TP.HCM nghĩa tình: Bát cháo đêm ấm lòng của Sài Gòn Thương 'không cho cái mình có'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đều đặn 2 tuần một lần, nhóm Sài Gòn Thương lại tụ tập, cùng nhau chuẩn bị những suất cháo đêm nóng hổi tặng cho người vô gia cư, người lao động khó khăn trên địa bàn thành phố.

TP.HCM thường được ví von là thành phố không ngủ. Bên cạnh những khu ăn uống vui chơi náo nhiệt, vẫn còn đó những phận người không nhà, chật vật với giấc ngủ chập chờn và chiếc bụng đói meo. Luôn trăn trở về những điều đó, 8 năm qua, các thành viên của nhóm Sài Gòn Thương vẫn đều đặn trao đi những suất cháo đêm miễn phí ấm áp tình người.

TP.HCM nghĩa tình là loạt bài của Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Loạt bài mong muốn khắc họa những con người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau (trong đó có những tấm gương được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025) nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, cần sự cưu mang, chia sẻ.

Bằng những nghĩa tình, họ dìu nhau qua cuộc sống và cùng nhau góp phần dựng xây nên một Sài Gòn - TP.HCM luôn phát triển, bao dung, ấm áp và tràn đầy yêu thương cho tất cả những ai đến vùng đất này.

Nơi lưu giữ tuổi trẻ

Trời càng khuya, bên trong ngôi nhà ở địa chỉ 613 Nguyễn Văn Quá, (P.Đông Hưng Thuận, Q.12) lại càng tất bật không khí nấu nướng. Người vo gạo, người cắt rau củ, người chuẩn bị bếp gas… để kịp giờ mang cháo đến cho những vị khách đặc biệt.

Anh Văn Tuấn (26 tuổi), một trong những thành viên kỳ cựu nhất của Sài Gòn Thương chia sẻ, nhóm được thành lập từ năm 2014 bởi một số bạn sinh viên có chung niềm đam mê làm thiện nguyện. Bây giờ, ngoài những thành viên điều hành nòng cốt, nhóm còn có sự tham gia của hàng trăm bạn tình nguyện viên đủ mọi lứa tuổi.

“Những bát cháo do nhóm Sài Gòn Thương chuẩn bị, nhiều năm qua giống như một món quà động viên tinh thần các cô chú có hoàn cảnh khó khăn, một chút sẻ chia để họ vơi bớt đi gánh nặng cuộc sống”, anh Tuấn bộc bạch.

Các thành viên trong nhóm Sài Gòn Thương cùng chuẩn bị nguyên liệu nấu cháo
Các thành viên trong nhóm Sài Gòn Thương cùng chuẩn bị nguyên liệu nấu cháo

Anh Tuấn dừng lại một chút, rồi nói tiếp với giọng nghẹn ngào: "Phải trực tiếp tham gia những buổi phát cháo mới biết được vì sao nhiều năm qua nhóm Sài Gòn Thương vẫn quyết tâm duy trì hoạt động này dù gặp không ít khó khăn. Khi đi đêm, chúng tôi chứng kiến nhiều cảnh rất xót thương, đặc biệt là những gia đình có em nhỏ hay các cụ già neo đơn. Họ khiến chúng tôi trăn trở và nhớ mãi”.

Anh nói tiếp, những lúc ấy, bản thân anh cảm nhận được rằng cái họ cần không chỉ là vật chất mà còn là sự đồng cảm. Mỗi bát cháo trao đi, nhóm Sài Gòn Thương hy vọng có thể thắp lên một chút niềm tin, một chút suy nghĩ tích cực về ngày mai cho những mảnh đời còn nhiều vất vả.

Sau nhiều năm gắn bó với Sài Gòn Thương, anh Tuấn chia sẻ, đây không chỉ là một nhóm tình nguyện mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Sài Gòn Thương là nơi anh học được cách đồng cảm, sẻ chia và trân trọng những điều bình dị nhất. Đây cũng là nơi lưu giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ của tuổi trẻ mà anh có với bạn bè.

Sài Gòn Thương tặng cháo đêm miễn phí đều đặn 2 lần/tháng
Sài Gòn Thương tặng cháo đêm miễn phí đều đặn 2 lần/tháng

Anh Duy (25 tuổi), một tình nguyện viên mới của Sài Gòn Thương tâm sự, tình cờ biết đến nhóm qua sự giới thiệu của bạn bè, anh Duy quyết định tham gia với mong muốn góp chút sức nhỏ để lan tỏa những điều tử tế.

Anh Duy khẳng định với chúng tôi, tham gia Sài Gòn Thương là một trong những quyết định đúng đắn nhất của anh. Khi đến đây, anh không chỉ có cơ hội góp sức giúp đỡ các cô chú có hoàn cảnh khó khăn mà còn tạo dựng được nhiều mối quan hệ mới.

