một đêm vì nước còn ngập sâu, chia cắt nhiều đoạn.

Sáng 5/11, tôi cùng một đồng nghiệp tiếp tục bắt xe vào Đồng Xuân, Phú Yên. Từ thị La Hai tiếp tục nhảy thêm một chặng xe nữa để vào Xuân Quang 2. Dọc đường đi là cảnh hoang tàn, đổ nát do lũ dữ. Cầu bắc qua sông Kỳ Lộ bị lũ cuốn, không còn cách nào khác, anh em phải thuê đò vượt sông. Nước lũ cuồn cuộn, không một mảnh áo phao, ai nấy nín thở ngồi trên chiếc đò bé xíu vượt dòng nước xiết. Qua sông an toàn, cũng là lúc mưa ập đến. Trong mưa tầm tã, ghé trú một nhà dân bên đường. Khi biết là phóng viên đang khẩn trương vào xóm Trường đưa tin lũ quét, chia sẻ cùng người dân, bà con không ngần ngại đưa xe máy cho mượn. Nhận chìa khóa xe, chúng tôi lại tức tốc chạy vào xóm Trường.

Cảnh tang thương ở nóc Ông Đề (Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam) tháng 10/2020. Ảnh: Nguyễn Thành

Cảnh tang thương ở nóc Ông Đề (Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam) tháng 10/2020. Ảnh: Nguyễn Thành

Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng vào đến xóm Trường không ai ngờ cảnh tượng lại kinh hoàng đến vậy. Cả một ngôi làng yên bình bỗng chốc bị xóa sổ, nhà cửa đổ nát, vùi lấp trong đất đá. Tiếng khóc thảm thương vang khắp vùng. Xót xa khi chứng kiến cảnh tượng người dân bới cát tìm thi thể người vùi lấp giữa những cánh đồng, bên những rặng tre bật gốc.

Từng xác người trong tổng số 18 nạn nhân lần lượt được tìm thấy trong bùn đất, vò xé tâm gan người sống. Trực thăng liên tục bay trên đầu để thả dây đưa quan tài cho người xấu số. Những thi thể ngâm nước lũ, đã trương phình, nhiều người không còn lành lặn, được dân làng tắm rửa bằng cồn trước khi khâm liệm trong tiếng khóc xé lòng của người thân.

Tác nghiệp ghi hình, phỏng vấn nhanh, tôi và đồng nghiệp nhanh chóng rời hiện trường để tìm nơi viết bài. Cả vùng Đồng Xuân mất điện, chỉ còn cách ra thị trấn La Hai mới có điện, có internet để gửi bài ảnh. Trả lại xe máy cho người dân, hành trình đi ra cũng gian khó như lúc vào. Nghĩ đến cảnh đau thương mất mát, tự nhủ lòng phải nhanh, phải nỗ lực cố gắng hơn nữa.

Phóng viên Nguyễn Thành (đi trước) và Cảnh Huệ đi vào vùng sạt lở ở Trà Leng. Ảnh: Viết Lam

Phóng viên Nguyễn Thành (đi trước) và Cảnh Huệ đi vào vùng sạt lở ở Trà Leng. Ảnh: Viết Lam

Ra đến La Hai đã chiều muộn. Tìm mãi mới ra một quán internet để gửi tin bài. Trời tối, anh em xong việc mới tìm chỗ trọ tắm rửa, ở qua đêm, để ngày mai tiếp tục hành trình vào lại xóm Trường tường thuật công tác khắc phục hậu quả.

Dịp đó, tôi ở lại Phú Yên, Bình Định gần 1 tuần để đưa tin bão lũ, cứu trợ những vùng thiệt hại nặng. Tưởng chừng cảnh tượng tang thương ám ảnh ấy là duy nhất trong đời làm báo, thế nhưng…

Kinh hoàng lở núi Trà Leng

Do ảnh hưởng của bão số 9 (Molave), cùng một buổi chiều ngày 28/10/2020, tại hai huyện miền Nam Trà My và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) xảy ra 4 vụ sạt lở kinh hoàng khiến tổng cộng 43 người chết và mất tích. Trong đó, tại huyện Nam Trà My, sạt lở núi xảy ra tại nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng) làm 15 ngôi nhà bị vùi lấp, 22 người chết và mất tích; 8 người dân thôn 1 (xã Trà Vân, Nam Trà My) cũng bỏ mạng khi hứng chịu trận lở núi kinh hoàng.

