Nhớ Tướng Kpă Thìn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi viết lại những dòng này, tôi vẫn luôn nhớ về một sớm mai, khi anh Nguyễn Đức Thanh-phóng viên ảnh Báo Gia Lai-vỗ vai tôi bảo: “Bài báo của chú được gia đình lót dưới lưng ông B’Hâm lúc khâm liệm đấy!”. Một thoáng giật mình… Tôi kịp nghĩ, như vậy là cuộc trò chuyện giữa tôi và tướng B’Hâm không chỉ dừng lại ở buổi chiều muộn năm xưa…

*
Anh bộ đội Việt Minh đi trinh sát các đồn Pháp trở về, trên khuôn mặt hãy còn phảng phất vẻ mệt mỏi. Như để thử thách một lần nữa, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Nam tiến 110 hỏi người lính trẻ:

 

Thiếu tướng Kpă Thìn.
Thiếu tướng Kpă Thìn.

- Nếu đi nữa, chú có đi không? -Chưa chờ câu trả lời, vị chỉ huy đã vung tay bằng một động tác dứt khoát: Rút khẩu súng ngắn và lưỡi gươm Nhật thật dài đặt trên bàn.
- Chú chọn cái nào?
- Đi đánh thôi!
- Nếu đánh thì vào đồn lấy một khăn tay, một nắm cơm cháy mang về đây!

Người lính trẻ ấy là Kpă Thìn, người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và mang về những thứ mà vị chỉ huy giao để tối hôm sau cùng đơn vị vào chiến dịch. Câu chuyện xảy ra cách đây đã hơn nửa thế kỷ...

*
Một buổi chiều tháng 7-1998, chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng thuộc khóm 6, thị trấn An Khê (huyện An Khê cũ). Ông đang ngồi ung dung đọc báo, mái tóc bạc phơ. Sau nhiều năm gặp lại, tôi có cảm giác như ông nhỏ bé hơn. Có lẽ tuổi già và những vết thương thời quân ngũ đã khiến chúng tôi có cảm giác đó.  

Ngồi bên ấm trà mới pha nóng hổi, chúng tôi nghe ông nhớ lại những năm tháng hành quân đánh giặc với những cơn sốt rừng, khát nước, giáp lá cà với giặc Tây. Chúng tôi như nuốt từng lời theo giọng kể khi dồn dập lúc khoan thai, lắng mình trong những thước phim hồi ức, chỉ sợ nhầm hay sót một chỗ nào của tướng B’Hâm-vị Thiếu tướng đã “thất thập cổ lai hy” này.

Ông kể: “Quê hương Cheo Reo có nhiều thanh niên đi học trường Pháp ở Pleiku, Quy Nhơn. Riêng tôi lấy bằng Primaire xong thì theo anh em làm Thanh niên cứu quốc, thông tin viên... cho Việt Minh. Tháng 10-1945, tôi tham gia bộ đội Việt Minh. Nhiều người cũng như tôi nghĩ rằng: Học tiếng Pháp để hiểu Pháp và đánh Pháp-nhận thức vấn đề này cũng từ lòng căm thù giặc, nhất là khi thấy giặc tàn phá các buôn làng, hà hiếp đồng bào, trong đó có người dân buôn Thăm, xã Ia Trok (thị xã Ayun Pa bây giờ) quê tôi.

Những năm 1946-1947, tôi trưởng thành từ Đại đội 79 thuộc Tiểu đoàn Ma Trang Lơng (khu vực M’Drăk, tỉnh Đak Lak). Trong giai đoạn này, tôi tham gia đánh trận chí tử với Pháp trên đường 21, sau đó tôi làm Đại đội trưởng (năm 1949). Cũng trong năm này, tại buôn Dô (xã Krông Năng, huyện Krông Pa hiện nay), trước tình hình giặc Pháp đàn áp dân làng, chúng tôi dựa vào sức gió mùa khô thổi về hướng có lán trại của địch, tổ chức cho anh em đốt lửa thiêu rụi đồn địch và cướp súng. Một trận nữa, ở khu vực đèo Tô Na, đơn vị phục kích trên đường và yểm quân tại cầu Lệ Bắc tập trung đánh Đồn 52 của địch nhằm cắt đường chi viện của chúng. Ngay từ đầu đến cuối trận, quân giặc chết ngổn ngang trên bờ, dưới sông, nhiều tên còn làm mồi cho cá sấu. Cũng tại Krông Pa, trận đánh càn tiêu diệt gọn đồn Mlah truy quét địch ở các buôn Thu, buôn Brông… bắt sống hàng trăm tên và thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh.

