Tuổi già mưu sinh: Cao thủ đánh cá mùa biển động ở Quảng Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nghề biển thường chỉ dành cho thanh niên trai tráng. Nhưng có những ngư dân đã lên hàng cụ, vì miếng cơm, manh áo cũng phải đương đầu với biển cả.

Khi mùa sóng to, gió lớn đến, hầu hết tàu lớn ở các vùng duyên hải miền Trung nằm bờ. Nhưng khi trời vừa yên, biển vừa lặng một chút là những ngư dân với các phương tiện nhỏ đánh cá gần bờ lại tranh thủ hành nghề kiếm sống.

Nếu không phải dân biển bãi ngang ở đây, chắc chắn nhiều người sững sờ nhìn những ngư dân U.80 vẫn xông pha đánh cá ngoài biển để mưu sinh.

Lão ngư "cao thủ" mưu sinh trong mùa biển động

Đó là ông Nguyễn Hùng, 70 tuổi, ở thôn Ngọc An, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Nói về đánh cá gần bờ mùa biển động thì ông Hùng là "cao thủ" ở đây. Chúng tôi ra biển tìm gặp ông Hùng trong buổi sáng cuối đông trời còn lạnh cóng. Đứng từ bờ nhìn ra xa, căng mắt mới nhìn thấy chiếc thúng tròn của ông Hùng nhấp nhô trên biển. Trên chiếc thúng nhỏ, ông Hùng đơn độc bơi, giăng lưới…

Ông Nguyễn Hùng chuẩn bị bơi chiếc thúng tròn ra biển đánh cá. ẢNH: QUANG VIÊN
Ông Nguyễn Hùng chuẩn bị bơi chiếc thúng tròn ra biển đánh cá. ẢNH: QUANG VIÊN

Anh Sơn, một người dân địa phương, cho biết sau những ngày sóng to, gió lớn, nước biển gần bờ bị gáy (nước có màu hơi đỏ và nhiều vi sinh vật) nên nhiều loài cá theo nước gáy để tìm mồi. Lúc này, một số ngư dân liều mình ra biển đánh cá, trong đó có ông Hùng.

Tôi hỏi vì sao phải liều mình, anh Sơn chỉ những cơn sóng giải thích: "Thời gian ni đi biển là nghịch mùa. Dù gọi là biển lặng, nhưng so với những tháng thuận mùa đánh bắt hải sản thì sóng vẫn còn to, có nhiều ao nước xoáy, nếu không có kinh nghiệm đi biển rất dễ bị chìm thúng".

Quả thật, nhìn chiếc thúng tròn của ông Hùng trồi lên, thụt xuống giữa biển và đôi khi thấy mất hút, tôi thấy ông Hùng liều mạng thật.

Một mình ông Hùng "xông sóng, chém gió" để mưu sinh bằng nghề đánh cá. ẢNH: QUANG VIÊN
Một mình ông Hùng "xông sóng, chém gió" để mưu sinh bằng nghề đánh cá. ẢNH: QUANG VIÊN

Chờ hơn một giờ, khi mặt trời nhô lên khỏi mặt biển một lúc thì ông Hùng cũng là "người hùng" trong mắt tôi, đưa chiếc thúng vào bờ. Những con sóng gần bờ nghịch mùa rất trái nết. Chúng lúc cao, lúc thấp và bất ngờ cuộn tròn đuổi theo chiếc thúng như chực chờ ập xuống phương tiện bé nhỏ và ngư dân già nua này.

Ông Hùng không những lấy hết sức bơi mà còn phải biết "lừa sóng" để vào bờ an toàn. Thúng vừa chạm đất, ông Hùng nhanh chóng nhảy phóc xuống kéo phương tiện lên bờ.

Những con sóng như muốn chực chờ nhấn chìm chiếc thúng của ông Hùng. ẢNH: QUANG VIÊN
Những con sóng như muốn chực chờ nhấn chìm chiếc thúng của ông Hùng. ẢNH: QUANG VIÊN

Đưa tay quệt nước biển dầm dề trên mặt, chỉ vào đãy lưới đựng cá, ông Hùng nói át cả sóng: "Bữa ni không trúng mánh lắm. Chắc chừng ni kiếm được vài trăm ngàn. Thôi rứa cũng được. Có tiền mua gạo là vui rồi". Trong đãy lưới, chúng tôi thấy đủ loại cá như cá lẹp, cá đù, cá căng, cá lon, cá đối…

Anh Sơn cho biết thêm, ông Hùng là một tay đánh bắt cá mùa nước gáy cừ khôi. Người ta thường nói "đàn ông đi biển có đôi", nhưng ông Hùng là một trong số ít ngư dân đi biển "mồ côi".

Tuy vậy, lão ngư dân này hầu hết "trúng mánh". "Tui cũng làm đủ thứ nghề. Nhưng cái nghề đánh lưới ni cũng trang trải được cơm áo mùa đông, tháng giá", ông Hùng chia sẻ.

