Những khoảng lặng thanh xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều công nhân ngày ngày chỉ biết đi làm, đến khi quá lứa, nhỡ thì mới gặm nhấm nỗi cô đơn. Ngược lại, môi trường khu công nghiệp, dễ tìm bạn đời. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, bản lĩnh, bạn trẻ lại vướng vào những cuộc tình bị thương…
Thiếu thốn tình cảm
Đúng giờ tan ca chiều thứ 6, chúng tôi có mặt ở thôn Ấp Đồng, xã Yên Trung (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Nằm bên KCN Yên Phong, Ấp Đồng sầm uất với những ánh đèn led nhấp nháy của quán hát, khách sạn, những sạp quần áo (chủ yếu dành cho nữ) và những cửa hàng ăn uống san sát nhau ngay từ cổng vào. Phía trong, từng tốp công nhân rảo bước về phòng trọ. Dừng chân cùng một tốp công nhân trước sạp giày dép, chúng tôi gặp Hoàng Thùy (SN 1989) quê ở Nam Định, đang thử đôi xăng đan. Trước khi về phòng, Thùy tạt mấy cửa hàng mua rau, cá để nấu bữa tối và cả ngày hôm sau. “Em chuẩn bị để ngày mai ngủ nướng, chứ chả muốn đi đâu chơi”, Thùy nói.
 
Nhóm công nhân bạn Thùy trong một lần liên hoan
Nhóm công nhân bạn Thùy trong một lần liên hoan
Mời chúng tôi vào gian phòng chừng 8m2 được trang bị đủ điều hòa, quạt, bếp ăn mi ni. Thùy vừa nhanh tay nhặt rau, rán cá vừa nói: “Em chọn làm ca, mỗi tuần làm 5 buổi, mỗi buổi 8 tiếng (nghỉ thứ 7 và Chủ nhật). Còn có xưởng sản xuất công nhân phải làm kíp, 4 ngày làm 12 tiếng thì được nghỉ 3 ngày/tuần, được trả lương cao hơn nhưng vất vả lắm”, Thùy cho hay. Thấy chúng tôi nhắc việc nghỉ nhiều có thời gian để yêu đương, Thùy đỏ mặt, lập tức hồi đáp: “Em có yêu ai đâu!”.
Khi còn là sinh viên, Thùy ấp ủ trở thành một cô giáo trường làng. Lấy xong tấm bằng cao đẳng nhưng về quê không xin được việc, Thùy lên Hà Nội làm phụ bếp cho một quán ăn ở phố Liễu Giai. Tại đây, làm được mấy năm, chị nảy sinh tình cảm với một người bạn ít tuổi hơn. Hai người quyết định tiến tới hôn nhân nhưng không được gia đình chấp nhận. Lúc đó, cô em gái cũng vừa học xong đại học, không xin được việc, hai chị em nhờ người quen giới thiệu xuống làm công nhân ở KCN Yên Phong.
“Hai chị em cùng làm ngày, cùng một công ty, ngày ngày chỉ biết đi làm rồi về phòng trọ, ngày tháng trôi qua, tuổi cứ lớn dần. Mỗi năm về thăm bố mẹ một hai lần. Tết về nhà thì sợ mọi người giục, em ở lại công ty tăng ca, kiếm tiền. Giờ, em đã 33 tuổi rồi, chưa yêu ai. Cũng có một vài lần có bạn trai tán tỉnh nhưng họ trẻ quá nên sợ…”, Thùy chia sẻ và cho biết, ở công ty cũng có nhiều bạn nữ cùng tuổi không có thời gian cho riêng mình, cứ vậy gặm nhấm nỗi cô đơn. Mục tiêu của Thùy là cố gắng làm vài năm nữa lấy chút vốn rồi về quê mở một cửa hàng, rồi có thời gian phụng dưỡng cha mẹ khi già.
Tình - tù tội mong manh
“Hai chị em cùng làm ngày, cùng một công ty, ngày ngày chỉ biết đi làm rồi về phòng trọ, ngày tháng trôi qua, tuổi cứ lớn dần. Mỗi năm về thăm bố mẹ một hai lần. Tết về nhà thì sợ mọi người giục, em ở lại công ty tăng ca, kiếm tiền”.
Công nhân Hoàng Thùy
Trong quá trình viết bài, chúng tôi rất đau xót khi tìm hiểu về những vụ án, án mạng liên quan đến yêu đương, tình dục trong công nhân đang ngày một gia tăng. Trong đó, chỉ riêng huyện Việt Yên, trọng điểm phát triển KCN của Bắc Giang đã liên tiếp xảy ra các vụ án đau lòng.
