TP.HCM nghĩa tình: Lớp học miễn phí ở chùa Lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

15 năm qua, lớp học miễn phí dạy ngoại ngữ nơi chùa Lá (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vẫn giữ trọn một niềm tin rằng, nếu biết thêm một ngoại ngữ, có thể sống thêm một cuộc đời.

Học viên ở đây đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, đến từ khắp nơi trên địa bàn TP.HCM.

Lớp học đặc biệt nơi cửa Phật

Hồi tưởng lại, khoảng năm 2009, thầy Thích Nhuận Tâm (trụ trì chùa Lá) ngày đêm suy nghĩ, làm từ thiện không chỉ là giúp người ta sống qua ngày, mà phải giúp họ sống tốt cả đời. Lại nghĩ, thời đại bây giờ là thời đại hội nhập quốc tế, nếu biết thêm ngoại ngữ, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra.

"Bản thân tôi từng học ngoại ngữ, có cơ hội đi đây đi đó nên hiểu rõ tầm quan trọng của nó. Phải có ngoại ngữ thì đất nước mình mới phát triển được", thầy Nhuận Tâm kể lại.

lophoc.jpg
Thầy Thích Nhuận Tâm mở lớp từ 15 năm qua. Ảnh: Thái Thanh

Vị trụ trì tự hào nói, năm nay là tròn 15 năm lớp học ngoại ngữ miễn phí thành lập, cũng là kỷ niệm 35 năm xây chùa Lá. Thời gian đầu, lớp học ngoại ngữ ở đây chỉ có vài chục học viên, cơ sở vật chất thì còn nhiều thiếu thốn. Đến nay, chùa Lá đã có tới 80 lớp học, dạy xuyên suốt tất cả các ngày trong tuần.

Thầy Tâm nói: "Học viên đến đây đủ mọi lứa tuổi, thậm chí có những cô chú tóc đã bạc cũng đến ghi danh. Sự học là việc cả đời, không giới hạn tuổi tác, giàu nghèo, giới tính, tôn giáo. Chùa Lá luôn mở cửa chào đón tất cả các học viên, có những bạn chạy từ Bình Dương, Đồng Nai đến tham gia nên tôi rất quý mến".

Các thầy cô giảng dạy ở chùa đều là các giáo viên, giảng viên có chuyên môn, trình độ cao, thậm chí có cả những giáo viên người nước ngoài. Theo sư thầy, các giáo viên đến đây đều giảng dạy tận tâm, hết mình với học viên, không cần bất kỳ khoản chi phí nào. Tuy nhiên, các dịp lễ hay cuối năm, thầy Nhuận Tâm vẫn trích một phần nhỏ để các thầy cô đổ xăng, uống nước.

Với số lượng học viên đông đảo, đôi lúc lớp học miễn phí ở chùa Lá rơi vào tình trạng quá tải. Khi không đủ phòng, thầy Thích Nhuận Tâm cho hay, chùa sẽ nhường luôn khu chánh điện để các thầy trò có nơi học tập.

2lphoc.jpg
Niềm vui lớn nhất của cô An khi đến lớp là được nhìn thấy các học viên tiến bộ mỗi ngày. Ảnh: Thái Thanh

Những quy định đặc biệt

Lớp học ngoại ngữ miễn phí của chùa Lá gây ấn tượng với chúng tôi bởi những quy định đặc biệt. Theo thầy Thích Nhuận Tâm, các học viên khi đến lớp đều phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định.

Nguyên tắc bất di bất dịch của lớp phải kể đến là "tiên học lễ hậu học văn". Thầy Nhuận Tâm giảng giải, ở đây không chỉ dạy ngoại ngữ, mà còn dạy cách làm một người tốt, một người tử tế. Mỗi khi thầy cô vào lớp, việc đầu tiên là học viên phải đứng chào, dù lớn tuổi hay nhỏ tuổi.

Thầy Nhuận Tâm thường nói với các học viên: "Hành động đứng dậy chào là thể hiện niềm tôn kính đối với giáo viên. Các thầy cô cảm nhận được điều đó sẽ thêm vui, thêm phấn khởi để dạy học. Về phía các bạn, nếu mình không tôn trọng những người có ân nghĩa với mình thì sau này ra đời, cũng sẽ khó được người khác tôn trọng. Tiên học lễ hậu học văn là nguyên tắc đóng đinh hàng trăm năm nay là vì vậy".

Ở chùa Lá có hơn 80 lớp học dạy 6 ngoại ngữ xen kẽ, mỗi học viên được đăng ký tối đa 2 lớp. Mỗi ngày, ở chùa có nhiều ca học liên tục từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối. Học viên muốn nghỉ học cần thông báo lý do chính đáng với thầy cô hay người phụ trách, nếu nghỉ bất chợt nhiều lần không báo trước thì học viên sẽ bị xóa tên.

Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp đặc biệt mà thầy Nhuận Tâm ưu ái hơn. Chẳng hạn, những học trò từ Bình Dương, Đồng Nai lặn lội đường xa đến học, thầy sẽ cho đăng ký nhiều hơn 2 lớp. Lâu lâu, thầy "lì xì" thêm để hỗ trợ xăng xe, tạo động lực cho các bạn đi học.

Theo chân thầy Nhuận Tâm vào lớp học tiếng Trung của cô Nguyễn Thu An (40 tuổi), chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng, hăng say ngay từ ngoài cửa. Cô An trước đây từng là một học viên của chùa Lá, khi đã có công việc ổn định, cô quay lại và trở thành một giáo viên ở đây.

Cô Thu An chia sẻ: "Các bạn trong lớp của mình học với tâm thế rất nghiêm túc. Ai cũng chăm chỉ, đi học đều đặn, cố gắng để sớm ngày sử dụng được tiếng Trung một cách thành thạo. Bản thân tôi cũng rất hạnh phúc khi được đến đây học cùng các bạn, học hỏi thêm nhiều điều hay từ mọi người".

Không khí lớp học ấm cúng, rộn ràng tiếng cười. Ở lớp, mỗi người có một mục tiêu khác nhau, có người đặt mục tiêu lấy bằng ngoại ngữ, người học để tốt nghiệp ra trường hay đi du học… Những con người xa lạ khi đến lớp lại trở thành một gia đình, cùng nhau học tập, phấn đấu để có một tương lai tươi sáng hơn.

Chị Mai Thị Xuân (26 tuổi), một học viên tại lớp ngoại ngữ miễn phí của chùa Lá, tâm sự nếu không có lớp, chị không biết đến khi nào mới đủ điều kiện đi học. Nhờ có thầy Tâm, các thầy cô và bạn bè, cuộc sống chị trở nên có ý nghĩa hơn. Chị Xuân hy vọng rằng, khi có được tấm bằng ngoại ngữ, chị sẽ tìm được một công việc tốt và có thu nhập ổn định.

3lophoc.jpg
Học viên ở lớp ngoại ngữ miễn phí chùa Lá đủ mọi lứa tuổi. Ảnh: Thái Thanh

Thay đổi cuộc đời hàng nghìn người

Không chỉ dạy ngoại ngữ, ở chùa Lá còn mở lớp dạy thư pháp và thiết kế đồ họa miễn phí cho các học viên. Thầy Nhuận Tâm bộc bạch, nói về những khó khăn thì chùa vẫn còn đó nhiều khó khăn lắm. Số lượng học viên ngày càng đông nhưng cơ sở vật chất thì có giới hạn.

Đôi khi một chiếc bàn nhỏ phải ngồi chen chúc 4 người. Hay hết giờ mà bài giảng vẫn còn, các thầy trò lại rủ nhau ra ghế đá hay vào trong sân để tiếp tục giải.

4lophc.jpg
Học viên ở lớp ngoại ngữ miễn phí chùa Lá đủ mọi lứa tuổi. Ảnh: Thái Thanh

Ngoài nguồn hỗ trợ do các nhà hảo tâm đóng góp, thầy Nhuận Tâm còn đi thuyết giảng, viết thư pháp, bán các loại đá, vòng phong thủy để có thêm kinh phí duy trì lớp. Dù nhiều vất vả, gian nan, thầy vẫn luôn cố gắng để lớp học ngoại ngữ diễn ra suôn sẻ, tạo cơ hội cho nhiều người được tiếp cận với tri thức, giáo dục.

Lớp học ngoại ngữ miễn phí của chùa Lá nhiều năm qua đã góp phần thay đổi cuộc đời của hàng nghìn người. Bản thân thầy Nhuận Tâm cũng thường xuyên đứng lớp để trao đổi với học viên về văn hóa và lịch sử dân tộc, nghệ thuật thư pháp, nét đẹp tôn giáo…

Nhiều năm qua, thầy Thích Nhuận Tâm cũng đã giúp rất nhiều người lầm đường lạc bước hoàn lương. Nhiều người có quá khứ tù tội, là giang hồ, xã hội đen khi nghe thầy giảng giải cũng đã tu tâm dưỡng tính, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Thầy cũng cho biết đang phối hợp với một nhà hảo tâm xây dựng dự án Trung tâm Hướng nghiệp thiện nguyện Thiện Nhơn - Bồ Đề ở Núi Thành (Quảng Nam). Đây sẽ là nơi hướng nghiệp, dạy nghề cho những người từng lỡ bước, có quá khứ sai lầm hay giang hồ muốn làm lại cuộc đời.

Thầy nói: "Đối với những người từng mắc sai lầm, việc chúng ta nên làm là bao dung, thấu hiểu để họ vượt qua sự mặc cảm, tự ti. Hơn nữa là hướng nghiệp cho họ để họ có một cái nghề đàng hoàng, về sau tự gây dựng cuộc sống, làm lại từ đầu".

Theo Thái Thanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.