Giữ mạch sống nơi đầu sóng Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bác sĩ đảo Trường Sa ngày đêm cứu chữa, hội chẩn từ xa, vượt qua điều kiện khắc nghiệt để bảo vệ sức khỏe và tính mạng ngư dân, chiến sĩ.

Bàn tay bị máy nghiền nát, ca cấp cứu chấn thương sọ não lúc nửa đêm, những hội chẩn từ xa qua màn hình chập chờn sóng viễn thông... là công việc thường ngày của các bác sĩ, y tá trên bệnh xá đảo Trường Sa, nơi được gọi là điểm tựa cuối cùng của ngư dân và chiến sĩ. Giữa điều kiện khắc nghiệt, từng vết khâu, từng ca mổ đều là một cuộc chiến thầm lặng.

Những bác sĩ đa nhiệm

"Chúng tôi phải luôn sẵn sàng 24/24 giờ, không có khái niệm ngày nghỉ", đại úy, bác sĩ Nguyễn Xuân Cường, bệnh xá trưởng, nói. Một ngày ở đây có thể bắt đầu bằng cuộc hội chẩn từ xa với các bác sĩ chuyên khoa ở đất liền, kéo dài bằng các ca sốt xuất huyết, ngộ độc, tai nạn nghề nghiệp và kết thúc bằng một ca cấp cứu gãy tay của ngư dân bị máy móc cuốn lúc 2-3 giờ sáng.

Bệnh xá đảo Trường Sa, về mặt hình thức, chỉ là một điểm y tế cấp cơ sở. Nhưng trong thực tế, nó mang sứ mệnh lớn lao hơn nhiều: giữ gìn sức khỏe cho hàng nghìn ngư dân đang mưu sinh bám biển, bảo vệ tính mạng cho những người lính ngày đêm canh giữ chủ quyền.

"Trên đảo, mỗi bác sĩ phải kiêm nhiều chuyên ngành cùng lúc. Nội, ngoại, sản, nhi... tất cả đều phải nắm. Một ca cấp cứu có thể đòi hỏi cùng lúc kiến thức của bác sĩ ngoại khoa, hồi sức và huyết học", bác sĩ Hoàng Văn Tuấn chia sẻ. Anh từng mất hơn một năm đào tạo luân phiên tại tất cả các khoa của Bệnh viện Quân y 175 chỉ để chuẩn bị cho thời gian công tác nơi đầu sóng ngọn gió này.

Trước đó, trong câu chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn (nguyên Giám đốc BV Quân y 175, người có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Bệnh xá Trường Sa từ một tổ quân y 3 người, trang thiết bị hành nghề không có gì ngoài ống nghe và máy đo huyết áp… thành quy mô như hiện nay), ông chia sẻ với Tiền Phong: “Ở đất liền, một bác sĩ có thể chuyên sâu một chuyên khoa. Nhưng ở Trường Sa, mỗi người buộc phải trở thành một bác sĩ đa khoa. Những cán bộ y tế ra đảo không chỉ khám nội tổng quát, mà còn phải biết mổ cấp cứu, khâu vết thương, xử trí tai biến sản khoa, chẩn đoán nhi khoa, thậm chí làm luôn công việc của một kỹ thuật viên gây mê, một hộ sinh, một y tá. Mỗi ca bệnh tới tay đều là bài toán đa chuyên ngành, trong điều kiện thiết bị hạn chế, thuốc men không đầy đủ, và sự hỗ trợ từ đất liền cách hàng trăm hải lý. Họ không có lựa chọn thứ hai. Vì thế, để ra đảo, các bác sĩ phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt tại các bệnh viện lớn, học đủ từ nội, ngoại, sản, nhi đến hồi sức cấp cứu. Họ phải chuẩn bị đủ kỹ năng và bản lĩnh để nhận nhiệm vụ giữa những điều kiện mà bất kỳ bác sĩ nào cũng thấu hiểu: cứu chữa nơi tuyến cuối luôn là cuộc chiến đơn độc và cam go”.