 
Cảnh công nhân mua sắm tại chợ buổi chiều
Cảnh công nhân mua sắm tại chợ buổi chiều
Ngày 4/7/2020, trong khu nhà trọ ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang xảy ra vụ án mạng khiến một người chết. Vụ án liên quan đến chị Lăng Thị T, quê ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, người trải qua hai cuộc hôn nhân bất hạnh (một người chồng tù tội, người còn lại chết sớm). Chị xuống làm công nhân trong khu công nghiệp ở huyện Việt Yên. Xuống đây, chị yêu anh Hoàng Văn Quyết, SN 1982, trú tại thôn Đồng Cẩy, xã Tân Thành (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) và sống chung với nhau 5 năm rồi chia tay. Sau đó, qua hội nhóm trên mạng xã hội chị T quen và yêu anh Vi Văn Thiện.
Sau đó, Quyết với Thiện lại mâu thuẫn với nhau vì Quyết muốn quay lại với chị T nhưng chị T và Thiện đều không đồng ý. Mọi lần, Quyết và Thiện cũng chỉ cãi nhau xong rồi thôi. Mọi người trong xóm trọ còn tò mò, can ngăn việc va chạm giữa Quyết và Thiện nhưng lâu dần không ai quan tâm. Đỉnh điểm, ngày 4/7/2020, Quyết đến phòng trọ của chị T và chạm mặt Thiện ở đó. Vừa thấy nhau, sau vài câu cà khịa, cãi vã hai người đàn ông này đã lao vào đấm đá. Quyết vớ một cây gậy ở phòng trọ cạnh đó để đánh Thiện thì bị Thiện cầm dao bấm đâm Quyết tử vong.
Một vụ liên quan đến tình yêu, tình dục chưa có án mạng nhưng gây chấn động cũng mới xảy ra tại Việt Yên, Bắc Giang. Theo đó, ngày 25/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 đối tượng về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Các bị can đều rất trẻ, gồm: Vàng Mí Tủa (SN 2006) và Giàng Mí Sử (SN 2005), Sùng Mí Po (SN 2003), cùng trú xã Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang và Dương Đan Huy (SN 2006, trú xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).
Thông tin được cơ quan công an đưa ra sau đó gây chấn động: Cháu T trú tại huyện Việt Yên có quan hệ tình cảm với Huy. Tối ngày 12/3/2022, tại phòng trọ của Huy ở tổ dân phố Kiểu, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, Huy đã có hành vi hiếp dâm cháu T. Đến chiều ngày 13/3, cháu T lại sang chơi tại phòng trọ của Vàng Mí Tủa, tại đây ba đối tượng lại tiếp tục thực hiện hành vi hiếp dâm cháu T...
Những nữ công nhân may mắn thành… bà chủ
Trong thiệt thòi chung đó, nhiều công nhân trẻ, đặc biệt là công nhân nữ có được may mắn trong tình yêu, hôn nhân. Tìm về tổ dân phố My Điền 2 thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), hỏi nhà Bí thư Chi bộ Phùng Minh Nghị, anh Định, chủ cửa hàng ăn nhanh, sửa xe cạnh nhà văn hóa nhanh nhảu: “Anh lên xe em chở vào, bác ấy bận lắm không biết có nhà không”.
Nói là làm, anh Định quay chiếc SH trắng muốt mời tôi lên xe. Trên đường đi, anh Định cho biết, trước đây đi làm ở xa, khi có KCN anh về làm công ty. Được một thời gian, anh Định quen vợ (quê ở Sơn Động xuống đây làm công nhân, thuê trọ). Yêu nhau được 1 tháng, anh Định xin gia đình cho cưới. Vợ bụng mang dạ chửa, làm công ty vất vả nên cả hai cùng xin nghỉ. Hai vợ chồng tiếp quản lại 30 căn phòng trọ của bố mẹ, mở thêm quán nước, quán sửa xe, bán đồ ăn nhanh.
Chúng tôi đến nhà ông Nghị lúc giữa trưa nắng. Ông Nghị cho biết, đại đa số thanh niên trong làng đều cưới vợ là công nhân từ nơi khác đến. Cứ có 10 cặp cưới thì chỉ có 2 cặp là lấy vợ người trong tỉnh, còn lại là lấy người từ các tỉnh miền núi phía Bắc xuống đây.
Nhà ông Nghị cũng có hai con đang làm trong KCN. Con gái ông cùng chồng lập công ty cung ứng dịch vụ trong KCN, làm ăn cũng khấm khá. Còn cậu con trai cũng làm công nhân trong nhà máy ở KCN Vân Trung. Chỉ lên tấm ảnh cưới, ông Nghị cho biết, khi KCN phát triển, nhà máy mọc lên thì con trai ông cũng quay về đây để làm việc. Tại đây, anh quen biết vợ ở Hải Dương sang KCN làm, tìm hiểu và lấy nhau. Giờ hai vợ chồng đã sinh cho ông hai đứa cháu “đích tôn” kháu khỉnh.
Theo Đức Anh (TPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.