Khi ấy, tôi ở Trung đoàn 12 (Trung đoàn Bắc Tây Nguyên), đồng đội tôi chủ yếu là người dân tộc thiểu số của 4 tỉnh Tây Nguyên, ai nấy đều rất đùm bọc, thương yêu nhau và chiến đấu ngoan cường. Trước khi ký kết Hiệp định Genève (1954), cả nước phối hợp tổ chức chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi cùng với Trung đoàn 84 do đồng chí Đoàn Khuê làm Chính ủy đánh đồn Thuận Mẫn, phối hợp với Trung đoàn 803 quyết bảo vệ Cheo Reo từ hướng Tây… Ở đâu cũng gặt hái nhiều thắng lợi. Và cũng bắt đầu từ hiệp định này, tôi tập kết ra Bắc công tác vài năm, sau đó chuẩn bị vào Nam…”.

Ông dừng lại hớp một ngụm nước và nhìn chúng tôi cười. Tôi hỏi:
- Như thế Thủ trưởng vào Nam lúc nào, rồi đánh nhau ở đâu, có gian khổ lắm không?
- Trở lại Gia Lai vào năm 1959, tôi rất vui mừng, mặc dù chiến trường lúc này rất ác liệt. Hơn thế, tôi gặp lại nhiều đồng chí, đồng đội cũ. Đây là sự hỗ trợ về tinh thần cho tôi tiếp tục vào trận chiến mới.

 

Căn cứ cách mạng Krong-nơi Thiếu tướng Kpă Thìn công tác những năm 70 của thế kỷ trước. Ảnh: L.B.T
Căn cứ cách mạng Krong-nơi Thiếu tướng Kpă Thìn công tác những năm 70 của thế kỷ trước. Ảnh: L.B.T

Ông trầm ngâm nhớ lại: “Được sự tín nhiệm của các anh lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Lai lúc đó, tôi làm Phó ban Quân sự tỉnh (quân hàm của ông lúc này là Thiếu tá), còn anh Năm Vinh-Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban Quân sự tỉnh. Đến năm 1960, tôi làm Tỉnh đội trưởng. Tháng 10-1960, ta thực hiện chiến dịch đồng khởi. Theo đó, chỉ trong một đêm tổ chức đánh 4 đồn gồm: Ka Nak, Plei Bông, Lệ Thanh, Kon Dơng. Tại Ka Nak, ta đã sử dụng một trung đội đặc công phối hợp tác chiến cùng các huyện đội đột nhập vào căn cứ địch đánh bại mọi sự chống trả của chúng (chủ yếu lính ngụy Nam bộ), trong đó bắt sống 300 tên. Do cục diện chiến trường lúc ấy (ta không thể giữ lâu) nên đã tổ chức cho chúng học tập, giáo dục tư tưởng cách mạng… sau đó thả về quê làm ăn. Trong số đó có 12 người tình nguyện ở lại được ta giác ngộ cách mạng. Những năm 1967-1968, tại Gia Lai có 2 sư đoàn của Mỹ. Sở Chỉ huy của ta (đóng ở Đak Sơ Mei) đã họp bàn, lên phương án tác chiến đánh vào sào huyệt ở Pleiku bằng nhiều cách: trong đánh ra, ngoài đánh vào; tiến quân các hướng Đông-Tây-Nam… Tỉnh đã dùng Tiểu đoàn Bộ binh H15, Tiểu đoàn 48, Đại đội Đặc công 90... tập trung đánh vào làng Ngol, khu vực Trà Bá. Trận này, ta hy sinh nhiều, đồng chí Kính-Tiểu đoàn trưởng bị bắt (đến năm 1973 được trao trả). Cũng từ trận đánh ấy cho thấy khả năng gần 100 hài cốt chôn tại phường Hoa Lư được phát hiện năm 1997 là đồng đội của tiểu đoàn này. Riêng Đại đội Đặc công 90 cũng đã hy sinh gần hết, chỉ còn 6 đồng chí. Một tổn thất không nhỏ mà trong đời cầm quân tôi đã chứng kiến…”.