Ở đây, phải kể thêm một chuyện, Bệnh xá Trường Sa cũng là đơn vị y tế đầu tiên của quần đảo thực hiện thành công ca mổ đẻ cho mẹ con em bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Thông thường ở Trường Sa, phụ nữ mang thai sẽ được đưa vào đất liền theo dõi và sinh con. Trường hợp của vợ chồng chị Th xin Đảo trưởng cho sinh con trên đảo là đầu tiên. Độ khó của nhiệm vụ phát sinh khi sát ngày sinh các bác sĩ phát hiện chị Th có ngôi thai nằm ngang, bị u xơ tử cung, thiểu ối và dây nhau quấn cổ hai vòng. Qua hội chẩn telemedicine, chị Th được chỉ định phải mổ đẻ. Giây phút tiếng khóc của bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân vang lên, các bác sĩ ở cả hai đầu cầu cùng ôm nhau gạt lệ. Tên cô bé là tên ghép của hai bác sĩ trực tiếp cầm dao mổ cho mẹ em. Bốn năm sau, một em bé khác: Thái Bình Hải Thùy cũng được sinh ra ở Trường Sa trong hoàn cảnh tương tự.

"Bệnh xá không phải nơi lý tưởng để hành nghề y khoa. Nhưng lại là nơi lý tưởng để thực hành nghĩa vụ công dân, trách nhiệm bảo vệ từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc", Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp Thân Văn Dũng, Kỹ thuật viên Khoa Tiếp huyết của Bệnh viện 175 là người tình nguyện lên đường tham gia công tác ở Trường Sa lần 2 chia sẻ.

Các bác sĩ ở Bệnh xá đảo Trường Sa hội chẩn Telemedicine cho trường hợp của bệnh nhân Vĩnh Văn Noi. Ảnh: Vũ Linh
Các bác sĩ ở Bệnh xá đảo Trường Sa hội chẩn Telemedicine cho trường hợp của bệnh nhân Vĩnh Văn Noi. Ảnh: Vũ Linh

Những ca mổ giữa biển

Khi chúng tôi đến Bệnh xá đảo Trường Sa, các bác sĩ vừa thực hiện đánh giá ca mổ kéo dài 5 tiếng đồng hồ cho ngư dân Vĩnh Văn Noi, 53 tuổi, đến từ Hoài Nhơn, Bình Định. Bị máy xay đá cuốn nát bàn tay phải, ông Noi được chuyển tới bệnh xá đảo Trường Sa trong tình trạng tổn thương phức tạp: dập nát mô mềm, tổn thương thần kinh, mạch máu, đứt gân, gãy xương ngón 1, 2, 3, 4 của bàn tay, nguy cơ hoại tử cao.

Ngay lập tức, kíp bác sĩ tại đây phối hợp với bệnh viện Quân y 175 thông qua hệ thống telemedicine (hệ thống hội chẩn từ xa) để tiến hành hội chẩn. Hình ảnh X-quang bàn tay được chụp, gửi về đất liền. Các chỉ định xử lý khẩn cấp được truyền ngược ra đảo: khâu nối gân, cầm máu, nẹp xương, chống viêm, chống hoại tử...

Bệnh nhân đến chữa bệnh tại Bệnh xá, từ ăn uống, thuốc men đến chăm sóc đều được miễn phí
Bệnh nhân đến chữa bệnh tại Bệnh xá, từ ăn uống, thuốc men đến chăm sóc đều được miễn phí

Không có máy móc hiện đại hỗ trợ. Không có ê kíp gây mê hồi sức dày dặn. Chỉ có những đôi tay đã quen với sóng gió. Ca mổ thành công, ông Non phục hồi khả quan, sau gần 10 ngày điều trị đã vận động được hơn 50% bàn tay.

"Các y bác sĩ ở đây khám bệnh cho bệnh nhân rất tốt, quan tâm thuốc thang rất đầy đủ. 8-9 ngày nay tôi bình phục được hơn nửa rồi. Chúng tôi lao động trên biển nên có nhiều rủi ro, đảo nào có các bác sĩ như thế này là chúng tôi rất yên tâm, bớt lo rủi ro và cũng bớt sợ hơn khi đi biển cũng như đi đánh bắt xa bờ. Xin cảm ơn trước hết là bệnh viện, sau là Nhà nước Việt Nam, cảm ơn các bác sĩ tận tình giúp đỡ”, ông Non xúc động nói.