“Khi trao tay các cô chú suất cháo nóng hổi, tôi càng thấy thương và muốn giúp đỡ họ nhiều hơn nữa. Bản thân tôi cũng học được cách trân quý cuộc sống mình đang có, biết ơn vì mình được sống khỏe mạnh, đủ đầy, có một nơi để trở về sau ngày dài làm việc vất vả”, anh Duy xúc động.

Trong tương lai, anh Duy mong rằng Sài Gòn Thương sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm và các bạn trẻ. Để những chuyến đi sắp tới sẽ có thêm nhiều phần cháo ngon gửi đến những người có hoàn cảnh khó khăn.

Sài Gòn Thương xem nhau như gia đình

11 giờ, nhóm Sài Gòn thương bắt đầu xuất phát, chia thành hai hướng đi chính. Hướng thứ nhất sẽ di chuyển qua các tuyến đường Trường Chinh, Lý Thường Kiệt, Ba Tháng Hai. Hướng thứ hai sẽ đi các con đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng...

Anh Lê Ngọc Hiệp (33 tuổi) cho biết, với kinh nghiệm đi phát cháo nhiều năm, anh và nhóm dường như đã có những vị khách “ruột” và biết ai thật sự cần. Nửa đêm về sáng, TP.HCM là “thế giới riêng” của những người vô gia cư. Họ đến từ nhiều tỉnh thành, nhiều hoàn cảnh, mỗi người lại có một nỗi khổ riêng. Có người chọn những nơi vắng vẻ như gầm cầu để ngủ. Cũng có những nhóm tụ tập ở một địa điểm nhất định để bầu bạn với nhau.

Đêm ở TP.HCM vẫn còn đó nhiều mảnh đời cần sự cưu mang, giúp đỡ
Đêm ở TP.HCM vẫn còn đó nhiều mảnh đời cần sự cưu mang, giúp đỡ

“Nhóm chúng tôi làm thiện nguyện với tiêu chí tặng những cái họ cần chứ không tặng những gì mình có. Với những người không nhà, bát cháo đêm nóng hổi là một điều gì đó rất trân quý. Tối muộn nên chúng tôi tặng cháo, vừa nhẹ bụng lại vừa phù hợp với những gia đình có con nhỏ hay các cụ già răng đã yếu”, anh Hiệp tâm tình.

Gắn bó với Sài Gòn Thương nhiều năm, anh Hiệp xem đây như gia đình của mình. Dù bận rộn công việc cá nhân, anh vẫn luôn để lịch trống cho những hoạt động của nhóm.

"Sài Gòn Thương đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Chứng kiến sự trưởng thành của nhóm, thấy ngày càng có nhiều bạn trẻ nhiệt huyết tham gia, tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi nhủ lòng rằng, chừng nào Sài Gòn Thương còn hoạt động, những buổi nấu cháo đêm sẽ luôn có mặt tôi”, chàng trai khẳng định.

Ngoài hoạt động phát cháo đêm, Sài Gòn Thương còn có những chương trình thường niên khác như Mùa hè hồng, Trung thu yêu thương… Những dịp này, nhóm sẽ mang yêu thương đến những vùng đất xa xôi hơn như Buôn Choah, Quảng Hòa (Đắk Nông), Ma Đanh (Lâm Đồng)...

Một số hoạt động thiện nguyện khác do Sài Gòn Thương tổ chức
Một số hoạt động thiện nguyện khác do Sài Gòn Thương tổ chức

Trong đó, Mùa hè hồng là một chương trình nổi bật của nhóm, mỗi chuyến đi, Sài Gòn Thương sẽ đến và tô điểm trường học, tổ chức sân chơi, lễ hội ẩm thực và trao học bổng cho các em nhỏ. Có năm nhóm còn hỗ trợ lắp hệ thống pin mặt trời cho những hộ gia đình chưa có điện, tu sửa nhà ở cho người dân…

Toàn bộ kinh phí thực hiện tất cả các chương trình của Sài Gòn Thương đều do các nhà hảo tâm đóng góp. Hoặc thông qua những chiến dịch gây quỹ bán hàng do các thành viên trong nhóm thực hiện.

Sài Gòn Thương như một sợi dây nối kết những tấm lòng yêu thương muốn góp sức nhỏ cho thành phố nghĩa tình này thêm phần ấm áp. Người góp công, người góp của để mang đến yêu thương cho những mảnh đời kém may mắn.

Sài Gòn Thương, cái tên nghe thật bình dị nhưng lại chan chứa nhiều ân tình mà con người ở thành phố này dành cho nhau.

Giữa nhịp sống hối hả, vẫn còn đó những trái tim lặng lẽ gieo mầm yêu thương. Tất cả đã làm nên một TP.HCM nghĩa tình và bao dung, ấm áp và giàu lòng nhân ái.

Theo Thái Thanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

null