Nhọc nhằn chạy thận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phòng Thận nhân tạo (Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) có 19 máy lọc thận phục vụ hơn 200 bệnh nhân chạy thận thường xuyên. Hầu hết các bệnh nhân đều gặp nhiều khó khăn do gánh nặng chi phí khám-chữa bệnh dù có bảo hiểm y tế.
Khốn khổ vì suy thận mãn
Họ từng là những người mạnh khỏe, chăm chỉ lao động, có hoàn cảnh kinh tế ổn định, thậm chí khá giả nhưng căn bệnh suy thận mãn đã cướp đi tất cả. Căn bệnh lấy đi của họ sức khỏe, tiền bạc và niềm vui trong cuộc sống. Để duy trì sự sống, các bệnh nhân phải thường xuyên chạy thận nhân tạo hàng tuần. Người ít thì 2 lần/tuần, nhiều thì 3, 4 lần/tuần. Cuộc sống trở nên hạn hẹp, quẩn quanh nơi bệnh viện và quay cuồng trong nỗi lo chi phí khám-chữa bệnh ngày thêm chồng chất.
Chị Nguyễn Thị Lanh (SN 1982, xã Chư Gu, huyện Krông Pa) phát hiện bị bệnh suy thận mãn cách đây 5 năm. Hàng tuần, chị Lanh phải chạy thận nhân tạo 2 lần, trung bình một tháng chi phí tiền xe đi lại và ăn uống khoảng hơn 2 triệu đồng, chưa kể chi trả thêm thuốc men ngoài danh mục bảo hiểm y tế. Hiện nay, do dịch Covid-19 nên mỗi lần vào chạy thận, các bệnh nhân còn phải chi trả thêm tiền test Covid-19 là 71.000 đồng nên càng thêm khó khăn. Là hộ nghèo nên để có tiền chữa bệnh, gia đình đã phải chật vật vay mượn khắp nơi. Chị Lanh kể: 5 năm trước, sức khỏe trong người bắt đầu kém đi, toàn thân sưng phù. Bình thường chị khoảng 45 kg nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã tăng lên 75 kg. Người phù nề, mỏi mệt, sức khỏe suy kiệt. Đi khám thì phát hiện mình bị bệnh suy thận mãn. “Từng là lao động chính trong gia đình, tôi không còn đủ sức khỏe để làm việc nên mọi thứ dồn hết lên vai chồng. Không chỉ lo chạy chữa cho tôi mà anh ấy còn lo chi phí sinh hoạt, ăn học cho 3 đứa con nên khó khăn càng chồng chất khó khăn. Nhiều lúc nghĩ quẩn nhưng thương chồng con buộc mình phải lạc quan, cố gắng”-chị Lanh tâm sự.
Hiện có trên 200 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Ý
Hiện có trên 200 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Ý
3 năm qua, bà Trần Thị Xiêm (SN 1951, thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) gắn đời mình với máy chạy thận nhân tạo. Chồng chết, 2 con gái lấy chồng xa nên từ khi phát hiện bệnh đến nay chỉ có mỗi mình bà thui thủi trong căn nhà nhỏ cùng với tuổi già, bệnh tật. “Tôi ở xa lại già yếu rồi nên xin bác sĩ sắp xếp một tuần lọc thận 2 lần. Đến ngày chạy thận, tôi dậy sớm bắt xe lên Pleiku. 2 con gái ở xa nên chỉ có thể giúp mẹ chi phí khám-chữa bệnh. Tuổi già, bệnh tật, sống một mình nên nhiều nỗi buồn lắm nhưng rồi nhìn lại thấy nhiều người cùng hoàn cảnh, thậm chí họ còn khổ hơn nên cũng dần nguôi ngoai”-bà Xiêm bộc bạch.
Với anh Siu Lui (làng Kênh Mek, xã Ia Le, huyện Chư Pưh), căn bệnh suy thận mãn đã lấy đi nhiều thứ. Từ một người đàn ông tháo vát, lao động chính trong gia đình, sau khi phát bệnh, sức khỏe anh ngày càng kém. “Bây giờ, mình không làm được việc nặng, không phụ giúp gì được cho gia đình mà còn phải lo chi phí khám-chữa bệnh, chạy thận hàng tuần. Thương vợ con nhưng không biết làm sao”-anh Lui buồn bã.
Sẻ chia với bệnh nhân nghèo
Thấu hiểu nỗi khổ của các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, thời gian qua, nhiều tổ chức, đơn vị, Mạnh Thường Quân đã chung tay hỗ trợ. Mới đây, một Mạnh Thường Quân đã hỗ trợ 206 suất quà (500.000 đồng tiền mặt/suất) và thông qua Tổ Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) trao số tiền này cho các bệnh nhân.
Nhận phần quà quý, bà Trần Thị Xiêm xúc động: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế khó khăn nhưng các nhà hảo tâm vẫn quan tâm chăm lo giúp bệnh nhân nghèo. Những phần quà này không chỉ giúp chúng tôi thêm chi phí khám-chữa bệnh mà còn động viên về mặt tinh thần, tình cảm. Chúng tôi rất cảm kích”.
 Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Phương trao quà cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Ý
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Phương trao quà cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Ý
Thay mặt các Mạnh Thường Quân, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Phương đã ân cần trao các phần quà đến tận tay bệnh nhân. Hơn 20 năm làm việc, 4 năm công tác tại Tổ Công tác xã hội, chị Phương chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, kiệt quệ vì bệnh tật. Đồng cảm, chị Phương đã kết nối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân giúp đỡ chi phí khám-chữa bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo, khó khăn. Chị cho biết: “Bệnh tật khiến họ phải chạy thận suốt đời, không chữa trị kịp thời thì đồng nghĩa với suy kiệt và cái chết. Đa số bệnh nhân đều nghèo khó, khốn cùng vì bệnh tật, kiệt quệ về kinh tế rất cần được giúp đỡ. Tôi luôn cố gắng kết nối với các nhà hảo tâm để kịp thời giúp đỡ được nhiều bệnh nhân”.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến-thành viên Tổ Công tác xã hội-thông tin: Ngoài kết nối với các Mạnh Thường Quân hỗ trợ chi phí khám-chữa bệnh, tặng quà cho bệnh nhân nghèo, Bệnh viện còn hỗ trợ hàng trăm suất cháo miễn phí từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần cho bệnh nhân khó khăn. Đơn vị cũng bố trí tủ quần áo tình thương để hỗ trợ những bệnh nhân khó khăn có nhu cầu.
NHƯ Ý

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Kết nghĩa để xóa nghèo

Kbang: Kết nghĩa để xóa nghèo

(GLO)- Việc Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang (tỉnh Gia Lai) phân công các cơ quan, đơn vị của huyện kết nghĩa với làng vùng khó và phụ trách, hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Chung cư Lê Lợi (TP. Pleiku)-một khu nhà ở xã hội lâu năm của Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

7 nhóm cá nhân được vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

(GLO)- Sở Xây dựng Gia Lai vừa có Công văn số 853/SXD-QLN gửi các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư dự án bất động sản về việc xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Người 39 năm làm già làng

Người 39 năm làm già làng

(GLO)- Ở tuổi 89, ông Han-già làng làng Chăm Nek (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) vẫn siêng năm lao động, truyền dạy những kiến thức, kinh nghiệm cho bà con dân làng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống.

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

(GLO)- Khai trương ngày 24-4 vừa qua, Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy (38 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đối diện cổng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã góp phần chia sẻ khó khăn với người nghèo, nhất là bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại các bệnh viện.