Giác lưới buổi tối cá không nhiều nên lão ngư Nguyễn Hùng đem luôn vào bờ để gỡ cá. ẢNH: QUANG VIÊN
Giác lưới buổi tối cá không nhiều nên lão ngư Nguyễn Hùng đem luôn vào bờ để gỡ cá. ẢNH: QUANG VIÊN

Dù đây là cái nghề mưu sinh của ông Hùng, nhưng nhìn ông tay run run cầm điều thuốc rít thật dài và liên tục như để hâm nóng cơ thể, chúng tôi cảm thấy động lòng.

Hỏi ông Hùng hôm nay đi đánh cá từ lúc nào, ông cho hay 4 giờ sáng đã bơi thúng ra biển. Từ đó đến khi vào bờ, ông Hùng đánh 2 giác lưới. Thật bất ngờ khi được biết, lão ngư này vào lúc xế chiều còn mang lưới ra biển đánh giác quáng (mẻ lưới chập choạng tối).

U.80 vẫn xông pha ngoài biển

Không "liều mạng" như ông Hùng, nhưng ở vùng biển ngang Quảng Nam còn có nhiều cụ ông mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá gần bờ.

Ở thôn Hà Lộc cùng xã với ông Hùng, hàng cụ U.80 vẫn xông pha ngoài biển là chuyện không lạ. Tuy nhiên, các cụ ông thường đi có bạn và chọn những lúc sóng thật êm, gió thật lặng.

Vào buổi chiều đầu năm, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Thắng (76 tuổi) tại chợ cá xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), một địa chỉ nổi tiếng về nghề đánh bắt.

Thoăn thoắt xếp lưới lên xuồng, cụ Thắng sang sảng nói: "Chừ thao lưới lên xuồng chuẩn bị trước, 3 giờ sáng tui và một người bạn chèo ra biển đánh cá tới chiều mới vô bờ lận. Già không đi khơi (xa bờ) được thì đi lộng (gần bờ) kiếm tiền sinh sống chớ ở biển không làm biển biết làm nghề chi".

Ngư dân hàng lão như cụ Thắng vẫn còn đi biển kiếm tiền lo cho gia đình. ẢNH: QUANG VIÊN
Ngư dân hàng lão như cụ Thắng vẫn còn đi biển kiếm tiền lo cho gia đình. ẢNH: QUANG VIÊN

Ông cụ U.80 tiết lộ mình còn có đứa con đang học đại học nên phải ráng xông pha với nghề biển để có tiền cho cậu con trai ăn học.

"Mấy mươi năm làm nghề biển cực khổ và hiểm nguy nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo nên vợ chồng tui muốn con thoát nghèo bằng cái chữ", cụ Thắng trải lòng.

Chúng tôi hỏi thu nhập từ nghề làm biển gần bờ có khá không, cụ Thắng thở dài: "Có lúc được có lúc trất om. Bữa mô trúng thì được năm, bảy trăm ngàn. Bữa mô trật thì chỉ đủ dùng cho bữa ăn trong nhà hoặc mua ít lon gạo, vài bó rau".

Tuổi cao nên cụ Thắng và bạn cùng xuồng phải canh trời thật yên, biển thật lặng mới hành nghề. Tuy nhiên, có những lúc giông lốc bất ngờ ập đến khiến xuồng cụ Thắng lật, trôi hết công cụ đánh bắt, may mà người thoát nạn.

"Của đi người ở lại là mừng rồi. Lại vay mượn mua đồ nghề mới để tiếp tục đi biển. Làm biển như cái nghiệp rứa rồi. Chắc tui làm đến khi mô tay không chèo được nữa mới thôi", cụ Thắng tâm sự.

Các lão ngư đối diện không ít hiểm nguy khi hành nghề trên biển. ẢNH: QUANG VIÊN
Các lão ngư đối diện không ít hiểm nguy khi hành nghề trên biển. ẢNH: QUANG VIÊN

Không chỉ có ông Hùng, cụ Thắng, người dân xã này còn cho biết có hơn chục ngư dân đã lên hàng lão vẫn "xông sóng, chém gió" để mưu sinh.

"Ở xã ni trên 60 tuổi đi làm biển kiếm miếng cơm còn nhiều lắm. Còn có người đáng nể hơn như ông Xuân 84 tuổi vẫn đi đánh cá", cụ Thắng cho biết.

Người già mưu sinh muôn nẻo, trong đó có những cụ ông U.80 tuổi trong cái lạnh se sắt, xông sóng chém gió giữa biển cả mênh mông để kiếm miếng cơm, manh áo.

"Chừ tui già cả rồi không đi biển khơi được, còn chút sức thì ráng đi biển gần bờ kiếm chút tiền để có cơm ngày hai bữa cho con cháu đỡ lo", nghe cụ Thắng thổ lộ thật quý mà cũng thấy xốn xang trong lòng.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, mùa biển động bắt đầu khoảng từ tháng 9 âm lịch năm trước đến gần hết tháng 2 âm lịch năm sau. Thời điểm này, trên biển thường xuất hiện sóng to, gió lớn, thời tiết gặp nhiều bất lợi cho việc đánh bắt, khai thác hải sản.

Tuy nhiên, mùa biển động cũng là thời điểm một số loại cá vào gần bờ kiếm mồi nên ngư dân thường phải "xông sóng, chém gió" đi đánh bắt để kiếm tiền. Nhất là dịp sát tết, cá biển bán được giá nên người già cũng tranh thủ ra biển hành nghề.

Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null