Mạch sống mới trên đất cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, nằm cách Hà Nội khoảng 90 km về phía bắc, giáp ranh vành đai khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân nơi đây vẫn kiên cường và lạc quan, mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, thích ứng linh hoạt với nhịp sống thay đổi theo mùa.

2mach-song-moi.jpg
Hữu Liên là điểm đến mới đang gây chú ý.

Mạch ngầm của núi rừng

Bè tre lướt qua Đồng Lâm, vùng đất rộng vài ha ngập nước sau những cơn mưa hè. Ngồi trên bè băng qua những ngọn cây ngập sâu trong nước, chúng tôi tiến vào thung lũng, nơi cảnh quan vùng đất ngập nước hiện ra xanh mướt và mát lành. Những chiếc bè, giản dị mà nên thơ, lần lượt rời bến, hòa quyện vào vẻ tĩnh lặng của thiên nhiên. Đón khách lên bè là ông Hoàng Mát, người Nùng bản địa.

Ông Hoàng Mát vừa chèo, vừa kể: “Nước từ mấy chỗ trũng trong núi chảy về đây. Mưa to vài ngày là cả thảo nguyên ngập trắng”. Ông chỉ tay về phía dãy núi đá vôi trước mặt, giọng rì rầm, kể: Nước từ các khe, các hang sâu trong núi âm ỉ tuôn ra mỗi khi trời đổ mưa lớn. Những mó nước, suối ngầm, hang nước trên núi đá đã “ngậm” sẵn nước, nên hễ có mưa là nước theo suối tràn xuống ngập thảo nguyên rất nhanh.

“Nước còn theo những dòng suối ngầm từ hồ Lân Đặt tràn về đây”, anh Hoàng Chuyền, con trai ông Hoàng Mát phụ họa.

Chính hồ Lân Đặt cũng là một hồ ngập nước theo mùa, nửa năm là hồ trên núi, về mùa khô lại thành những bãi cỏ rộng nằm len lỏi giữa các dãy đá vôi. Anh cho biết, trên núi có nhiều hang động đồ sộ, mà gần đây bắt đầu được khảo sát để khai thác du lịch, có hang dài tới vài km. Hữu Liên cũng là nơi có nhiều dòng chảy ngầm trong hang động. Trong khu vực, ngoài những dòng chảy lộ thiên còn có các hồ lớn rộng vài chục ha như hồ Lân Đặt, hồ Lân Ty.

Nghe lý giải của cha con ông Mát, mới vỡ ra dần logic về hệ thống hữu cơ gắn kết giữa những hồ nước, suối ngầm ở Hữu Liên. Thực tế, chính mạng lưới suối ngầm, hang động hình thành qua hàng triệu năm nước mưa gặm nhấm, bào mòn đá vôi, đóng vai trò như những “mạch máu” bí ẩn, âm ỉ vận chuyển nước từ các hồ trên núi xuống thung lũng. Nằm trong số những khu vực xen kẹt với rừng Hữu Liên, cả vùng này lại như một lòng chảo, bao bọc chung quanh là các dãy núi đá vôi trùng điệp cao đến vài trăm mét, khiến thảo nguyên Đồng Lâm ngập nước rất nhanh.

Sức sống bền bỉ

Ông Mát người gầy gò, rắn rỏi, kiệm lời nhưng cực kỳ hiếu khách, nên trước những câu hỏi tò mò không dứt của chúng tôi, ông vừa chèo bè, vừa lấy hơi trả lời. Ông trả lời bằng cả tiếng và hành động. Tới khi gặp mấy cây sung, có người ngỏ ý muốn hái ít quả về, ông vui vẻ dặn chờ thêm một đoạn, rồi chèo bè về phía cây sung non hơn. Lấy đà từ dưới mảng, ông Mát nhảy phắt lên, loáng cái đã ở trên ngọn để hái những quả sung non và bánh tẻ.

Từ ngày được nhiều người biết đến, Đồng Lâm thêm nhộn nhịp, đông vui, nhất là khi vào hè. Thuyền ngược, thuyền xuôi, bè từ hồ vào gặp bè trong bến đi ra, trên mặt hồ in bóng mây trời lẫn nụ cười của những người lái bè chào nhau. Ông Mát từ tốn bảo, ấy là lòng hiếu khách của một vùng thung lũng trầm lắng lâu nay, nên khách phương xa tới đều được đối đãi như bạn bè, họ hàng thân tình, chứ không phải chỉ “làm dịch vụ”.