Vườn thuốc nam của cán bộ, bác sĩ Bệnh xá đảo Trường Sa
Vườn thuốc nam của cán bộ, bác sĩ Bệnh xá đảo Trường Sa

“Từ đầu năm đến nay, Bệnh xá đã khám, cấp thuốc thường xuyên hơn 500 ca, cấp cứu gần 20 ca. Các trường hợp cấp cứu đa số là ngư dân, khi đánh bắt cá ngoài quần đảo Trường Sa thì bị tai nạn, các trường hợp bị nặng thì được vận chuyển đến quần đảo Trường Sa để cấp cứu. Bệnh xá đảo Trường Sa là trung tâm y tế, tuyến cuối của quần đảo Trường Sa vì vậy hầu hết các ca được vận chuyển đến đều là các ca nặng. Bệnh xá đảo Trường Sa sẽ tiến hành hội chuẩn với bệnh viện quân y 175 qua hệ thống telemedicine để từ đó có những chỉ đạo về chẩn đoán, về hướng điều trị sớm nhất, kịp thời nhất để mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”, đại úy Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.

Phòng cấp cứu của Bệnh xá hầu hết thời gian đều phải tiếp nhận bệnh nhân mới
Phòng cấp cứu của Bệnh xá hầu hết thời gian đều phải tiếp nhận bệnh nhân mới

Không chỉ đối mặt với áp lực chuyên môn, các bác sĩ ở Trường Sa còn phải vật lộn với sự thiếu hụt về vật tư y tế nhất là trong những ca mổ khó khi không có hệ thống ICU hiện đại, không có ê kíp gây mê hồi sức, phụ mổ chuyên sâu. Họ phải luân phiên xoay xở với nhân lực có hạn để phục vụ lượng lớn bệnh nhân vào mùa cao điểm, giữ gìn vệ sinh trong môi trường ẩm mặn, dễ lây nhiễm bệnh tật.

Bệnh xá đảo Trường Sa thuộc Lữ đoàn 146 thuộc Vùng 4 Hải quân, do Bệnh viện Quân y 175 thực hiện nhiệm vụ công tác y tế được đầu tư đầy đủ hệ thống siêu âm, X-quang, xét nghiệm cơ bản bảo đảm cho cấp cứu và cứu chữa ban đầu cho bà con ngư dân đang sinh sống và làm việc trong khu vực. Đây không chỉ là điểm tựa tiếp thêm sức mạnh về tinh thần, vật chất, sức khỏe cho quân dân các đảo trong hành trình vươn khơi bám biển mà còn khẳng định sự kết nối liền một dải giữa đất liền với những vùng biên cương, xa xôi của Tổ quốc.

Thiếu tá Thân Văn Dũng, cho biết: “Dù khắc nghiệt, bệnh xá đảo Trường Sa vẫn giữ được vai trò then chốt trong việc bảo vệ sức khỏe cho quân dân trên biển. Với sự hỗ trợ từ hệ thống telemedicine, khoảng cách địa lý giữa đảo và đất liền được rút ngắn đáng kể. Những ca bệnh phức tạp không còn phải "phó mặc số phận" vì thiếu bác sĩ chuyên khoa”.

Anh Hồ Văn Luận, người nhà bệnh nhân, cho biết: "Tại bệnh xá, từ ăn uống, thuốc men đến chăm sóc đều miễn phí, chu đáo. Các bác sĩ không chỉ điều trị mà còn động viên tinh thần bệnh nhân thường xuyên. Người bệnh không còn cảm giác cô đơn hay sợ hãi giữa biển cả".

"Không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng anh em đều cố hết sức. Một phút chậm trễ ngoài đảo có thể đổi bằng cả sinh mạng", bác sĩ Cường chia sẻ. Có những ca chấn thương sọ não, tràn khí màng phổi, suy đa phủ tạng... vẫn được các bác sĩ nơi đây cứu sống ngoạn mục, bất chấp điều kiện thiếu thốn.

Theo Hạnh Đỗ (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.