Chiều hôm đó, phóng viên Cảnh Huệ (Ban Nghệ An) đang tác nghiệp mưa lũ ở Quảng Bình được tăng cường vào Đà Nẵng để “đón bão” Molave, chưa kịp nghỉ ngơi thì tin tức về thảm họa thiên tai ập về.

Sáng 29/10, từ Đà Nẵng chân đeo dép rọ, tôi và Cảnh Huệ vác ba lô tức tốc lên đường hướng Trà Leng. Đến khoảng 9h cùng ngày, chúng tôi có mặt tại trung tâm chỉ huy tiền phương của tỉnh Quảng Nam ứng cứu sạt lở ở Trà Leng được đặt tại thị trấn Trà My (Bắc Trà My). Lúc này phóng viên Hoài Văn thường trú Quảng Nam theo đoàn xe lãnh đạo tỉnh cũng vừa có mặt.

Công tác triển khai ứng cứu vùng sạt lở đang được triển khai. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam được huy động để hành quân, vừa đi, vừa mở đường vào Trà Leng. Tin tức, hình ảnh từ Ban chỉ huy tiền phương lập tức được gửi về tòa soạn để kịp thời tường thuật trực tiếp công tác ứng cứu vùng thảm họa đang được bạn đọc cả nước quan tâm.

Anh em phân công Hoài Văn ở lại Trung tâm chỉ huy tiền phương để ghi nhận, cập nhật thông tin, và công tác sẵn sàng sơ cứu, chữa trị cho người dân bị thương ở bệnh viện huyện Bắc Trà My. Tôi và Cảnh Huệ tiếp tục đi vào Trà Leng.

Tuyến đường từ thị trấn Trà My lên huyện Nam Trà My để vào xã Trà Leng ngổn ngang bùn đất, khó nhọc lắm xe chúng tôi mới vượt qua được những đoạn sình lầy. Nhưng đến địa phận xã Trà Mai cũng phải dừng chân vì sạt lở, tắc đường. Xuống xe, cũng là lúc những nạn nhân đầu tiên sống sót của vụ sạt lở nóc Ông Đề được đưa ra. Đó là những phụ nữ, trẻ em lấm lem bùn đất, bị thương nặng được người dân cứu sống rồi kết võng, băng rừng khiêng bộ hơn 4 giờ mới đến đây.

Từ bệnh viện dã chiến, chúng tôi tiếp tục băng qua sạt lở, đi bộ gần 1 tiếng nữa mới vào đến nóc Ông Đề. Từng chứng kiến cảnh sạt lở ở xóm Trường hơn 10 năm trước, nhưng cảnh tượng ở nóc Ông Đề còn kinh hoàng hơn. Tất cả ngoài sức tưởng tượng của con người.

Từ xóm Trường đến nóc Ông Đề là những chuyến đi chân dép rọ giữa mùa thiên tai đầy ám ảnh. Bởi thế, mỗi lần nghe bão, áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông, tôi và các đồng nghiệp ở miền Trung chỉ biết chắp tay khấn trời, mong sao bão tan để những mái nhà ấm êm, phận người không còn mong manh trước cuồng phong, bão tố, tang thương thôi đổ xuống những mảnh đất nghèo.

Từ trên cao, cả một quả núi đã bị xé toác, những tảng đá lớn nằm chơ vơ giữa khoảng đất trước đây là nhà cửa của người dân, đất đá đã vùi lấp, xóa đi mọi dấu vết của một ngôi làng. Càng đi sâu vào trong là cảnh tang thương, mất mát. Những gia đình đang êm ấm giữa núi rừng, bỗng chốc chịu cảnh tang thương, có gia đình mất cùng lúc 2,3 người thân chỉ trong tích tắc…

Điện lưới Nam Trà My mất toàn huyện, sóng điện thoại không có, những hình ảnh về sạt lở ở Trà Leng anh em phải vất vả đi tìm điểm cao đón “sóng lạc” giữa rừng để gửi tin bài về tòa soạn.

Tác nghiệp xong, anh em trở về lại thị trấn Trà My khi trời đã tối đen. Tin bài cho số báo xong xuôi cũng là lúc đồng hồ chỉ 21h...

Có thể bạn quan tâm

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.