Những bài học làm người từ "Chuyện đời xưa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyện đời xưa (NXB Văn học) là một tác phẩm khá đặc biệt của Trương Vĩnh Ký. Sách tập hợp nhiều câu chuyện hài hước, hóm hỉnh mang tính ngụ ngôn. Ẩn đằng sau tiếng cười đầy sảng khoái là những bài học làm người sâu sắc, dạy người ta cách đối nhân xử thế trong đời sống.
 


Trương Vĩnh Ký (hay còn được biết đến với cái tên khác là Pétrust Ký) là một học giả, ký giả nổi tiếng cuối thế kỷ XIX. Ông là người tiên phong trong việc phát triển báo chí bằng chữ Quốc ngữ. Được sự đồng ý của chính quyền bảo hộ lúc bấy giờ, Trương Vĩnh Ký đã thành lập tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở nước ta, đó chính là Gia Định báo. Sau này, ông còn làm chủ bút của tờ Nam Kỳ.

Không chỉ là hoạt động tích cực trong lĩnh vực báo chí hay ngoại giao, ông còn được giới trí thức đương thời ngưỡng vọng vì tài cao học rộng, uyên bác trong nhiều lĩnh vực. Nói về Trương Vĩnh Ký, học giả Pháp cuối thế kỷ XIX Jean Bouchot đã gọi ông là: “Một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cho đến ở nước Trung Hoa hiện đại nữa”.


 

"Chuyện đời xưa" mang đến những câu chuyện hài hước, hóm hỉnh cùng những bài học làm người sâu sắc
"Chuyện đời xưa" mang đến những câu chuyện hài hước, hóm hỉnh cùng những bài học làm người sâu sắc


Ông có thể sử dụng thành thạo tới 26 ngôn ngữ, thông thạo cả tiếng Pháp, chữ Hán và chữ Nôm. Với tri thức uyên bác của mình, lúc sinh thời, Trương Vĩnh Ký đã để lại cho hậu thế một gia tài học thuật khá đồ sộ. Nếu tính cả ở hai lĩnh vực sáng tác và biên soạn, học giả này đã để lại cho đời sau khoảng hơn 100 đầu sách, trong đó có nhiều nghiên cứu về văn hóa và địa chí có giá trị cho đến này nay. Trương Vĩnh Ký cũng là người đầu tiên biên soạn cuốn Từ điển Pháp - Việt.


Nhân vật trong Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký rất đa dạng, đó có thể là người nông dân, anh học trò dốt nát, quan huyện tham làm, thầy bói, thầy tướng số... Ngoài ra, để làm đa dạng và phong phú cho hệ thống nhân vật của mình, trong tác phẩm xuất hiện rất nhiều truyện đồng thoại. Ở đó, các con vật quen thuộc được nhân hóa để mang đến cho bạn đọc những câu chuyện rất đời, rất người.
Từ những tình huống quen thuộc trong đời sống, Trương Vĩnh Ký đã xây dựng những mẩu chuyện vừa ngắn gọn lại hài hước, chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh quý báu.

Nói tới nụ cười, chúng ta nghĩ ngay đến niềm vui. Nhưng liệu có phải "nụ cười" chỉ là "phương tiện" để biểu đạt niềm vui hay không? Có lẽ, chỉ có nụ cười ngây thơ của con trẻ là được dùng với một dụng ý duy nhất để thể hiện niềm vui. Còn với người lớn, tiếng cười "đa nghĩa" và mang nhiều hàm ý hơn.

Những mẩu chuyện cười trong cuốn sách đã thể hiện được tính "đa nghĩa" của tiếng cười. Nhờ những câu chuyện dân gian hài hước mà tác giả sưu tầm và tuyển chọn, ta thấy được tiếng cười là lăng kính đa sắc để phản ánh muôn mặt của đời sống. Chúng ta có thể dùng nó để chế giễu những kẻ ngốc, chỉ biết bắt chước người khác một cách máy móc. Tiếng cười còn là công cụ sắc bén mà cũng đầy ý nhị phê phán những kẻ chuyên cậy quyền, cậy thế, hà hiếp người khác. Ngoài ra, trong Chuyện đời xưa còn có nhiều truyện cười để châm biếm những hủ tục xấu trong xã hội như: mê tín dị đoan, trọng nam khinh nữ, thói tham lam, ích kỷ của một bộ phận dân chúng.

Đặc biệt, các câu chuyện trong cuốn sách này được kể lại bằng một lối hành văn dân dã, với nhiều từ cổ và phương ngữ Nam Bộ. Điều đó cho ta thấy rằng: tuy là một người chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền Tây học, lại từng làm quan cho chính quyền thực dân, nhưng Trương Vĩnh Ký vẫn rất yêu tiếng Việt. Âm điệu ngọt ngào của tiếng mẹ đẻ luôn trong tâm trí ông.

Không chỉ dừng lại ở việc mang đến tiếng cười sảng khoái và gần gũi cho bạn đọc, Trương Vĩnh Ký còn muốn Chuyện đời xưa trở thành một cuốn sách khoa giáo giản dị và gần gũi. Trẻ nhỏ có thể đọc nó để học chữ Quốc ngữ, người nước ngoài thời ấy muốn học tiếng Việt cũng có thêm một tư liệu để tham khảo.

Các mẩu chuyện trong cuốn sách này từng được đưa vào giảng dạy cho trẻ nhỏ trong chương trình tiểu học những năm đầu thế kỷ XX. Để độc giả tiện theo dõi, tất cả các từ cổ, hay phương ngữ xuất hiện trong sách đều được GS Nguyễn Văn Sâm chú giải một cách cẩn thận, tỉ mỉ và chi tiết. Hy vọng, cuốn sách này sẽ mang đến cho độc giả những phút giây thư giãn cùng nhiều bài học sâu sắc về đời sống.

Theo QUỲNH ANH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...