Nhanh nhạy hơn, con trai ông, Hoàng Chuyền kể về tuổi thơ ra đập Pắc Mỏ, nhảy ùm xuống dòng nước mát, thả trôi rồi bơi ngược dòng. Giờ đây, thấy du khách ngày càng đông, anh cùng với mấy hộ trong vùng, liên kết lại với nhau để lập nhóm chèo thuyền đưa khách tham quan, ngắm cảnh. Tự hào rằng, nếu khám phá hết vùng thảo nguyên ngập nước này, sẽ còn nhiều bất ngờ này nối tiếp bất ngờ khác, Chuyền không quên giới thiệu hàng loạt lâm, thổ sản địa phương. Anh dặn chúng tôi “đi chợ bản ngắm đồng bào bán củ này củ nọ, rau rừng, ốc đá đủ cả” và nhớ mua một chút nông sản ủng hộ bà con.

Sinh ra trên vùng núi đá vôi, Hoàng Chuyền đã lập nghiệp gắn liền với núi rừng, hồ, đập. Trước anh từng đi làm ở nhiều nơi, từ ngày “Covid” đến nay, anh về hẳn quê làm, khi thì chèo bè, khi đánh được thì bán cá cho các bếp ăn trong vùng. Mấy năm trở lại đây, Hoàng Chuyền cũng nhanh chóng nắm được xu hướng, đã thương thảo với vài người bạn tìm mua một số thuyền kayak, loại thuyền nhựa composite có kích thước nhỏ, có một hoặc hai chỗ ngồi và chèo bằng tay. Vì vậy, anh có thêm dịch vụ cho thuê thuyền kayak để du khách tự bơi thuyền ngắm cảnh tượng “vịnh Hạ Long trên núi”. Anh cho biết, người dân vùng núi như Hữu Liên còn xa lạ với phương tiện nhỏ gọn này, còn khách du lịch lại rất ưa chuộng nên anh sắm về cũng là có thêm một hoạt động cho du khách khi đến với Hữu Liên xứ Lạng. “Đây là hàng được vận chuyển từ Hạ Long về. Trước đây mình chỉ dùng bè tre cũng đi lại được khắp nơi, nhưng khách họ thích loại thuyền này, chỉ cần bỏ ra 100 nghìn đồng thuê kayak chèo cả ngày. Còn đâu chúng tôi đưa khách đi bè tre, thăm thú khám phá rồi ăn trưa luôn trên bè tre ở giữa hồ”, anh Chuyền cho hay.

Anh nhẩm tính, quanh Đồng Lâm, những địa điểm đẹp như leo thác, tắm đập hay đi rừng đều là trải nghiệm “kén” khách bởi không phải ai cũng sẵn sàng tham gia những màn du lịch mạo hiểm đó, nhưng đi bè, chèo kayak thì phù hợp với mọi người, miễn bảo đảm an toàn.

Người đi hết mọi thẻo rừng

Chúng tôi tới thôn Đoàn Kết, nơi có 131 hộ, với hơn 600 nhân khẩu, trước đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ. Ngày đầu ở đây, trong nhà sàn ven chân đồi lên rừng đặc dụng, bản nhỏ đón chúng tôi bằng cơn mưa lớn. Cơn mưa xối nước trời xuống rừng núi, rồi hòa nhập với nước mặt, nước ngầm dâng tràn lên hàng nghìn khối từ suối ngầm, từ khe, từ hồ trên núi, từ đó âm ỉ chảy về gom nước cho Đồng Lâm ngập tới tận năm sau.

Vì cảnh quan có sự thay đổi theo mùa rất rõ rệt, nên thanh niên ở lại địa phương thường làm một lúc nhiều nghề chứ không cố định một việc. Về mùa mưa, họ chèo bè đi lại tới các khe núi đá, những thung sâu trong núi để đánh bắt, câu cá bán cho các nhà hàng. Mùa khô, họ chăn thả gia súc, chăn ngựa trên thảo nguyên, đi rừng lấy lá thuốc. Mấy năm gần đây, có thêm “mùa du lịch”, là khi những đoàn khách về đông đúc hơn, nhiều người mong muốn khám phá thiên nhiên nên người dân địa phương có dịp “trổ tài”.

Hoàng Văn Phoóc, người thanh niên dân tộc Tày hồ hởi kể: “Bao nhiêu thẻo rừng, thác nước quanh đây em đều biết hết cả”. Trên đường vào rừng, hái được vả, sung còn có những dây nho rừng, cây thị đá… Phoóc tranh thủ mang về, cùng với mật ong đem bán ở chợ, cũng là một khoản trang trải cho gia đình. Đó đều là những sở trường của A Phoóc, nay được anh biến thành nghề hướng dẫn cho khách tham quan. Khi thì dẫn đoàn tới tắm thác, hái nấm, khi thì nhặt ốc núi, tìm cua đá… người con trai rừng ấy còn là đầu bếp chính trong nhà. Vợ anh, Hoàng Thị Hà tiết lộ, đồ ăn tiếp đãi khách đều do chồng nấu nướng và tẩm ướp những gia vị người Tày hay dùng, bằng những loại hạt, quả kiếm trong rừng về.