Ông dừng lại thật lâu, đôi mắt nhìn xa xăm.
- Thưa Thủ trưởng, năm 1975, mình đánh ra sao?-tôi tranh thủ hỏi.
- Lúc đó thì lại thuận lợi, chẳng tốn công sức bao nhiêu vì lực lượng cách mạng rất mạnh, ta đã chiếm lĩnh và làm chủ hoàn toàn trận địa. Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) Hoàng Minh Thảo đã chỉ huy đánh chặn lại đèo Chư Sê (xã Hbông, huyện Chư Sê ngày nay), sử dụng một số đại đội, rồi tiếp tục đưa Sư đoàn 320 vào cuộc… Trên đường 25 lúc này ngổn ngang các loại xe tăng, pháo đạn và xác lính ngụy, nhiều tên tháo chạy bạt mạng lên núi đã làm mồi cho cọp báo. Còn tại khu vực Ia Rbol, địch bỏ xác nhiều và có khoảng 300 sĩ quan cấp tá, úy đã lọt được theo hướng Tuy Hòa chạy thoát thân xuống hướng biển…

Qua tâm sự, chúng tôi cũng hiểu thêm nhiều điều đáng quý ở con người lắm chiến công và cũng rất đỗi dung dị này: Sau năm 1975, ông học tại Học viện Quân sự cao cấp rồi về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho đến ngày về hưu (năm 1992)… Nghĩa là ông đã có hơn 50 năm gắn bó với binh nghiệp, trong đó có 32 năm làm chỉ huy. Với thành tích đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ông Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Quân công hạng nhì và nhiều huân-huy chương khác.

Đến lúc này tôi mới có dịp hỏi chuyện đời tư của ông. Ông chỉ sang người phụ nữ ngồi bên cạnh: bà Đinh Thị Chớ (quê ở làng Brang Híp, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ ngày nay), năm đó đã 58 tuổi. Bà Chớ nguyên là cán bộ phụ nữ khu 7. Năm 1964, 2 người lấy nhau trong căn cứ và có 4 người con (riêng người con trai đầu đã chết do bệnh tại căn cứ Krong năm 1973). Thật đáng tiếc khi người con gái thứ 2 (32 tuổi) bị liệt toàn bộ tay chân bên trái do ảnh hưởng chất độc da cam, tâm trí ngơ ngẩn. Một người con trai hiện nay là sĩ quan Trường Quân chính 2, người con gái kế là cán bộ phụ nữ huyện Kông Chro, còn lại cậu út 16 tuổi khi ấy đang chuẩn bị theo học Trường Thiếu sinh quân tại TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang).

Lúc chia tay, vị tướng cầm tay tôi nói:
- Vừa rồi tôi có về quê Ayun Pa sau 10 năm cách trở, vì bận bịu nên không có cơ hội thăm gia đình anh em, đồng đội được. Chỉ mong sao tỉnh ta luôn giữ vững và phòng thủ tuyến biên giới thật tốt, cảnh giác với các thế lực thù địch, phản động đang chống phá cách mạng. Tôi rất vui vì thấy đời sống của đồng bào được cải thiện.

Đó là tấm lòng của một vị tướng (thời điểm ấy ông là vị tướng đầu tiên của tỉnh Gia Lai), người luôn trăn trở về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là của Gia Lai.

Lê Bá Tuế

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.