“Khách đến đây không chỉ ăn thức ăn ngon, mà còn trải nghiệm làm bánh ngải, bắt cua, nhặt ốc. Buổi tối thì đi soi ếch, ngắm đom đóm, họ thích lắm,” Hà cười. Từ những công việc ngày thường quen thuộc, hai vợ chồng vừa tạo ra trải nghiệm du lịch độc đáo, vừa kiếm sống vừa quảng bá vẻ đẹp Hữu Liên.

Gia đình của cặp vợ chồng Tày - Nùng ở tại thôn Đoàn Kết, cũng như bao hộ khác trong thôn gồm cả người Dao, người Tày, Nùng, Kinh… cùng nhau sinh sống. Trước đây, theo thói quen, các bản thường cách xa nhau, nằm rải rác dưới chân núi. Sau này, theo lời kêu gọi của địa phương, các hộ tập trung về một chỗ định cư lập thôn, lấy tên là thôn Đoàn Kết.

Nước sau vài tháng lại rút, khi rút đi, nước đã đem lại sức sống mới cho vùng thảo nguyên đất trống toàn trảng cỏ cây bụi. Còn nước trong những mạch ngầm vẫn âm ỉ chảy, hòa với nhịp sống con người, viết nên câu chuyện trên vùng núi Hữu Liên.

Những ngày không bận đón khách, hai vợ chồng A Phoóc thay nhau cắt cỏ chăm ngựa, dọn dẹp vườn trại, trồng ngô và một ít cây ăn quả. Họ còn tranh thủ đi rừng tìm măng, hái cây lá về làm thuốc, nấu nước, hái quả nho rừng ngâm rượu… Tất cả những lâm thổ sản ấy đều theo kinh nghiệm và các bài thuốc dân gian, sau đó được chế biến thành sản phẩm mang đậm chất quê hương xứ Lạng.

Theo Bài và ảnh: TÂM THANH (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

Mùa vải chín

Mùa vải chín

Vào một ngày đầu hạ, khi trời còn vương chút mát lành của những cơn mưa đêm, anh bất chợt thấy trên con phố Giải Phóng xuất hiện những chiếc xe ô tô con nhỏ, chở đầy vải từ quê lên.

Chống hàng gian, hàng giả - Bài 2: 'Siết' người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Chống hàng gian, hàng giả - Bài 2: 'Siết' người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội (MXH), nhiều người, trong đó không ít người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) đã truyền tải nội dung sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng (NTD) và bức xúc cho người dân.

“Vỡ mộng” nơi đất khách

“Vỡ mộng” nơi đất khách

(GLO)- Lóa mắt trước viễn cảnh giàu sang, sung sướng do kẻ xấu vẽ ra, một số người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã vượt biên sang Thái Lan để từ đây tìm đường đi Mỹ, Canada. Nhưng rồi, họ đều nhanh chóng “vỡ mộng” khi phải đối diện với thực tế.

Chìa khóa mở cửa Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Khát vọng “mỏ vàng” còn ngủ yên

Chìa khóa mở cửa Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Khát vọng “mỏ vàng” còn ngủ yên

Với lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên kỳ vĩ và kho tàng văn hóa đa dạng, Tây Nguyên và Nam Trung bộ sở hữu sức hút độc đáo. Tuy nhiên, việc khai thác những lợi thế này để phát triển du lịch còn rất hạn chế. Làm thế nào để đánh thức “mỏ vàng” còn ngủ yên này, biến khát vọng thành hiện thực?

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 2: Con công nhân lao động chơi ở đâu?

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 2: Con công nhân lao động chơi ở đâu?

Với không ít gia đình công nhân lao động ở những thủ phủ công nghiệp như TPHCM, Bình Dương, nghỉ hè là thời gian ám ảnh nhất. Bởi, con trẻ nghỉ hè nhưng phụ huynh vẫn đến nhà máy. Không ít phụ huynh buộc phải để con ở nhà một mình tại khu trọ, số khác đưa con cùng vào nhà máy hoặc gửi về quê.

Chuyện xưa Diệp Kính

Chuyện xưa Diệp Kính

(GLO)- Hiện nay, nhiều người vẫn quen gọi khu vực trung tâm TP. Pleiku là khu Diệp Kính. Một số bạn trẻ khi gặp tôi cũng thường hỏi về nguồn gốc của tên gọi này. Mỗi lần nhắc đến khu Diệp Kính, bao ký ức lại ùa về trong tôi.

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 1: Đôn đáo tìm chỗ chơi cho con

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 1: Đôn đáo tìm chỗ chơi cho con

Mỗi dịp hè về, câu hỏi: “Trẻ em sẽ chơi ở đâu?” lại trở thành mối bận tâm của nhiều bậc phụ huynh. Nhiều trẻ vì thiếu sân chơi đã phải giam mình trong nhà với điện thoại, tivi. Hè về, trẻ em rất cần một sân chơi đúng nghĩa, không chỉ là chốn nô đùa an toàn, mà còn là nơi ươm mầm nhân cách.

null